Ngày này năm xưa 4/11: Xây dựng nhà máy thủy điện Ialy; Thành lập tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang

Ngày này năm xưa 4/11: Ngành Điện lực khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Ialy; bàn giao Nhà máy diesel Sông Công đợt 1 do Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 4/11 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 4/11/1831: Tỉnh Lạng Sơn được thành lập.

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Lạng Sơn dần được hình thành và phát triển với các tên gọi khác nhau.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, trừ thời gian từ tháng 12/1975 đến tháng 12/1978, hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng được hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng, tên gọi tỉnh Lạng Sơn vẫn được giữ như hiện nay. Ngày 15/7/2009, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về công bố ngày 4/11/1831 là ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn.

Tỉnh Lạng Sơn thành lập ngày 4/11/1831

Tỉnh Lạng Sơn thành lập ngày 4/11/1831

Ngày 4/11/1831: Thành lập tỉnh Tuyên Quang.

Ngày 4/11/1831, Vua Minh Mệnh tiến hành chia định địa hạt trên phạm vi cả nước, tỉnh Tuyên Quang có 1 phủ và 5 châu, bao gồm: huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang và TP. Tuyên Quang của tỉnh Tuyên Quang. Sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1976, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Đến năm 1991, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành hai tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang. Kể từ đó, đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang ổn định đến ngày nay.

Ngày 4/11/1979: Tiểu đoàn Trinh sát Kỹ thuật 79 được thành lập theo Quyết định số 215 của Bộ Tổng Tham mưu.

Theo yêu cầu nhiệm vụ, ngày 24/10/1994, Tiểu đoàn Trinh sát Kỹ thuật 79 được đổi tên thành Cụm Trinh sát Kỹ thuật 79. Suốt những năm qua, trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Trinh sát Kỹ thuật 79 luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, hiệp đồng, vượt mọi khó khăn, thử thách, bằng trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu đã thu thập, báo cáo lên trên nhiều tin tức có giá trị. Ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ, Cụm Trinh sát Kỹ thuật 79 được Bộ tư lệnh Quân khu tặng 3 Cờ thưởng luân lưu; 8 lần đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; nhiều năm liền được Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục 2, Bộ tư lệnh Quân khu tặng bằng khen.

Khai mạc Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Khai mạc Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Ngày 4/11/1981: Khai mạc Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Có 164 đại biểu các tổ chức, giáo hội, hệ phái: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam. Giáo hội Việt Nam thống nhất, Giáo hội phật giáo cổ truyền Việt Nam, Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội tǎng già nguyên thủy Việt Nam, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ, Hội Phật giáo khất sĩ Việt Nam, Giáo hội phật giáo, Thiên thai giáo quán tông, Hội Phật học Việt Nam.

Hội nghị đã thảo luận và thông qua Hiến chương và đại cương chương trình hoạt động, giới thiệu và suy tôn Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự. Hội nghị còn cử ra Ban Thường trực Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Nhân dịp này 5 Hòa thượng đã được Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập.

Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim Nguyễn Văn Kha cùng Đại sứ Liên Xô Saplin thăm nơi sản xuất trong Nhà máy Diesel Sông Công tại lễ bàn giao đợt 1 nhà máy, ngày 4/11/1985. Nhà máy do Liên Xô giúp ta xây dựng là trung tâm chế tạo động cơ lớn nhất Việt Nam bấy giờ, mỗi năm sản xuất 2.000 động cơ 55 mã lực và 255 tấn phụ tùng - Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim Nguyễn Văn Kha cùng Đại sứ Liên Xô Saplin thăm nơi sản xuất trong Nhà máy Diesel Sông Công tại lễ bàn giao đợt 1 nhà máy, ngày 4/11/1985. Nhà máy do Liên Xô giúp ta xây dựng là trung tâm chế tạo động cơ lớn nhất Việt Nam bấy giờ, mỗi năm sản xuất 2.000 động cơ 55 mã lực và 255 tấn phụ tùng - Ảnh: TTXVN

Ngày 4/11/1985: Bàn giao Nhà máy diesel Sông Công đợt 1 do Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng, là trung tâm chế tạo động cơ lớn nhất Việt Nam, mỗi năm sản xuất 2.000 động cơ 55 mã lực và 255 tấn phụ tùng.

