Nghệ thuật yêu cầu tăng lương

Theo các chuyên gia nghề nghiệp, rất nhiều người trong chúng ta trì hoãn yêu cầu tăng lương vì e ngại bước vào một cuộc trò chuyện khó xử.

Stu Smith vẫn còn nhớ lời đề nghị tăng lương mà ông cho là trơ trẽn từ nhân viên trước đây. Thời điểm đó, khi đang điều hành một công ty về xây dựng thương hiệu với 10 nhân viên, ông đã phải gọi nhân viên ấy vào phòng họp để có cuộc trò chuyện khó khăn.

Lý do là các dự án làm thêm của người đó, ngoài công việc chính trong công ty, đang bắt đầu ảnh hưởng đến hiệu suất của anh ta.

Smith nhớ người nhân viên ấy đã nói rằng: “Chỉ cần tăng lương gấp đôi, tôi sẽ nghỉ hết những việc bên ngoài”.

Nhưng ông đáp: “Không. Đó không phải cách mọi thứ vận hành”.

Mọi người thường được khuyên hành động theo chiều hoàn toàn ngược lại: bạn chăm chỉ làm việc, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ rồi mới yêu cầu nâng lương.

Tuy nhiên, không giống nhân viên táo bạo của Smith, đa số chúng ta thường trì hoãn yêu cầu tăng lương, thậm chí để mất một khoản đáng kể, chỉ vì không muốn bước vào một cuộc trò chuyện khó xử.

New York Times đã phỏng vấn những người từng nhận được câu hỏi đề nghị tăng lương, cũng như các nhà nghiên cứu về động lực tổ chức và tâm lý nơi làm việc về vấn đề này. Họ đã đưa ra lời khuyên tốt nhất của mình về cách chuẩn bị để đối mặt với cuộc trò chuyện giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn trong năm mới này.

Nỗi sợ bị từ chối

Ngỏ lời yêu cầu được trả nhiều tiền hơn có thể khiến nhân viên cảm thấy nhạy cảm, nó cũng khó xử như khi họ phải ngỏ lời mời ai đó tham gia vũ hội tốt nghiệp - rất sợ bị từ chối.

Theo Daniel Pink, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất về công việc và hành vi, sai lầm lớn nhất mọi người mắc phải là trì hoãn cuộc trò chuyện, lo sợ bởi khả năng bị từ chối trong tưởng tượng.

“Họ đánh giá thấp khả năng nhận được lời đồng ý, trong khi cường điệu hóa hậu quả tiêu cực chỉ vì câu hỏi đơn giản”.

Nhiều người cảm thấy áp lực trước cuộc trò chuyện tăng lương. Ảnh: New York Times.

Để có thể tự tin bắt đầu cuộc trò chuyện về lương, ông Pink gợi ý bạn nên nhờ một người bạn để tập dượt. Hãy tìm một người có thể giả vờ cứng rắn để nói cho bạn những khả năng có thể xảy ra, bao gồm cả lời chấp nhận “Được, tôi sẽ suy nghĩ về chuyện đó”, và câu phản đối “Không”.

Bạn nên thử thực hành trả lời cho câu hỏi “Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì?”. Và đáp án thông thường là bạn sẽ vẫn ở tình trạng hiện có.

Nếu tệ nhất là sếp nổi cơn thịnh nộ, thì ít nhất bạn cũng biết đã tới lúc tìm một công việc mới. Nhưng làm vậy nghĩa là bạn sẽ tiến bộ.

Pink chỉ ra một sai lầm khác mọi người thường mắc là loay hoay trong cách trình bày vấn đề.

“Họ không suy nghĩ đủ sâu về quan điểm của ông chủ hay của người ra quyết định. Hãy thực sự nỗ lực để hiểu được tâm trí và trái tim của những người đang đưa ra quyết định”, ông khuyên.

Alexandria Brown, nhà tư vấn nhân sự và người sáng lập The HR Hacker, nói rằng đừng cố mô tả kiểu nhân viên bạn từng là, hay vẽ ra hình tượng nhân viên bạn muốn trở thành.

