Nghiêm cấm các hoạt động giao dịch điện tử nhằm lừa đảo người khác
Theo dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tạo lập, lưu trữ tài khoản giao dịch điện tử không được tiết lộ thông tin của tài khoản giao dịch điện tử.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi), nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, khắc phục được những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật GDĐT hiện hành, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống trong môi trường thực, quy định cụ thể về các điều kiện bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử...
Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự kiến, Luật GDĐT (sửa đổi) sẽ gồm 11 chương và 103 điều, quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong hoạt động kinh tế, xã hội, dân sự, thương mại, tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 9 chính sách đã được thông qua theo Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; quy định đảm bảo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch và dịch vụ tạo lập, xác thực tài khoản giao dịch, hợp đồng điện tử, dịch vụ tin cậy và dịch vụ hỗ trợ giao dịch điện tử...
Dự thảo Luật đã nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như lợi dụng hoạt động giao dịch điện tử gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm việc tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống điều hành hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hạ tầng công nghệ về giao dịch điện tử.
Đồng thời, nghiêm cấm việc tham gia các hoạt động giao dịch điện tử nhằm mục đích chiếm đoạt, lừa đảo người khác để thu lợi bất chính hoặc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu...
Mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều tài khoản giao dịch điện tử có thể sử dụng cho các loại giao dịch khác nhau. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng tài khoản giao dịch điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ của mình.
Đáng quan tâm, dự thảo Luật nêu rõ: Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tạo lập, lưu trữ tài khoản giao dịch điện tử không được tiết lộ thông tin của tài khoản giao dịch điện tử. Tổ chức tạo lập, lưu trữ tài khoản giao dịch điện tử phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản giao dịch điện tử.
Đồng thời, tổ chức tạo lập, lưu trữ tài khoản giao dịch điện tử không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản giao dịch điện tử cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, hoặc được sự chấp thuận của chủ tài khoản giao dịch điện tử.
Trong các giao dịch điện tử yêu cầu có sự xác nhận của các bên tham gia thì có thể sử dụng chữ ký điện tử và có quyền thỏa thuận và lựa chọn chữ ký điện tử, hình thức chứng thực chữ ký điện tử. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức, chữ ký điện tử của thiết bị và phương tiện điện tử tạo chữ ký điện tử.
Dự kiến, dự án Luật GDĐT (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 4/2023).