Nghĩa trang liệt sỹ mặt trận Tu Vũ - chốn linh thiêng bên núi Tản, sông Đà

'Có người lính/Mùa thu ấy/Ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính/Mùa xuân ấy/Ra đi từ đó không về...' lời bài hát 'Màu hoa đỏ' da diết vang lên trong làn mưa, len vào từng kẽ lá trên Đồi Măng xanh rờn. Nơi đây, có hơn 200 phần mộ liệt sĩ. Trong đó, phần lớn hy sinh trong trận đánh cách đây hơn 70 năm làm rung chuyển phòng tuyến sông Đà...

Nghĩa trang liệt sỹ mặt trận Tu Vũ là nơi nằm lại của hơn 170 cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 88 sau trận đánh mở màn cho chiến dịch Hòa Bình cách đây hơn 70 năm

Nghĩa trang liệt sỹ mặt trận Tu Vũ là nơi nằm lại của hơn 170 cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 88 sau trận đánh mở màn cho chiến dịch Hòa Bình cách đây hơn 70 năm

Những người lính “ra đi từ đó không về”...

Nghĩa trang liệt sỹ mặt trận Tu Vũ nằm trên đồi Măng hướng thẳng ra sông Đà. Phía xa là ngọn núi Tản Lĩnh huyền thoại. Tôi trở lại đây khi trời vẫn chưa dứt mưa sau cơn bão số 3 (Wipha). Những giọt mưa rơi trên từng bia mộ như thể đất trời cũng đang nhỏ lệ. Không gian tĩnh lặng, chỉ còn tiếng mưa rơi hòa lẫn với tiếng gió xào xạc qua những hàng cây mang theo mùi hương trầm bảng lảng. Mỗi bước chân trên con đường nhỏ lát đá, cảm giác như đang bước vào một chốn linh thiêng.

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tu Vũ cùng cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 88 thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này nhân dịp kỳ niệm 78 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2025)

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tu Vũ cùng cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 88 thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này nhân dịp kỳ niệm 78 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2025)

“Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp 27/7, dù nắng hay mưa, chúng tôi vẫn về đây với các bác, các chú...” thượng tá Ngô Văn Như, Chính ủy Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Quân đoàn 12, nhẹ giọng khi đứng trước dãy mộ liệt sĩ như hàng quân ngay ngắn.

Hướng nhìn kiên định về phía những nấm mộ chưa xác định được danh tính, thượng tá Ngô Văn Như nghẹn giọng: Những người lính hy sinh trong trận đánh cứ điểm Tu Vũ vào tháng 12/1951, đều là người của Trung đoàn 88 chúng tôi. Họ là đồng chí, đồng đội; là các bác, các chú từng chiến đấu và ngã xuống trong đêm mở màn chiến dịch Hòa Bình. Giọng ông trầm ấm, chứa đựng sự kính trọng những người lính năm xưa vừa bước ra từ trận đánh, trở về trong một đêm trăng vằng vặc sáng cách đây hơn 70 năm...

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp 27/7 thượng tá Ngô Văn Như cùng cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 88 đều về thăm những người đồng đội đã hy sinh trên mảnh đất này

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp 27/7 thượng tá Ngô Văn Như cùng cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 88 đều về thăm những người đồng đội đã hy sinh trên mảnh đất này

Giữa ngút ngàn bóng cây xanh mát là hơn 200 phần mộ liệt sỹ. Trong đó, có hơn 170 phần mộ của những chiến sỹ thuộc Trung đoàn 88 hy sinh trong trận đánh mở màn cho chiến dịch Hòa Bình vào ngày 10/12/1951. Họ nằm lại đây sau trận đánh.

Tại Nghĩa trang liệt sỹ mặt trận Tu Vũ có hơn 170 phần mộ của các liệt sỹ hy sinh trong trận đánh diễn ra vào đêm 10, rạng sáng ngày 11/12/1951

Tại Nghĩa trang liệt sỹ mặt trận Tu Vũ có hơn 170 phần mộ của các liệt sỹ hy sinh trong trận đánh diễn ra vào đêm 10, rạng sáng ngày 11/12/1951

