Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng: Nghệ thuật đương đại ảnh hưởng, phát triển, lan truyền rất tốt tới giới trẻ

Nguyễn Thúy Hằng là một nghệ sỹ thị giác, nhà thơ và nhà văn sinh ra, trưởng thành và gắn bó với TP Hồ Chí Minh. Ngoài những tác phẩm văn chương và thị giác, chị sáng tác dựa trên việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: điêu khắc, sắp đặt và múa, giữa điện ảnh và hội họa, âm nhạc.

Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng.

Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng.

Tác phẩm văn chương nổi tiếng của Nguyễn Thúy Hằng là bộ sách “Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý”, “Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ” và “Họ-Bột hư ảo”. Bên cạnh đó, chị từng thực hiện triển lãm cá nhân “Lịch sử cuộc Viễn du: cát trong tai tôi, trôi dạt thế giới” được tổ chức bởi Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (2017), Cũng trong năm này, cô đồng thời ra mắt Tuyển tập thơ “Three Authors, Vietnamese Contemporary Literture”, xuất bản bởi Vagabond Press, Asia Pacifc, Aus-tralia. Những ấn phẩm văn chương của chị cũng xuất hiện ở những tạp chí uy tín như Kill Your Dar-ling của Úc, diaCRITIC (Mỹ), Singapore Art Book Fair 2016 và nằm trong bộ sưu tập của Bảo Tàng Thư Viện Hongkong-Taiwun Contemporary Art. Một số truyện ngắn của chị đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Philippine và Tây Ban Nha. Chị cũng tham dự nhiều triển lãm và tọa đàm ở Anh, Trung Quốc, Thụy Điển và Ấn Độ. Những tác phẩm của chị được nằm trong bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

15 năm qua, đã bớt đi sự ồ ạt phong trào, nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng tập trung đi vào tìm tòi thử nghiệm theo chiều sâu. Nhiều nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật đương đại, có ý thức về việc học hành bài bản từ nhà trường, xác định con đường chuyên nghiệp rõ ràng hơn. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều không gian được dành cho nghệ thuật đương đại. Dù nghệ thuật đương đại mang tính học thuật, hàn lâm cao nhưng đã lan tỏa được đến công chúng và tác động tích cực đến sự phát triển sáng tạo của các tác phẩm đại chúng.

* Chị chia sẻ về các tác phẩm thường kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật và hình thức của mình?

Tôi vẫn chủ yếu làm trong hai lĩnh vực văn chương và tạo hình. Nhưng cũng khá thú vị là những bạn trong những ngành nghệ thuật khác lại tìm thấy trong tác phẩm tôi có những điều tương đồng và muốn đem cách nhìn hoặc tác phẩm của tôi vào tác phẩm của họ. Có thể tác phẩm tôi đã dung chứa một biên độ rộng và luôn để mở để cho các ngành nghệ thuật khác len vào. Vì vậy tôi hay nhận lời cộng tác, chỉ để thấy tác phẩm của mình được “sống” ở môi trường khác, phương diện khác, đầy màu sắc hơn, nó làm tôi ngạc nhiên khi khám phá ra nhiều thứ ẩn chứa trong tác phẩm mình khi hòa trộn với các loại hình và điều này gây cho tôi một cảm giác cực kì lý thú.

* Là người tham gia đầy nhiệt huyết vào dòng chảy nghệ thuật đương đại, cũng như dẫn đầu thế hệ của mình với các tác phẩm sáng tạo với phong cách riêng đầy mỹ cảm, chị có thể chia sẻ vì sao chọn con đường khó khăn riêng biệt và luôn phải mang những khám phá mới mẻ này?

Có thể thỉnh thoảng tôi sẽ ý thức được mình đã chọn con đường khó để đi. Nhưng không khó thì chắc không có gì hấp dẫn tôi nữa. Hoặc với tôi chọn như thế này là điều hiển nhiên vì tôi đang sống thuận theo chính mình, tự tạo ra một thế giới đặc biệt để có thể giữ sự hấp dẫn mới mẻ trong nghề để đi tiếp. Chính vì vậy tôi buộc phải nuôi dưỡng một sự riêng biệt đầy đủ phong vị của những gì tạo thành con người mình, thưởng thức và sống trọn với nó. Có thể bên ngoài bạn thấy tôi chọn đường khó, nhưng tôi cho rằng đó là một may mắn và đặc ân, để tôi còn có khả năng đi tiếp con đường đầy phiêu lưu này.

* Chị đã đến với nghệ thuật đương đại như thế nào? Điều gì đã tạo nên phong thái riêng biệt qua mỗi tác phẩm của chị?

Điều biểu hiện đặc trưng nhất trong tác phẩm của tôi là chất chứa nỗi u hoài, một tình cảm dữ dội nhưng cũng đầy triền miên trong sự thong thả thanh bình đó.

Nghệ sĩ Tây Phong biểu diễn tương tác bên tác phẩm sắp đặt của NS Thu Trần tại TP Hồ Chí Minh.

Nghệ sĩ Tây Phong biểu diễn tương tác bên tác phẩm sắp đặt của NS Thu Trần tại TP Hồ Chí Minh.

* Việc thực hiện các tác phẩm tại TP Hồ Chí Minh, nơi chị đã sinh ra, trưởng thành và gắn bó đến nay đã mang lại cho chị những nguồn cảm hứng ra sao?

