Ngập úng đô thị: Đến hẹn lại… lo
Mưa là ngập không chỉ là 'vấn nạn' của riêng Hà Nội mà của nhiều đô thị trên cả nước. Dự báo, năm nay thời tiết cực đoan khiến mùa mưa bão cũng khó lường sẽ tiếp tục gây áp lực với hệ thông thoát nước của các đô thị.
Đây là vấn đề mà trong nhiều năm qua các tỉnh, thành vẫn đang loay hoay tìm phương án giải quyết. Đâu sẽ là giải pháp hữu dụng và bền vững để người dân không còn phải lo ngại trước những “trận lụt” trong phố mỗi khi mưa lớn?
Sẵn sàng “bơi” trên đường phố
Vừa nghe tin tức cảnh báo từ đêm 8/6 đến ngày 9/6, ở khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to; đề phòng mưa với cường suất lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị, anh Phạm Anh Tuấn (30 tuổi), nhân viên giao hàng thuê nhà trọ tại phố Triều Khúc (Hà Nội), lại cảm thấy lo lắng.
Anh Tuấn lập tức chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để “vượt lũ”. Với anh, việc đường phố bị ngập khi mưa lớn đã không còn quá xa lạ.
“Có lần buổi sáng vừa dắt xe ra khỏi nhà thì gặp trận mưa lớn. Cố đi thêm để nhận hàng, giao hàng cho khách nhưng nhiều điểm nước đã ngập đến bắp chân. Tôi phải chật vật lắm mới cho cả người và xe lội được qua dòng nước. Nhưng hết chỗ này ngập thì đến chỗ kia cũng ngập, thêm vào đó là cảnh tắc đường ngao ngán mỗi khi trời mưa”, anh Tuấn nói.
Hà Nội sẽ có bản đồ số về ngập lụt
Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia (bao gồm lĩnh vực thoát nước). Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng, thiết lập hệ thống quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố đồng nhất trên nền bản đồ số (cơ sở dữ liệu hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước...). Theo đó sẽ có hệ thống bản đồ ngập lụt tương ứng với các “kịch bản mưa” với đầy đủ thông tin vị trí điểm úng ngập, mức độ ngập cho người dân.
Tình cảnh của anh Tuấn cũng là nỗi sợ của nhiều người mỗi khi mưa lớn xuất hiện tại nội thành. Sáng ngày 5/6 vừa qua, Hà Nội mưa lớn kèm theo giông và sấm sét đã gây ngập úng tại nhiều tuyến phố như: Quan Nhân, Đỗ Đức Dục, Tố Hữu, Hoa Bằng, Phan Văn Trường, Trần Bình, Ngã ba Mỹ Đình - Thiên Hiền, Triều Khúc, Phùng Khoang, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Xiển...
Mưa xuống khiến tình trạng giao thông di chuyển khó khăn, tắc đường xảy ra ở nhiều nơi kèm theo độ ngập nước cao khiến nhiều phương tiện phải chôn chân tại chỗ hay chết máy khi cố vượt qua dòng nước... Ai cũng cảm thấy lo lắng về tình cảnh cứ mỗi lần mưa lớn Hà Nội lại tự động biến thành sông.
Không những thế, khi ngập phố, rác thải sẽ trôi nổi gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.
Bất tiện là vậy nhưng việc khắc phục ngập nước cho Thủ đô vẫn chưa đạt đến những giải pháp hữu dụng. Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trường hợp lượng mưa tại Hà Nội vượt mức 70mm/giờ, thành phố sẽ xuất hiện thêm 19 điểm úng ngập. Cụ thể, tại lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ, mỗi điểm sẽ phát sinh thêm 8 điểm ngập.
Tại lưu vực Long Biên sẽ xuất hiện 1 điểm ngập tại đường Cổ Linh - Đàm Quang Trung - đoạn nút giao thông Cổ Linh - Đàm Quang Trung. Lưu vực Đông Anh sẽ xuất hiện 2 điểm ngập tại huyện Đông Anh trên đường quốc lộ 3 (đoạn qua xã Mai Lâm) và đường 23B (đoạn qua thôn Cổ Điển).
Việc sẵn sàng tâm lý để “bơi” giữa đường phố trong mùa mưa này chắc chắn sẽ còn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các thành phố khác. Như tại TPHCM, gần 12h trưa ngày 7/6, khu vực TP Thủ Đức, quận 1, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, quận Tân Phú… có mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ, làm nhiều tuyến đường bị ngập sâu, có nơi ngập đến cả bánh xe.