Số còn lại là những liệt sỹ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mới được nhân dân và chính quyền địa phương quy tập, đưa trở về quê hương. Đáng buồn, trong số hơn 170 phần mộ liệt sỹ hy sinh ở mặt trận Tu Vũ, chỉ có khoảng 30 ngôi mộ xác định được danh tính. Còn lại là những phần mộ chỉ có một dòng chữ đầy day dứt: Liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - xã hội xã Tu Vũ thì: Trước đây, Nghĩa trang liệt sỹ mặt trận Tu Vũ nằm ngoài bờ sông Đà. Sau bao năm chiến tranh, thiên tai lũ lụt. Lại thêm việc di chuyển đã làm cho nhiều phần mộ bị mất dấu. Ngày ấy, trong quá trình làm công tác di chuyển, người ta chỉ ghi thông tin liệt sỹ phía bên ngoài tiểu sành chứa di cốt bằng phấn trắng. Trong khi chờ “hạ huyệt” thì một cơn mưa lớn bất ngờ ập đến. Mọi chữ nghĩa, thông tin liệt sỹ đều tan biến... Câu chuyện đó như một nhát cứa vào lòng người. Để cho những người ở lại một vết sẹo không thể lành.

Trong số hơn 170 phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang mặt trận Tu Vũ thì đa phần là các phần mộ chưa xác định được thông tin

Trong số hơn 170 phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang mặt trận Tu Vũ thì đa phần là các phần mộ chưa xác định được thông tin

Giữa nghĩa trang, tôi gặp chị Ngô Thị Nhung. Một người đàn bà có đôi mắt biết nói. Vợ chồng chị đã làm quản trang, gắn bó với nơi này tính đến nay đã 25 năm. Bàn tay chị Nhung vừa thoăn thoắt nhặt từng chiếc lá trên mỗi phần mộ chị vừa kể: Ở đây linh thiêng lắm. Thỉnh thoảng các bác, các ông vẫn “về” báo mộng. Như lần có bác “về” báo mộng sắp có con cháu từ Thanh Hóa ra thăm. Mong muốn đưa về quê để tiện bề hương khói. Nhưng bác ấy bảo, ở đây với đồng đội bao nhiêu năm rồi. Chẳng muốn về. Mấy hôm sau đúng thật là có người từ Thanh Hóa ra. Mang câu chuyện được báo mộng kể cho người nhà liệt sỹ đó. Sau không thấy họ còn ý định di chuyển phần mộ liệt sỹ về quê hương...

Chị Ngô Thị Nhung, người quản trang đã gắn bó với nơi này 25 năm

Chị Ngô Thị Nhung, người quản trang đã gắn bó với nơi này 25 năm

Kể xong câu chuyện, chị Nhung cười hiền. Tôi thấy, nụ cười ấy thật sự bình yên, mãn nguyện.

Những người viết hùng ca bên núi Tản, sông Đà

Hơn 70 năm trước, cứ điểm Tu Vũ được quân Pháp xây dựng thành pháo đài kiên cố với 3 đại đội bộ binh, 1 trung đội xe tăng, 1 đại đội pháo binh cùng nhiều lớp rào dây thép gai, bãi mìn, lô cốt. Biến nơi này thành “mắt xích” quan trọng trong phòng tuyến sông Đà. Một chốt chặn mà quân Pháp tin rằng không thể bị phá vỡ. Chính vì lẽ đó, nơi đây trở thành chiến trường khốc liệt nhất trong chiến dịch Hòa Bình. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 88 tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ với tinh thần “Phải thắng! Chỉ được thắng”. Lời của Đại tướng không chỉ là mệnh lệnh. Mà đó là lời thề, là ý chí sắt đá của toàn thể cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 88 (sau này còn được gọi với cái tên là Trung đoàn Tu Vũ) năm xưa.

Mang tinh thần “quyết tử cho tổ quốc” vào trận đánh, đã có nhiều người nằm lại nơi này...

Mang tinh thần “quyết tử cho tổ quốc” vào trận đánh, đã có nhiều người nằm lại nơi này...

Mang tinh thần “quyết tử” vào trận đánh. Đêm 10/12/1951, bộ đội ta bắt đầu tấn công. Vào đúng đêm sáng trăng nên khi tiếp cận cứ điểm thì đội hình của ta bị địch phát hiện. Hỏa lực từ cứ điểm Tu Vũ cùng pháo binh các đồn Pheo, Chẹ bên kia sông Đà trút xuống như bão lửa. Tiếng súng nổ chát chúa, tiếng đạn xé gió trong đêm tối. Từng chiến sĩ ngã xuống. Máu đào thấm đẫm từng tấc đất. Nhưng tinh thần chiến đấu vẫn không giảm.