Trước khi trò chuyện, hãy báo trước với sếp rằng bạn muốn nói về sự nghiệp của mình. Sau đó, khi đến buổi gặp, đừng chỉ mang theo danh sách những gì bạn đã làm được mà còn đem cả kế hoạch về thứ bạn sẽ làm trong năm tới.

“Đối với tôi, điều này cho thấy trí tuệ cảm xúc và nhận thức của nhân viên đó”, Brown bày tỏ. Cô cũng nghe các nhà quản lý nói rằng họ đánh giá cao những ai nhận thức được thứ họ có thể tiếp tục làm.

Điều này có mang lại hiệu quả tốt trong trường hợp vấn đề tăng lương của bạn cần thông qua các cấp cao hơn. Hãy cho người quản lý của bạn luận điểm để nói khi họ đưa trường hợp của bạn lên lãnh đạo cấp cao.

Brown gợi ý tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp để tận dụng tối đa giao tiếp phi ngôn ngữ. Hãy luôn tự tin và tích cực, đồng thời duy trì cuộc trò chuyện về công việc thay vì lan man về cuộc sống cá nhân.

Biến mình thành nhân sự đặc biệt

Bạn phải chuẩn bị trước cho thời điểm nâng lương, củng cố cách mà sếp nhìn nhận và đánh giá về bạn. Song thực tế, mọi người thường đợi đến lúc muốn tăng lương mới bắt đầu xây dựng hình ảnh của mình. Đó là lúc quá muộn.

Hãy tập trung chứng minh vai trò của bạn là quan trọng trong nhóm. Nếu sếp yêu cầu làm một việc, và nói cảm ơn sau khi hoàn thành, đừng chỉ đáp: “Không có gì”. Thay vào đó, bạn nên nói: “Tôi rất vui khi được giao nhiệm vụ đó. Đấy là cái mà chúng ta làm việc với nhau ở đây”.

Trước một cuộc thảo luận về nâng lương, các chuyên gia khuyên bạn nên coi mình là nhân sự hiếm có. Bạn có thể biến mình thành người đặc biệt nhất, như không bao giờ phàn nàn hoặc luôn đi làm sớm mỗi ngày.

Hãy biến mình thành nhân sự đặc biệt, được sếp đánh giá cao trước khi yêu cầu tăng lương. Ảnh: The Cut.

Khi bạn có cuộc trò chuyện về tiền lương, ông Cialdini khuyến khích người lao động trao “hào quang danh tiếng” cho ông chủ của mình. Những lời khen ngợi có thể thúc đẩy họ đưa ra quyết định công bằng hơn, bởi họ muốn nhất quán với danh tiếng tốt đẹp.

Jazmine Reed - một nhà tuyển dụng cấp cao và huấn luyện viên nghề nghiệp, đã quản lý hàng chục người - nói rằng phụ nữ và những người hướng nội thường là nhóm ít có khả năng yêu cầu tăng lương nhất.

“Tôi nghĩ rằng với hầu hết nhà quản lý (không phải tất cả), nếu họ có thể vung đũa phép và cho bạn nhiều tiền hơn, thì họ sẽ làm như vậy”, cô nói.

Reed từng học được một bài học quan trọng, khi cô nói với một nhà tuyển dụng rằng muốn nhận được mức lương 45.000 USD cho vị trí tiếp theo của mình.

Nhà tuyển dụng đã hiểu sai ý của cô về một khoản 10.000 USD, và xin lỗi vì chỉ có thể trả cho cô 55.000 USD. Khoảnh khắc đó đã dạy cho cô một điều rằng việc thỏa thuận tăng lương là hoàn toàn bình thường.

“Suy cho cùng, và đây là sự thật, sẽ không có ai trả quá cao cho bạn” cô nói. “Vì vậy, có khả năng là phần lớn mọi người, ở một số khía cạnh, đang bị trả lương thấp.”

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghe-thuat-yeu-cau-tang-luong-post1394421.html