Nghề chài lưới ở Bến En

Nhiều người dân sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Bến En thường xuống hồ Bến En làm công việc bắt cá mưu sinh.

Ngày nào cũng vậy, từ khi mặt trời chưa mọc vợ chồng ông Hà Văn Nguyện (SN 1962 ở thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh) lại xuống thuyền chèo ra hồ Bến En để chuẩn bị cho một buổi mưu sinh. Đồ nghề chỉ có một con thuyền nhỏ, lưới và một số dụng cụ bắt cá.

Hai vợ chồng ông Nguyện dong thuyền ra khi tới khu vực giữa hồ thì người vợ chèo thuyền chậm lại giữ thăng bằng, còn ông Nguyện tay thoăn thoắt thả từng mẻ lưới.

Ông Nguyện kể, năm 1977 khi sông Mực được chặn dòng tích nước, hồ Bến En được hình thành nằm trong Vườn quốc gia Bến En, nguồn lợi thủy sản trở nên phong phú, đa dạng, nghề chài lưới trên lòng hồ cũng ra đời.

“Khu vực hồ này ngày trước chỉ là những con suối nhỏ, khi hình thành hồ, cả vùng mênh mông nước. Dân làng đã bắt đầu làm thuyền, đan lưới để đánh bắt cá. Ngày trước, xuống hồ đánh cá chỉ để cải thiện bữa ăn, nhưng về sau nhiều loại cá trên hồ có giá trị, nhiều gia đình đã dựa vào nghề chài lưới để mưu sinh”, ông Nguyện nói.

Trò chuyện một lúc thì vợ chồng ông Nguyện tiến hành thu lưới. Mẻ lưới đầu tiên, ông Nguyện thu được khoảng 2 kg cá, chủ yếu là cá na, cá lún. Lúc này, vợ chồng ông Nguyện lại dong thuyền, tìm vị trí mới để thả lưới. Công việc cứ lặp lại như thế cho đến khoảng 8 giờ sáng vợ chồng ông sẽ thu lưới, kết thúc buổi mưu sinh. Cá sẽ được thương lái thu mua hoặc vợ ông mang xuống chợ bán.

Bà Lường Thị Lừng khoe số 2 vợ chồng mới bắt được sau một mẻ lưới. Các loại cá ở hồ Bến En rất thơm ngon, trở thành “đặc sản” như cá chày, cá nheo, cá na, cá lún… Ngoài những loại cá bản địa, trên hồ giờ cũng có rất nhiều loài cá được thả khi hồ tích nước như chép, trôi, mè…

Trên lòng hồ, ngoài những người đánh cá bằng lưới như ông Nguyện, còn có nhiều người dân làm nghề đánh bắt tôm, cá bống. Đây cũng là những loài đặc sản trên lòng hồ, giá trị kinh tế rất cao.

Anh Bùi Văn Chinh (SN 1973 ở làng Lúng, xã Xuân Thái) là người chuyên dùng lồng bát quái đánh bắt tôm, cá bống. Đêm xuống, anh Chinh dong thuyền ra hồ thả lồng bát quái, đến khoảng 4-5 giờ sáng ngày hôm sau anh dong thuyền ra hồ bắt đầu thu hoạch.

“Bình thường chúng tôi kiếm được khoảng 400-500.000 đồng. Trong thôn hiện có khoảng 15 người đánh lồng bát quái. Tôm, cá bống thường chỉ đánh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau", anh Chinh chia sẻ.

Cá bống trên hồ Bến En là loại cá thơm ngon, có giá trị kinh tế rất cao. Mỗi ngày mưu sinh, người dân nơi đây có thể kiếm được khoảng 500.000 đồng, hôm nào trúng lớn có thể kiếm được tiền triệu.

Trước kia người dân xuống hồ đánh bắt cá chủ yếu để cải thiện bữa ăn, không nghĩ tới chuyện buôn bán. Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều loài cá trên hồ được các nhà hàng dưới phố thu mua rất nhiều, từ đó nghề này mới được nhiều người biết tới.

Vườn quốc gia Bến En nằm trải dài trên địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, có hệ sinh thái độc đáo với những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, có hồ nước lớn mênh mông với khoảng 16 hòn đảo lớn nhỏ. Ở vùng đệm Vường quốc gia còn nhiều ngôi làng của người dân bản địa, có nhiều gia đình mưu sinh dựa vào lòng hồ.

Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nghe-chai-luoi-o-ben-en/23779.htm