Đến rạng sáng 11/12/1951, cứ điểm Tu Vũ thất thủ. Quân ta tiêu diệt 159 lính Pháp, bắt sống 12 tên, phá hủy nhiều xe tăng, lô cốt, thu vũ khí. Nhưng phía ta cũng có 152 chiến sỹ hy sinh, gần 500 người bị thương. Tất cả đều là CBCS của Trung đoàn 88. Tính ra, đây là trận đánh có thương vong lớn nhất của bộ đội Việt Minh từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhờ sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 88 đã mở đường cho chiến thắng trong chiến dịch Hòa Bình, tạo thế tiến cho chiến dịch Điện Biên phủ sau này

Nhờ sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 88 đã mở đường cho chiến thắng trong chiến dịch Hòa Bình, tạo thế tiến cho chiến dịch Điện Biên phủ sau này

Chiến thắng Tu Vũ là bước mở đầu cho chiến dịch Hòa Bình; là đòn đánh phá vỡ phòng tuyến sông Đà, mở đường giải phóng Hòa Bình, tạo thế cho chiến dịch Điện Biên Phủ sau này. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Không có Tu Vũ thì không có chiến thắng Hòa Bình. Mà không có chiến thắng Hòa Bình thì không có Điện Biên Phủ sau này. Câu nói ấy như khẳng định giá trị lịch sử của trận đánh và nơi những giọt máu đào của những người lính đã thấm sâu vào từng thớ đất.

Bóng “người” về cùng ngọn gió Đà Giang

Năm 1978, Nghĩa trang liệt sỹ mặt trận Tu Vũ được chuyển về khu Đồi Măng như hiện tại. Gần nửa thế kỷ trôi qua, nơi đây không thiếu bàn tay chăm sóc. Không chỉ là cán bộ địa phương, người thân liệt sĩ, mà còn cả những con người như bà Trần Thị Dung Tính. Năm nay bà đã 84 tuổi, nhà bà ở ngay cạnh bên nghĩa trang từ ngày đầu. Bà Tính với mái tóc bạc phơ, đôi mắt hiền từ, vẫn ngày ngày nhìn về phía nghĩa trang như nhìn về ngôi nhà của mình. Bà bảo: Ban đầu tôi chỉ dựng cái nhà để ở tạm. Những khi ở lâu rồi thấy quyến luyến như là tình thân, sự gắn bó máu thịt...

Bao nhiêu mưa nắng đã đi qua, Nghĩa trang mặt trận Tu Vũ vẫn là một địa chỉ đỏ để CBCS Trung đoàn 88 tìm về, tri ân những người đã ngã xuống

Bao nhiêu mưa nắng đã đi qua, Nghĩa trang mặt trận Tu Vũ vẫn là một địa chỉ đỏ để CBCS Trung đoàn 88 tìm về, tri ân những người đã ngã xuống

Bao nhiêu mùa mưa nắng đã đi qua. Bao nhiêu đoàn người đến thăm viếng. Người đến rồi cũng sẽ rời đi. Nhưng ở đây, suốt những năm tháng sống cạnh Nghĩa trang, bà luôn cảm nhận rõ những người lính năm xưa của Trung đoàn 88 vẫn luôn ở đây. Trong những đêm trăng sáng, đâu đó còn vọng lại tiếng hô “xung phong”. Có lẽ, họ vẫn ở trong từng hơi thở của đất trời Tu Vũ với những bóng hình trong gió; trong cây, trong tiếng lá reo, trong tiếng chim hót, trong từng giọt mưa rơi. Mỗi người đến đây dù quen hay lạ. Đều cúi đầu lặng lẽ. Như thể đang nói với người lính khi xưa “ra đi từ mái tranh nghèo” những lời tri ân.

Tổ Quốc mãi ghi công những người đã hiến cả thanh xuân, xương máu còn nằm lại giữa đồi Măng

Tổ Quốc mãi ghi công những người đã hiến cả thanh xuân, xương máu còn nằm lại giữa đồi Măng

Khi chúng tôi rời Nghĩa trang, trời Tu Vũ vẫn mưa. Nhưng những nén hương vẫn cháy đỏ giữa trời đất linh thiêng. Trong tiếng gió xào xạc, như nghe vọng lại những lời thì thầm: Nếu tôi không về, xin hãy giữ tôi cùng ngọn gió Đà Giang.

Giữa “mùa tri ân” tháng 7. Giống như những người có mặt tại nơi này. Chúng tôi xin cúi mình trước những người đã hiến cả thanh xuân, xương máu cho tổ quốc còn nằm lại giữa đồi Măng...

Mạnh Hùng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nghia-trang-liet-sy-mat-tran-tu-vu-chon-linh-thieng-ben-nui-tan-song-da-236829.htm