Ngành tòa án nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính tư pháp

Cải cách thủ tục hành chính tư pháp (TTHCTP) tại tòa án là quy trình, thủ tục xử lý công việc mang tính chất hỗ trợ cho hoạt động tố tụng của tòa án, giải quyết các yêu cầu của người dân trước, sau các phiên tòa… Nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án, thời gian qua, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều khâu đổi mới, công khai, minh bạch TTHCTP, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ công việc.

Cải cách thủ tục hành chính tư pháp (TTHCTP) tại tòa án là quy trình, thủ tục xử lý công việc mang tính chất hỗ trợ cho hoạt động tố tụng của tòa án, giải quyết các yêu cầu của người dân trước, sau các phiên tòa… Nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án, thời gian qua, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều khâu đổi mới, công khai, minh bạch TTHCTP, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ công việc.

Các hoạt động cải cách TTHCTP được tập trung vào việc đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do viện kiểm sát nhân dân chuyển đến, đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; cấp sao lục bản án, quyết định của tòa án...

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên, trước hết, ngành đã thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng bộ phận HCTP hoạt động theo quy trình “một cửa”, giúp việc cho chánh án trong việc tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn kiện, đơn khiếu nại tố cáo và thụ lý các loại án thuộc thẩm quyền... Nếu như trước đây, khi chưa thành lập bộ phận HCTP, việc tham mưu, thụ lý đơn khởi kiện, thụ lý vụ án hình sự được giao cho các tòa chuyên trách, người dân phải đi lại, liên hệ với nhiều bộ phận như: phải qua văn thư nộp đơn, qua các tòa chuyên trách để nộp giấy tờ, tài liệu, trong khi đó việc thụ lý, quản lý hồ sơ lại do các tòa chuyên trách thực hiện nên việc nắm số liệu thụ lý, hồ sơ vụ việc gặp khó khăn…

Cán bộ bộ phận hành chính tư pháp, TAND tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Cán bộ bộ phận hành chính tư pháp, TAND tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hiện nay, hoạt động của bộ phận này được thực hiện theo quy trình khép kín một đầu mối. Bên cạnh việc nhận hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động tố tụng, cán bộ HCTP còn có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cụ thể cho tổ chức, cá nhân đến liên hệ làm việc các bước tố tụng ban đầu, tránh việc nộp đơn tràn lan và đi lại nhiều lần do làm không đúng thủ tục hoặc thiếu giấy tờ. Nhờ đó, số lượt công dân đến liên hệ nhiều lần để giải quyết một việc giảm so với trước, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân. Đặc biệt, khắc phục cơ bản tình trạng tổ chức, cá nhân nộp đơn tràn lan, không có căn cứ. Bên cạnh đó, bộ phận HCTP còn tiếp dân, lên lịch xét xử; cấp bản án, quyết định, các bản trích lục, trích sao bản án, quyết định của tòa án.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chánh Văn phòng TAND tỉnh cho biết: Việc cải cách TTHCTP được ngành thực hiện ở tất cả các khâu, đặc biệt ở khâu tiếp nhận và xử lý đơn thư, giấy tờ, hồ sơ liên quan đến hoạt động tố tụng. Đối với những vụ việc đơn giản, sau khi nhận đủ tài liệu, chứng cứ, đơn vị sẽ cho thụ lý ngay. Đối với những vụ việc phức tạp, chánh án giao nhiệm vụ cụ thể cho thẩm phán để nghiên cứu hồ sơ. Trường hợp không đủ hồ sơ cho trả lại đơn và thông báo công dân bổ sung, sửa chữa tài liệu, không để người dân phải chờ đợi lâu hoặc đi lại nhiều lần. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng giúp ngành tòa án siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tạo phong cách làm việc khoa học, thân thiện, gần gũi, cầu thị, củng cố niềm tin của người dân đối với hoạt động ngành tòa án.

Cùng đó, TAND hai cấp trong tỉnh đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý các loại đơn khởi kiện và các việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án. Hằng năm, ngành tiến hành rà soát, loại bỏ những thủ tục rườm rà, xác định rõ thời gian giải quyết của từng khâu trong quá trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả giải quyết để nâng cao chất lượng phục vụ người dân khi có việc yêu cầu tòa án giải quyết; bảo đảm các vụ việc phải được thụ lý và giải quyết nhanh chóng, thông qua việc tiếp nhận đơn khởi kiện kết hợp hướng dẫn kiến thức pháp luật cho công dân.

Ngoài ra, TAND tỉnh còn tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác giải quyết án và quản lý nghiệp vụ. Theo đó, các loại biểu mẫu, trình tự, thủ tục đều được công khai trên trang thông tin điện tử của ngành, giúp cho công dân nắm bắt các hoạt động của tòa án và tìm kiếm các biện pháp trợ giúp về mặt pháp lý khi tiếp cận với tòa án, tránh việc thiếu sót phải đi lại nhiều lần để củng cố hồ sơ có liên quan, hạn chế tình trạng cán bộ lợi dụng để nhũng nhiễu người dân khi thực hiện các quyền được pháp luật quy định trước tòa án.

Ông Trần Mai Văn, công dân xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) cho rằng: Khi có yêu cầu công việc liên quan đến hoạt động ngành tòa án, do chưa nắm rõ các quy định của pháp luật và thủ tục khởi kiện nên trước khi nộp đơn tại tòa án tôi cũng thấy băn khoăn. Nhưng khi đến liên hệ công việc tại bộ phận HCTP TAND tỉnh tôi đã được các cán bộ hướng dẫn chi tiết các hồ sơ thủ tục, không phải đi lại nhiều lần; kết quả giải quyết có thể tra cứu thông tin trên trang thông tin điện tử của ngành rất tiện lợi.

Một trong những bước chuyển quan trọng của công tác cải cách TTHCTP tại TAND hai cấp thời gian qua phải kể đến là việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên trang thông tin điện tử của ngành. Theo đó, những bản án, quyết định của tòa có đủ điều kiện sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử của TAND các cấp sau khi chính thức có hiệu lực pháp luật và được mã hóa, số hóa, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tăng cường sự giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử. Từ hoạt động này, nhiều bản án, quyết định của tòa án hai cấp trong tỉnh sau khi công bố đã nhận được ý kiến phản hồi của nhân dân. Đây cũng là một kênh giúp lãnh đạo TAND các cấp có thêm thông tin, giám sát chất lượng bản án, quyết định; đánh giá, phân loại, sàng lọc những thẩm phán yếu về chuyên môn, thiếu trách nhiệm, qua đó, đưa ra những giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, định hướng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ban hành những quy định để giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong áp dụng pháp luật vào hoạt động xét xử.

Đặc biệt, thông qua việc công khai bản án, quyết định của tòa án, góp phần tăng cường trách nhiệm và kỷ luật của thẩm phán, tạo động lực để các thẩm phán tự học tập, đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; ngăn ngừa, hạn chế hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, cá nhân đến liên hệ công việc, thời gian tới TAND hai cấp trong tỉnh tiếp tục xác định cải cách TTHCTP là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Thường xuyên củng cố, nâng cao mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận HCTP bảo đảm tách bạch với hoạt động xét xử; tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác và bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án; thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, cởi mở, thân thiện, dân chủ khi tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức, tạo niềm tin và trở thành chỗ dựa pháp lý vững chắc cho người dân khi giải quyết công việc tại tòa án.

Lê Mai

Nguồn Hà Nam: https://www.baohanam.com.vn/chinh-tri/cai-cach-hanh-chinh/nganh-toa-an-nang-cao-chat-luong-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-tu-phap-56718.html