Nghề nuôi biển ở Gành Dầu
Tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản tận diệt ở khu vực đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trước đây không chỉ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi biển mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến cam kết về chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu. Trước thực trạng đó, Phú Quốc đã tìm giải pháp chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản.

Mô hình nuôi cá trên biển bằng lồng nhựa HDPE.
Thoát nghèo nhờ nuôi biển
Đề án Phát triển nuôi biển giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Phú Quốc đặt mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với phát triển du lịch, quốc phòng và an ninh vùng biển, hải đảo; góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Những năm gần đây, Phú Quốc đã dành nhiều nguồn lực để chuyển đổi mô hình từ khai thác, đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Sản lượng nuôi trồng tăng bình quân 11,2% mỗi năm với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như các loại cá bóp, mú, chim, hồng Mỹ; các loại ốc hương, ngọc trai và một số loại nhuyễn thể. Nghề nuôi biển không chỉ mở ra hướng đi mới mà còn giúp đời sống người dân địa phương ngày càng khấm khá.
Chị Đoàn Thị Kim Phượng trú tại ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu - một trong những người đầu tiên nuôi biển tại đây chia sẻ: “Ngày trước gia đình đi lặn biển, nhiều lần được cá nhỏ, thấy tiếc cho nên tự làm lồng thả vào đó để nuôi. Năm 2003, tôi đầu tư nhà bè nuôi biển hết 60 triệu đồng, được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật, rồi dần dần mới phát triển như bây giờ. Nhờ nuôi biển mà kinh tế gia đình tôi mới thoát khỏi khó khăn, từ năm 2013 làm thêm dịch vụ nữa thì thu nhập càng ổn định hơn”.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Gành Dầu Trần Quốc Trung cũng cho biết, trước đây các xã viên chủ yếu nuôi cá thương phẩm, thường xuyên bị thương lái ép giá, trong khi chi phí đầu tư lại cao. Từ khi kết hợp mô hình nuôi biển với dịch vụ ăn uống tại bè, tham quan bãi Hàm Rồng,… thu nhập tăng lên rõ rệt. Hợp tác xã đặt trụ sở tại ấp Rạch Vẹm, được thành lập từ năm 2018, đến nay đã có gần 70 xã viên làm chủ các nhà bè nuôi biển. Cùng với đó có khoảng 500 lao động địa phương làm dịch vụ đi kèm. Thu nhập bình quân của xã viên đạt từ 350 đến 500 triệu đồng mỗi năm; lao động làm thuê tại các nhà bè cũng có mức thu nhập ổn định từ 6 đến 10 triệu đồng mỗi tháng.
Tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản tận diệt ở khu vực đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trước đây không chỉ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi biển mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến cam kết về chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu.
Trưởng ấp Rạch Vẹm Đoàn Văn Săng cho biết: Ấp hiện có 172 hộ với hơn 700 nhân khẩu, hầu hết đều sinh sống nhờ vào các nhà bè. Mô hình kết hợp nuôi biển với dịch vụ đã tạo việc làm và thu nhập cho người dân, bình quân đạt từ 500-600 nghìn đồng mỗi ngày. Ngay cả người đã qua tuổi lao động cũng có thể tham gia làm việc, nhờ vậy đến nay ấp không còn hộ nghèo. Chẳng hạn như bà Đỗ Thị Sinh, năm nay đã 67 tuổi, là một trong những người đã qua tuổi lao động vẫn được nhà bè nhận vào làm phụ bếp. Bà được bao ăn, ở, mỗi tháng vẫn có thu nhập đều đặn từ 6 đến 7 triệu đồng.
Tìm hướng phát triển nuôi biển bền vững
Những năm qua, mô hình nuôi biển kết hợp dịch vụ ở Phú Quốc đã từng bước được hướng dẫn, tập huấn về bảo vệ môi trường biển. Tại các nhà bè, rác thải và ni-lông đều được gom lại, vận chuyển vào bờ để xử lý. Tuy nhiên, phần lớn nhà bè hiện nay vẫn mang tính tự phát, được lắp dựng bằng vật liệu đơn giản như thùng phuy, cây keo, lưới thông thường... Nhiều hộ dân có mong muốn đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ hiện đại để phát triển nghề bền vững nhưng vẫn còn e ngại do một số vướng mắc.
Ông Trần Quốc Trung lý giải: Hiện chính quyền chưa giao mặt nước cụ thể cho các hộ nuôi trồng cho nên người dân không yên tâm đầu tư lớn. Trước đây chưa có quy hoạch, dân chủ yếu nuôi tự phát gần bờ. Khi có yêu cầu phải nuôi cách bờ từ 600 đến 750m, mọi người đều tuân thủ. Sau đó, khoảng cách được nâng lên 1.000m, người dân cũng cố gắng thực hiện, nhưng hiện nay lại có chủ trương di dời cách bờ 1.200m. Càng ra xa, càng đòi hỏi đầu tư lớn, trong khi việc thay đổi quy định liên tục khiến các xã viên gặp nhiều khó khăn, bởi mỗi nhà bè đầu tư bài bản hiện nay cũng mất từ 4 đến 5 tỷ đồng cho nên không phải ai cũng kham nổi.
Theo kế hoạch phát triển nuôi biển giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030 của thành phố Phú Quốc, tổng diện tích quy hoạch nuôi biển toàn thành phố lên tới hơn 1.245ha. Riêng xã Gành Dầu được quy hoạch gần 300 ha, với định mức giao 1ha/hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai giao mặt nước vẫn chưa được thực hiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phạm Hữu Kiệt cho biết: “Để tránh xung đột sau này, khó kiểm soát việc phát triển lồng bè, gây ảnh hưởng lưu thông biển, chúng tôi đề nghị phương án tạm giao mặt nước trước rồi hoàn thiện thủ tục sau. Vì người dân được nuôi trồng ổn định, đúng quy hoạch Nhà nước giao thì họ mới yên tâm đầu tư”.
Nhiều hộ nuôi biển kết hợp dịch vụ cũng phản ánh, quy hoạch diện tích mặt nước tới đây nếu chỉ nuôi biển thì khả năng nhiều hộ dân không tham gia vì nguồn thu không mang lại giá trị kinh tế cao như mô hình kết hợp. Người dân đề nghị các cấp có thẩm quyền cân nhắc, xem xét quy hoạch bài bản mô hình nuôi biển kết hợp dịch vụ bởi ngoài việc mang lại nguồn lợi kinh tế, đây còn là điểm nhấn cho du lịch. Làng bè Rạch Vẹm đã trở thành đặc trưng du lịch của đảo cũng bởi có mô hình này.
Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, bên cạnh việc sớm thúc đẩy tiến độ giao mặt nước để người dân đầu tư ổn định, mô hình dịch vụ kết hợp cần được quy hoạch, sắp xếp một cách khoa học, đem lại giá trị kinh tế cho địa phương và tạo nguồn lực để các hộ dân, hợp tác xã chuyển từ nuôi biển thủ công sang nuôi biển công nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả và bảo vệ môi trường. Về lâu dài, cần tổ chức các khu công nghiệp nuôi biển chứ không chỉ đơn thuần là chuyển lồng nuôi từ vật liệu thủ công sang lồng nhựa HDPE. Bên cạnh đó, cần định hướng đầu tư làm hạ tầng nuôi biển rồi cho hợp tác xã, hộ nuôi biển thuê, khi đó mới có chuỗi quy mô công nghiệp.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-nuoi-bien-o-ganh-dau-post875595.html