Ngày 15/11: Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua 6 nghị quyết quan trọng
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, hôm nay 15/11, Quốc hội họp phiên bế mạc và biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và nhiều nghị quyết quan trọng.
Cụ thể, sáng 15/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Tiếp theo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Sau đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ 15 giờ, Quốc hội họp phiên bế mạc (Truyền hình, phát thanh trực tiếp). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.
Trước đó, sáng ngày 14/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 18, Điều 78 và toàn bộ Luật Thanh tra (sửa đổi).
Về Điều 18 quy định về vị trí, chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục: có 470 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,38% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 445 đại biểu tán thành (bằng 89,36% tổng số đại biểu Quốc hội); có 16 đại biểu không tán thành (bằng 3,21% tổng số đại biểu Quốc hội); có 9 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,81% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về Điều 78 quy định về ban hành kết luận thanh tra: có 467 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,78% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 444 đại biểu tán thành (bằng 89,16% tổng số đại biểu Quốc hội); có 8 đại biểu không tán thành (bằng 1,61% tổng số đại biểu Quốc hội); có 15 đại biểu không biểu quyết (bằng 3,01% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về toàn bộ Luật Thanh tra (sửa đổi): có 471 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,58% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 459 đại biểu tán thành (bằng 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội); có 10 đại biểu không tán thành (bằng 2,01% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,40% tổng số đại biểu Quốc hội).
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), kết quả: có 475 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,38% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 472 đại biểu tán thành (bằng 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội); có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,60% tổng số đại biểu Quốc hội).
Cùng trong phiên sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu tranh luận.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 3, Điều 32, Điều 33 và toàn bộ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), kết quả như sau:
Về Điều 3 quy định về Hành vi bạo lực gia đình: có 481 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,59% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 470 đại biểu tán thành (bằng 94,38% tổng số đại biểu Quốc hội); có 11 đại biểu không biểu quyết (bằng 2,21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về Điều 32 quy định về Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình: có 479 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,18% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 446 đại biểu tán thành (bằng 89,56% tổng số đại biểu Quốc hội); có 18 đại biểu không tán thành (bằng 3,16% tổng số đại biểu Quốc hội); có 15 đại biểu không biểu quyết (bằng 3,01% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về Điều 33 quy định về Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng: có 474 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,18% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 465 đại biểu tán thành (bằng 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội); có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,00% tổng số đại biểu Quốc hội); có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,80% tổng số đại biểu Quốc hội).
Về toàn bộ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): có 474 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,18% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 465 đại biểu tán thành (bằng 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội); có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,00% tổng số đại biểu Quốc hội); có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,80% tổng số đại biểu Quốc hội).