Ngày 29/2 đặc biệt của ngành logistics Việt Nam

Ngày 29/2 luôn được coi là một ngày đặc biệt khi 4 năm mới xuất hiện một lần. Riêng với ngành logistics Việt Nam và các lĩnh vực tiền thân thì càng đặc biệt hơn khi có một dấu ấn đúng vào ngày 29/2 cách đây 76 năm.

Logistics là một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng mang tính hệ thống liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác nhau. Hiện nay, ngành logistics đang có xu thế phát triển mạnh mẽ, sôi động, tuy nhiên vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Khái niệm về logistics cũng có nhiều cách hiểu khác nhau.

Ngành logistics Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào kinh tế - xã hội đất nước.

Ngành logistics Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào kinh tế - xã hội đất nước.

Hiện nay, theo cách hiểu phổ biến của giới học thuật, các nhà nghiên cứu cũng như cộng đồng doanh nghiệp, xã hội thì logistics là chuỗi hoạt động đồng hành, hỗ trợ cho việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng, liên quan trực tiếp đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục hành chính, tư vấn hải quan, thuế, bảo hiểm, phân phối, bán lẻ hàng hóa…

Về mặt pháp lý, theo các nghiên cứu, thuật ngữ logistics được chính thức đề cập tại Điều 233 Luật Thương mại năm 2005, trong đó nêu rõ: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

Tổ chức đầu tiên tại Việt Nam có chữ logistics trong tên gọi là Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) được Bộ Nội vụ phê duyệt đổi tên theo Quyết định số 07/QĐ-BNV ngày 4/1/2013. Tiền thân của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam trước khi được đổi tên là Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam (VIFFAS) được thành lập ngày 18/11/1993.

Tuy nhiên trước đó rất lâu, ngay từ thời kỳ đầu mới thành lập nước, cơ quan được coi là quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics đã được Chính phủ chú trọng thành lập.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Sắc lệnh tổ chức bộ máy của Bộ Quốc dân Kinh tế, trong đó có thành lập Nha Tiếp tế.

Cụ thể, ngày 06/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 61 về tổ chức bộ máy Bộ Quốc dân Kinh tế gồm có: một Văn phòng; các phòng Sự vụ; một ban Thanh tra; một ban Cố vấn kinh tế.

Sắc lệnh số 61 ngày 06/5/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy của Bộ Quốc dân Kinh tế. (Ảnh: Tư liệu)

Sắc lệnh số 61 ngày 06/5/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy của Bộ Quốc dân Kinh tế. (Ảnh: Tư liệu)

Sắc lệnh số 61 nêu rõ: Bộ Quốc dân Kinh tế tổ chức và điều khiển các nha chuyên môn trực tiếp phụ thuộc: Nha Thương vụ; Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ; Nha Tiếp tế; Nha Kinh tế tín dụng; Nha Thống kê Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 29/2/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 140-SL về việc thành lập Cục Tiếp tế vận tải trong Bộ Kinh tế và bãi bỏ Nha Tiếp tế thành lập do Nghị định ngày 15/11/1946.

Sắc lệnh số 140-SL ngày 29/2/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Cục Tiếp tế vận tải. (Ảnh: Tư liệu)

Sắc lệnh số 140-SL ngày 29/2/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Cục Tiếp tế vận tải. (Ảnh: Tư liệu)

Theo Sắc lệnh này, Cục Tiếp tế vận tải được tổ chức theo chế độ một doanh nghiệp quốc gia, có tính cách doanh nghiệp hoàn toàn mà điều lệ căn bản đã quy định trong Sắc lệnh số 104-SL ngày 1/1/1948 về các doanh nghiệp quốc gia.

Cục Tiếp tế vận tải do một Cục trưởng điều khiển, Cục trưởng có một Phó Cục trưởng giúp việc. Cục trưởng do Sắc lệnh bổ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể cử những thanh tra để kiểm sát công việc và sổ sách.

Cục Tiếp tế vận tải sẽ có một điều lệ quy định cách thức và điều kiện hoạt động, Điều lệ sẽ do Bộ trưởng Bộ Kinh tế ấn định. Cục Tiếp tế vận tải sẽ được cấp một số tiền, lần đầu tiên là ba triệu đồng.

Tài sản Nha Tiếp tế sẽ thanh toán và giao cho Tiếp tế vận tải quản trị. Các nhân viên Nha Tiếp tế, trừ các nhân viên điều khiển, sẽ xung vào các ngạch Cục Tiếp tế vận tải.

Như vậy, có thể thấy mặc dù có tên gọi khác nhau, nhưng logistics đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, thiết lập cơ quan quản lý và thúc đẩy phát triển ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng.

Trải qua nhiều thay đổi, đến nay chức năng quản lý nhà nước về logistics đã được giao cho Bộ Công Thương tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn thiếu vắng một bộ phận chuyên trách trong Bộ Công Thương cho lĩnh vực này.

Hy vọng với vai trò quan trọng của ngành logistics và tốc độ tăng trưởng cao của ngành, trong thời gian tới đơn vị chuyên quản về logistics sẽ được thiết lập để hỗ trợ ngành này phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/ngay-292-dac-biet-cua-nganh-logistics-viet-nam-117366.htm