Nhà máy diesel Sông Công được thành lập ngày 25/4/1980, là tiền thân của Công ty TNHH MTV diesel Sông Công ngày nay. Công ty có năng lực thiết kế chế tạo động cơ đốt trong, thiết bị công tác và phụ tùng phục vụ cho các ngành kinh tế quốc dân, luyện cán thép, thay thế tổng thành xe ô tô, xây dựng công nghiệp, xuất nhập khẩu thiết bị dụng cụ, phụ tùng. Ngày 12/5/1990, công ty trở thành thành viên của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Năm 2020, tròn 40 năm đóng góp cho ngành cơ khí chế tạo máy nói chung.

Thủy điện Ialy

Thủy điện Ialy

Ngày 4/11/1993: Ngành Điện lực nước ta đã bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện Ialy (ở tỉnh Kontum - nay thuộc tỉnh Gia Lai). Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất ở Tây Nguyên và lớn thứ hai của nước ta, sau nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Thủy điện Ialy được khởi công xây dựng năm 1993 và hoàn thành vào năm 2003. Một điều đặc biệt là phần lớn các hạng mục của Nhà máy thủy điện Ialy được xây dựng ngầm trong lòng núi và là công trình thủy điện duy nhất ở Việt Nam có hệ thống cáp dầu 500 kV. Thủy điện Ialy có nhiệm vụ sản xuất và cung cấp cho đất nước trung bình mỗi năm 3,650 tỷ kWh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Công trình thủy điện Ialy là bậc thang thứ ba trên sông Sê San. Theo quy hoạch trên dòng Sê San có 9 bậc thang thủy lợi - thủy điện. Trong đó 6 bậc thang trên đất Việt Nam và công trình thủy điện Yaly là bậc thang lớn nhất.

Ngày 4/11/1994: Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) ra đời.

Sự kiện quốc tế

Ngày 4/11/1946: Thành lập tổ chức giáo dục, khoa học và vǎn hóa của Liên hiệp quốc (Viết tắt là UNESCO) tại Luân Đôn (Thủ đô nước Anh).

Trụ sở tổ chức này đặt tại Paris (thủ đô nước Pháp).Đến nay đã có 184 nước và lãnh thổ là thành viên của UNESCO, trong đó có Việt Nam. Hoạt động của UNESCO nhằm góp phần bảo vệ hòa bình an ninh quốc tế bằng cách phát triển sự hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục và vǎn hóa.

Ngày 4/11/1991: Lực lượng Cảnh sát Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Interpol.

Logo của Interpol

Logo của Interpol

Trong phiên họp đầu tiên của Kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 60 tại thành phố Penta De Este, Urugoay, Đại Hội đồng Interpol đã chính thức thông qua đơn xin gia nhập Tổ chức của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Việt Nam với đa số phiếu tán thành, mở ra một cơ chế hợp tác đa phương về thực thi pháp luật trên phạm vi rộng nhất từ trước đến nay. Từ đó, ngày 4/11 là ngày truyền thống của Lực lượng Interpol Việt Nam.

Ngày 4/11/2002: Tại Phnôm Pênh, Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN ký kết Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC).

Ngày 4/11/2008: Barack Obama giành thắng lợi trước Thượng nghị sĩ John McCain trong kỳ bầu cử tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, trở thành Tổng thống gốc Phi đầu tiên của Hoa Kỳ.

Ngày 4/11/2012: Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Mexico nhằm thảo luận thực trạng kinh tế thế giới nói chung. Bất chấp nỗ lực của các nước thành viên của cộng đồng quốc tế, nợ công vẫn đeo bám Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và chưa có dấu hiệu cải thiện.

Ngày 4/11/2016: Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu chính thức có hiệu lực.