- Trong sự khô hạn của đời sống Thành phố, nó khiến tôi phải mang nhiều màu sắc tưởng tượng hơn, kì lạ hơn nhằm xua đi những khô cứng nơi đây. Mặc dù vậy, Thành phố cũng cho phép tôi có sự phóng khoáng và thoáng đãng hơn trong tác phẩm như đúng tinh thần của thành phố này. Ngoài ra, việc sinh ra và lớn lên ở một quận rất cũ, mang nhiều hoài niệm như quận 5 cũng giúp tôi có sự gắn kết sâu sắc hơn với tác phẩm của mình từ chất liệu cho đến nguồn gốc tư tưởng trong tác phẩm. Dù đi đâu tôi cũng đều rất vui khi thấy một giai đoạn tác phẩm quan trọng của mình, lại hình thành ở Sài Gòn, y như cách mình đã được sinh ra và lớn lên trong thành phố này vậy. Tôi muốn để lại kỉ niệm dấu vết về mình và trân trọng dành tặng nó cho nơi mình đã sinh ra.

* Thời gian qua, nghệ thuật đương đại tại TP Hồ Chí Minh tập trung đi vào tìm tòi thử nghiệm như thế nào, qua các hoạt động của chị và đồng nghiệp ra sao?

Trong bối cảnh dường như bão hòa và ngày càng hiếm xuất hiện những nhân tố mới, đầy độc đáo như khi xưa. Tôi nghĩ nghệ thuật đương đại nói chung tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, hiện nay đang phai nhạt đi, có phát triển về các hoạt động rộng ra nhưng thiếu chiều sâu về tác phẩm. Điều này do ảnh hưởng từ kinh tế, nghệ sỹ ngày nay bị lung lay bởi việc làm tác phẩm “nhìn cho dễ” để bán cho nhanh hơn là theo đuổi giá trị nghệ thuật bên trong. Tôi nghĩ đây là qui luật tất yếu đến từ bối cảnh chung của xã hội. Tôi không phản đối việc bán tác phẩm nhưng tôi luôn mong muốn trước khi bán được thì bản thân tác phẩm đó phải có chất lượng từ nội dung đến hình thức trước. Hiện nay tôi thấy nghệ sĩ đang bị lưỡng tự từ hai hướng này.

* Nhiều nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật đương đại, có ý thức về việc học hành bài bản từ nhà trường, xác định con đường chuyên nghiệp rõ ràng hơn trước không, thưa chị?

Hiện nay đúng ra thì ở Việt Nam chưa có trường công thuộc về nhà nước dạy về “Nghệ thuật đương đại” mà chính các nghệ sỹ học từ hệ “Fine Arts” tách ra đi theo hướng Nghệ thuật đương đại nằm ngoài hệ thống bài bản của nhà trường (tức là chỉ thuần về tranh giá vẽ, đào tạo trở thành họa sỹ). Mặc dù vậy cho đến nay đã có nhiều thế hệ xuất thân từ hội họa giá vẽ và trở thành nghệ sỹ đương đại và họ đã rất thành công trong việc sáng tác chuyện nghiệp, nghĩa là luôn luôn có tác phẩm mới và tham gia nhiều cuộc triển lãm quan trọng trong và ngoài nước. Tác phẩm cũng được sưu tập nhiều hơn từ những tổ chức và nhà sưu tập lớn.

* Nghệ thuật đương đại tại TP Hồ Chí Minh mặc dầu mang tính học thuật, hàn lâm cao nhưng đã lan tỏa được đến công chúng và tác động tích cực đến sự phát triển sáng tạo của các tác phẩm đại chúng hiện nay ra sao, thưa chị?

Tôi nhận thấy sự ảnh hưởng và phát triển của Nghệ thuật đương đại rõ ràng lên đến giới trẻ, thậm chí từ các em học sinh cấp một đến bậc đại học. Đặc biệt là những trường thuộc về tư nhân. Như hệ thống Trường Quốc tế Emasi, tôi rất vui khi thấy các em ngay từ nhỏ đã được tiếp cận với Nghệ thuật đương đại một cách cặn kẽ thông qua bộ sưu tập được trưng bày ngay trong khuôn viên nhà trường. Ngoài ra Trường Fulbright cũng là một trường mà tôi nghĩ các em sinh viên nơi đây được học hành một cách bài bản và luôn cập nhật với những show trưng bày trong nước cho mục đích nghiên cứu. Tôi tin rằng những trường như thế này sẽ đào tạo ra những thế hệ có sự hiểu biết và sâu sắc về Nghệ thuật đương đại nói chung. Về giáo dục, tôi nghĩ Nghệ thuật đương đại đang có một vị trí ảnh hưởng và lan truyền rất tốt cho giới trẻ hiện nay.

* Chị có thể chia sẻ về dự án tiểu thuyết, điện ảnh liên quan đến Sài Gòn, sắp thực hiện và ra mắt tới đây?

Cuốn tiểu thuyết sắp tới sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong văn chương của tôi. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tay và là cuốn đầu tiên tôi nhận lời viết thông qua câu chuyện của Hứa Vĩ Văn, với mục đích chuyển thể thành phim sau đó.

* Xin cảm ơn chị và chúc dự án của chị thành công tốt đẹp!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-si-nguyen-thuy-hang-nghe-thuat-duong-dai-anh-huong-phat-trien-lan-truyen-rat-tot-toi-gioi-tre-10302819.html