Ngày này năm xưa: 26/4

Chiều ngày 26/4/1975, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ năm hướng các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 26/4/1962, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết về cuộc vận động "nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu", gọi tắt là cuộc vận động "ba xây, ba chống".

- Ngày 26/4/1964, các cử tri ở miền Bắc đã bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II. Tổng số đại biểu được bầu là 366. Tổng số người ứng cử là 488. Tổng số cử tri là 8 triệu 775.002. Trong tổng số 366 đại biểu trúng cử có 60 đại biểu các dân tộc ít người; 62 đại biểu là phụ nữ; 71 đại biểu là công nhân; 90 đại biểu là nông dân; 18 đại biểu là quân nhân; 98 đại biểu làm công tác khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn nghệ; 8 đại biểu là người lãnh đạo các tôn giáo, 3 đại biểu là tư sản dân tộc. Như vậy 366 đại biểu khóa này cộng với 89 đại biểu miền Nam được kéo dài nhiệm kỳ, tổng số đại biểu khóa III là 455 vị.

- Chiều ngày 26/4/1975, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ năm hướng các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - là mốc son chói lọi, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi và nhân dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Binh đoàn cánh Tây Nam vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến công Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Ảnh tư liệu

- Ngày 26//4/1976, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Viện Nghiên cứu hạt nhân trực thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước - tiền thân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ngày nay. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế quốc dân và trong đời sống.

Sự kiện quốc tế:

- Từ ngày 26/4 đến ngày 21/71954, Hội nghị Giơnevơ - hội nghị Bộ trưởng ngoại giao của một số nước, bắt đầu họp tại Giơnevơ (Thụy Sĩ). Hội nghị được triệu tập theo chủ trương của Hội nghị Béclin năm 1954. Chương trình thảo luận của hội nghị gồm 2 vấn đề: Giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh tư liệu

- Đến ngày 8/5/1954, đúng 1 ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vấn đề chấm dứt chiến tranh lập lại Hòa Bình ở Đông Dương chính thức được hội nghị Ginevơ thảo luận. Phái đoàn ta do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn tham gia hội nghị với tư thế đoàn đại biểu của một dân tộc chiến thắng. Tuyên bố chung của Hội nghị và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết vào ngày 21/7/1954.

- Ngày 26/4/1994, đã diễn ra cuộc bầu cử dân chủ không phân biệt màu da lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Nam Phi - một quốc gia lớn ở châu Phi và từng là thuộc địa của Anh. Đã nhiều thế kỷ, nhân dân các bộ tộc Nam Phi bị bọn thực dân và sau là chính quyền của người da trắng thiểu số kỳ thị và bóc lột thậm tệ. Chủ nghĩa Apacthai ở đây được bộc lộ rõ nét nhất, phản động nhất và thiếu văn minh nhất. Nhân dân các bộ tộc Nam Phi dưới sự lãnh đạo của Tổ chức nhân dân Tây Nam Phi (ANC) đã kiên trì đấu tranh giành quyền tự do, quyền bình đẳng thực sự. Ngày 26/4/1994, đã diễn ra cuộc bầu cử dân chủ không phân biệt màu da lần đầu tiên trong lịch sử nước cộng hòa Nam Phi. Ông Nexơn Manđêla lãnh tụ ANC đã được bầu làm Tổng thống và là vị Tổng thống da đen đầu tiên ở quốc gia này./.

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ngay-nay-nam-xua/ngay-nay-nam-xua-26-4-663758.html