Với cam kết quốc tế sâu rộng nhằm giảm đáng kể lượng khí thải carbon, thỏa thuận là một bước ngoặt trong lịch sử quan hệ của con người với khí hậu Trái đất.

Ngày 4/11/2021: Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+), đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 12/2021. Quyết định trên được OPEC+ đưa ra bất chấp sức ép của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản kêu gọi tăng mạnh sản lượng nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Thuốc Molnupiravir

Thuốc Molnupiravir

Ngày 4/11/2021: Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép có điều kiện cho Molnupiravir - loại thuốc trị Covid-19 có triệu chứng do hai hãng dược Merck và Ridgeback Biotherapeutics cùng phát triển. Thuốc Molnupiravir là thuốc kháng virus đường uống chuyên dụng đầu tiên dành cho bệnh nhân Covid-19, được phát triển bởi Công ty Dược phẩm Merck của Mỹ. Molnupiravir hoạt động bằng cách giảm khả năng sinh sôi của virus, có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện và tử vong.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 4/11/1920: Báo “L’Humanité”(Nhân Đạo) đăng bài “Ở Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc về cuộc đình công của thủy thủ Việt Nam tại cảng Hải Phòng khi hai chiếc tàu chuẩn bị đưa một số lượng lớn binh lính Việt Nam sang Syria. Nội dung có đoạn: “Chúng tôi cực lực phản đối việc đưa lính An Nam sang Syria... Nước Pháp đang để cho hàng triệu anh em chúng ta chết đói, trong khi đó hàng nghìn người khác bị đưa sang Tiểu Á làm bia đỡ đạn”.

 Báo “L’Humanité” với Nguyễn Ái Quốc - Ảnh tư liệu

Báo “L’Humanité” với Nguyễn Ái Quốc - Ảnh tư liệu

Ngày 4/11/1949:Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh quy định nghĩa vụ quân sự cho công dân nam từ độ tuổi 18 đến 45, với thời hạn là hai năm và có thể kéo dài nếu có chiến tranh; Sắc lệnh thành lập Liên khu Việt Bắc là nơi đặt đầu não của cuộc kháng chiến. Tháng 11/1949, Bác treo thưởng cho đơn vị chiến đấu giỏi ở Thủ đô là một khẩu súng “Thompson” do Đoàn đại biểu Nam bộ mang từ miền Nam ra tặng Bác.

Ngày 4/11/1953: Báo “Cứu Quốc”- cơ quan Mặt trận Liên Việt Long Châu Sa đưa tin Bác Hồ gửi cho quân dân Nam bộ số tiền 1.000.000 đồng để làm giải thưởng cho quân và dân Nam bộ có thành tích thi đua giết giặc lập công.

Tờ báo Cứu quốc số 2594 - Ảnh: QĐND

Tờ báo Cứu quốc số 2594 - Ảnh: QĐND

Ngày 4/11/1954: Phát biểu tại lễ nhận Quốc thư của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Liên Xô, Bác khẳng định: “Trong công cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của mình, nhân dân Việt Nam luôn luôn được sự đồng tình thắm thiết và sự ủng hộ khẳng khái của nhân dân Liên Xô. Cho nên nhân dân Việt Nam rất yêu mến và biết ơn nhân dân Liên Xô”.

Ngày 4/11/1964: Tại cuộc họp Bộ Chính trị chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 10, Bác đề nghị cần đề cập nhiều hơn nữa vấn đề thực hành tiết kiệm, vì ở nước ta tiết kiệm là cơ sở để tích lũy tái sản xuất và chú trọng tầm quan trọng của quy luật cân đối trong nền kinh tế, phải thấy sự khác nhau giữa giá cả, thị trường của ta và các nước tư bản. Bác còn đề nghị vấn đề lao động phải là một mục riêng, vì lao động làm ra giá trị, phải sử dụng lao động để tạo ra giá trị cao nhất.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-411-xay-dung-nha-may-thuy-dien-ialy-thanh-lap-tinh-lang-son-tuyen-quang-283277.html