Mưa và gió giật làm cho một số cây xanh bị ngã đổ, một số mái tôn, bảng quảng cáo cũng bị hư hỏng, rơi rớt xuống đường…
Trước thực tế trên, bài toán đặt ra hiện nay không chỉ là quy hoạch hệ thống thoát nước khi xây dựng đô thị mà còn cần quy hoạch các công trình thủy lợi, phân bổ dân cư… mới mong khắc phục được tình trạng trên mỗi khi mùa mưa đến.
Sốt ruột với những dự án chống ngập
Nhiều thành phố xảy ra tình trạng ngập đường phố trong mùa mưa đã và đang có những giải pháp khắc phục. Hà Nội cũng là một trong số đó nhưng thực tế vẫn chưa đem lại kết quả khả quan.
Thành phố đã đầu tư hàng chục tỷ đồng giải quyết bài toán thoát nước nhưng từ năm 2000 đến nay dường như vẫn không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều hạng mục đã và đang được xây dựng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà các công trình không thể về đích đúng hẹn như kênh thoát nước La Khê, hệ thống thoát nước Yên Nghĩa…
Mới đây, thành phố lại tiếp tục đưa kế hoạch triển khai dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng để chống úng ngập khu vực phố cổ. Trước đó, năm 2019, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép triển khai 3 vị trí bể ngầm thu, điều tiết nước mưa gồm: phố Nguyễn Khuyến; Đường Thành và ngã ba phố Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu.
Đến thời điểm 2021 mới có hầm thu nước mưa trên phố Nguyễn Khuyến hoàn thành đi vào sử dụng. Trước mắt, hiệu quả của hầm thu nước mưa này đã góp phần giảm 70% mức độ ngập úng trên phố Nguyễn Khuyến, bảo đảm mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, phục vụ nhu cầu đi lại, cuộc sống của người dân trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng bể điều tiết ngầm nhằm giảm thiểu ngập úng tại Thủ đô là cần thiết. Song, đây chỉ là biện pháp "giảm nhiệt" chứ chưa thể "giải nhiệt" vấn đề nóng đã tồn tại nhiều năm qua, đặc biệt với khu vực phố cổ.
Khi trên thực tế, các trạm bơm điều tiết hồ trong lưu vực thoát nước tại Hà Nội đã được đầu tư xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp tiềm ẩn nhiều sự cố đột xuất, bất thường; hệ thống thoát nước tại các khu vực phố cổ, phố cũ cũng đã được đầu tư xây dựng từ những năm 1954 đến nay đã xuống cấp, sụt lún gây mất an toàn… không đáp ứng được khả năng tiêu thoát nước.
Theo chuyên gia xây dựng Phạm Hùng Cường, việc để thoát nước thải và nước mưa chung một hệ thống đã khiến năng lực thoát nước bị ảnh hưởng. “Thoát nước thải đã quá tải, nhưng vẫn để nước mưa chảy cùng nước thải nên chỉ cần mưa hơi lớn là sẽ bị ngập”, ông Cường phân tích.
Một nguyên nhân khác khiến Hà Nội cứ gặp mưa lớn là ngập úng được các chuyên gia chỉ ra là do quy hoạch còn thiếu đồng bộ, diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ, diện tích mặt nước giảm. Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến bê tông hóa mạnh, hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp.
Không chỉ gặp khó khăn ở Hà Nội, việc chống ngập úng ở các đô thị khác như TPHCM cũng còn nhiều vướng mắc.
Tại đây, người dân cũng đang hết sức sốt ruột vì các dự án chống ngập trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được khởi công từ năm 2016 đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Dự án này có ảnh hưởng tới khoảng 6,5 triệu dân khu vực sông Sài Gòn và một số quận trung tâm TPHCM, trước đó dự kiến hoàn thành sau 3 năm.
Những dự án chống ngập nếu cứ “đắp chiếu” chờ mưa tới mà không đem lại lợi ích gì đang gây lãng phí tiền bạc, ngổn ngang cơ sở vật chất cũng là một phần “đóng góp” vào những trận lụt đường phố.
Cần hành động thiết thực hơn
Dành sự quan tâm đến thực trạng ngập úng ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn, trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV ngày 4/6, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn các bộ trưởng liên quan để đề ra giải pháp giải quyết vấn đề này.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề ngập úng đô thị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu ra nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị hiện nay là do quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhiều dãy phố, dãy nhà cũng như do hệ thống thoát nước khi mưa lớn chưa đảm bảo ở nhiều đô thị. Do đó, để chống ngập úng ở đô thị thì hệ thống phải đồng bộ, phải có thể tích để chứa, để thoát.
