Nghĩa tình chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Từ khi thành lập đến nay, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh đã trở thành 'mái nhà chung', giúp gắn kết những người lính từng chiến đấu nơi tuyến lửa Thành cổ. Với nhiều hoạt động thiết thực, Hội đã lan tỏa nghĩa tình đồng đội và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Nhiều tập thể, cá nhân của Hội được Trung ương Hội khen thưởng

Nhiều tập thể, cá nhân của Hội được Trung ương Hội khen thưởng

Hiện nay, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh có hơn 530 hội viên, sinh hoạt tại 16 chi hội. Phần lớn các hội viên đã ngoài 70 tuổi, đều mang trên mình những vết thương của chiến tranh. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng những người lính Thành cổ năm xưa vẫn giữ trọn tinh thần kiên trung, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, sống mẫu mực, nghĩa tình, trách nhiệm với gia đình, đồng đội và xã hội. “Chúng tôi luôn xác định rõ vai trò của mình không chỉ là tri ân quá khứ, mà còn phải góp phần chăm lo đời sống hội viên và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.

Trên tinh thần đó, những năm qua, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nghĩa tình với đồng đội. Từ năm 2019 đến nay, Hội đã giúp xây dựng và sửa chữa 16 căn nhà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền hơn 630 triệu đồng. Đồng thời, Hội cũng đã hỗ trợ gần 260 triệu đồng cho các trường hợp hoạn nạn, ốm đau, neo đơn. Riêng trong năm 2024, Hội đã vận động và hỗ trợ 80 triệu đồng để giúp hội viên khó khăn xây dựng nhà “Mái ấm tình đồng đội”, trao tặng 40 phần quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Phong trào đóng góp quỹ chi hội cũng được phát động, giúp hội viên vay vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, góp phần vào mục tiêu xóa nghèo và xóa nhà tạm.

Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng công tác chính trị tư tưởng, vận động hội viên nêu gương, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, hội viên luôn tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, trở thành những công dân gương mẫu giữa đời thường.

Đối với những chiến sĩ từng vào sinh ra tử trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, tri ân đồng đội đã khuất cũng là một trách nhiệm vô cùng thiêng liêng. Ông Tính cho biết: “Hằng năm, vào dịp 27/7 hay những ngày lễ lớn, Hội đều tổ chức đoàn ra thăm lại chiến trường xưa, nơi những đồng đội đã chiến đấu không tiếc xương máu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”. Trong các chuyến thăm lại chiến trường xưa, các thành viên của đoàn không chỉ tham gia dâng hương, thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và Khu di tích Thành cổ Quảng Trị, mà còn nhiệt tình tham gia Chương trình “Hát cho đồng đội tôi nghe”. “Đây là những khoảnh khắc xúc động, nơi những ký ức về một thời bom đạn, tình đồng đội và lòng yêu nước sâu sắc lại ùa về, khắc sâu trong tâm trí của mỗi thành viên”, ông Lê Trung Tính chia sẻ.

Ngoài ra, Hội cũng tích cực tham gia cung cấp thông tin, hỗ trợ thân nhân liệt sĩ trong hành trình tìm kiếm và xác minh hài cốt các chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, góp phần vào công tác tìm kiếm và tưởng niệm những anh hùng đã ngã xuống.

Với những nỗ lực này, mới đây, tại Lễ tổng kết công tác Hội năm 2024, Trung ương Hội đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân có nhiều đóng góp trong các phong trào và hoạt động chung của Hội. Những phần thưởng này không chỉ là sự ghi nhận, mà còn là niềm tự hào của các chiến sĩ Thành cổ vào sự phát triển chung của đất nước.

Ông Lê Trung Tính cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phát triển hội viên mới, nâng cao năng lực hoạt động của các cấp Hội, tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với nhu cầu của hội viên. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tăng cường phối hợp với các Hội, đoàn thể trong và ngoài tỉnh, và tận dụng các nguồn lực xã hội để triển khai hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời, thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng cho hội viên”.

Những hoạt động đầy ý nghĩa và tri ân sâu sắc của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh đã và đang góp phần khẳng định vai trò của Hội trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các hội viên cũng như góp phần gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/nghia-tinh-chien-si-thanh-co-quang-tri-aba712f/