Vì vậy, cần nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách đồng bộ và bài bản, nâng cấp hệ thống thoát nước ở các đô thị, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM…
Cùng trả lời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng trên: Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó có tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.
Thứ hai, nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Thứ ba, tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.
Dẫu biết rằng các chính sách, giải pháp được đưa ra sẽ là tiền đề để giải quyết vấn đề ngập úng đô thị. Tuy nhiên cần phải triển khai ngay, đồng thời triển khai nhiều giải pháp nếu không mùa mưa đến, đường vẫn ngập và người dân vẫn sẽ tiếp tục phải chịu cảnh “bơi” giữa lòng thành phố.
GS.TS Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường: Cần đồng bộ nhiều giải pháp để quy hoạch cấp thoát nước
Giải pháp đầu tiên cần nói đến là phải xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đề án về thoát nước. Quy hoạch của thoát nước phải theo quy hoạch của xây dựng đô thị, đưa ra các tiêu chí xây dựng và phải tính toán rõ ràng để đảm bảo tỷ lệ hồ điều hòa. Quy hoạch hồ phải đảm bảo đủ diện tích chứa nước, đồng thời phải phù hợp với vị trí điều hòa nước mưa.
Kế tiếp, phải tạo ra tỷ lệ cây xanh hợp lý sao cho đạt chỉ tiêu thoát nước của diện tích mặt hồ. Quy hoạch thoát nước cần phối hợp và thống nhất với nhau về cao độ nền, cốt nền. Trên cơ sở quy hoạch đó, cần triển khai và xây dựng lại năng lực thoát nước cho các thành phố.
Cần có thêm cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực thoát nước: thông tin cho thoát nước, thông tin số liệu về úng ngập hằng năm, thông tin về khí tượng thủy văn. Dựa trên những cơ sở dữ liệu đó để hỗ trợ cho công tác điều hành.
Ngoài ra cần tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cho thoát nước. Công tác thoát nước mưa và thoát nước thải luôn đi cùng nhau, nhất là ở Hà Nội và ở các đô thị vẫn đang sử dụng hệ thống cống chung. Hiện nay chúng ta chỉ đang thu phí nước thải với định mức 10% - 15%; Đó là số tiền quá nhỏ cho công tác duy tu và bảo tồn hệ thống thoát nước và nước thải, thu gom xử lý nước thải.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên thì ý thức bảo vệ nguồn nước nói riêng và môi trường nói chung của mỗi người đều rất quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người.
TS Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam: Thu hút nguồn đầu tư cho hệ thống thoát nước
Thu hút nguồn lực đầu tư hệ thống thoát nước là một trong những giải pháp thúc đẩy giảm thiểu ngập úng. Vì thế cơ chế thu hút đầu tư cần tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vì hệ thống thoát nước đô thị là dịch vụ công ích, không phải dự án đầu tư “hấp dẫn sinh lời”.
Sau khi có nguồn vốn đầu tư thì cần đến nhiều giải pháp đồng bộ và cần thời gian, vạch rõ lộ trình thực hiện. Thứ nhất, việc lập quy hoạch cần có được “chất lượng” xem xét đầy đủ các yếu tố nguyên nhân cũng như đặc thù điều kiện tự nhiên (theo vùng miền). Thứ hai, cần đặt ra kế hoạch, tiến độ, nguồn lực thực hiện và quan trọng hơn là cần sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, nhận thức của người dân tham gia trong đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nói riêng và phát triển đô thị nói chung.
Cụ thể, cần có một quy hoạch tổng thể hệ thống tiêu thoát nước khoa học, phù hợp với sự phát triển đô thị. Hệ thống tiêu thoát nước phải gắn với tầm nhìn phát triển đô thị, phải gắn với sự bố trí và phát triển các khu dân cư, hệ thống giao thông thủy, bộ. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch tổ chức, quản lý thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng cao độ nền và thoát nước đô thị.
Ngoài ra cần nâng cao quyết tâm, năng lực quản lý đối với cán bộ quản lý đô thị các cấp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân tham gia giám sát, góp ý, bảo vệ… thực hiện quy hoạch quy hoạch đô thị nói chung cũng như quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị nói riêng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngap-ung-do-thi-den-hen-lai-lo-10282937.html