Ngành dệt may, da giày và nỗi lo chi phí. Bài 2: Bộ Công Thương đồng hành gỡ vướng

Bộ Công Thương đã quyết liệt gỡ dần vướng mắc giúp doanh nghiệp có thêm lực cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dự báo thị trường không mấy sáng.

Dự báo sẽ nhiều thách thức

Dù kim ngạch xuất nói chung, xuất khẩu dệt may, da giày nói chung ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực, song giới chuyên gia kinh tế cũng lo ngại những bất ổn và lạm phát tăng cao tiếp tục phủ bóng đen lên bức tranh kinh tế toàn cầu thời gian tới. Hiện tượng “mua quá mức” sau thời gian đại dịch cũng làm gia tăng áp lực dư thừa dẫn tới khả năng cắt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm.

Ở trong nước, nhìn lại hai năm đại dịch Covid-19 cũng cho thấy những bất cập về chuỗi cung ứng đã bộc lộ rõ nét. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam gần như không đủ nguyên phụ liệu để sản xuất. Dù tình hình hiện có cải thiện hơn, tuy nhiên đây vẫn là nút thắt không chỉ cho năm nay mà trong dài hạn của cả 2 ngành. Vì vậy, việc hoàn thiện các chính sách nhằm tạo động lực lớn hơn thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu, lẫn cải thiện năng lực quản trị đang là những vấn đề cấp thiết.

Ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Vinatex bày tỏ: Việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh là không đơn giản. Ngành dệt may Việt Nam cần nhiều nỗ lực để hoàn thiện các khâu sản xuất đầu chuỗi, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải), đáp ứng nhu cầu cho khâu may, đảm bảo khép kín chuỗi cung ứng.

 Dự báo sẽ có nhiều thách thức trong những tháng cuối năm cho doanh nghiệp da giày, dệt may

Dự báo sẽ có nhiều thách thức trong những tháng cuối năm cho doanh nghiệp da giày, dệt may

Doanh nghiệp dệt may cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết để có thể tiến dần lên các phương thức sản xuất cao hơn, cũng như các mắt xích mang lại giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, marketing, phân phối...

Về giải pháp ứng phó với biến động của thị trường theo dự báo, Vinatex liên tục cập nhật biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thành viên; nhập khẩu một lượng bông dự trữ nhất định cho các doanh nghiệp sợi với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá.

Ngoài ra, với doanh nghiệp may mặc có làm hàng FOB, Vinatex cũng lưu ý việc nắm bắt tình hình thị trường, không nhận đơn hàng quá sớm tránh những rủi ro về đơn giá thấp không theo kịp sự tăng giá của nguyên phụ liệu đầu vào.

Tương tự với ngành da giày, nhiều doanh nghiệp đã tăng đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, cùng đó là liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để mở rộng quy mô, tự chủ sản xuất, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.

Nhờ sự thay đổi tích cực đó, hiện tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đạt 55% toàn ngành, cá biệt có những loại nguyên liệu nội địa, như giày vải đạt tỷ lệ nội địa hóa 100%, giày thể thao là 80%.

Tháo dần điểm nghẽn

Doanh nghiệp dệt may, da giày đã nỗ lực tự thân tìm ra những cách ứng phó với khó khăn phát sinh, nhất là thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời. Để giải quyết tận gốc vấn đề cần đồng bộ từ chính sách đến định hướng và thực hiện.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong nỗ lực khôi phục sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt, đồng thời xây dựng các giải pháp dài hạn. Trong đó, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.

Bộ Công Thương cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày cũng như phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành.

Liên quan tới mặt hàng xăng dầu, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn cũng như kiến nghị Quốc hội điều chỉnh lại các chính sách thuế qua đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động từ thị trường, thích ứng dần với bối cảnh mới.

Bộ Công Thương đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước

Trong những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các biện pháp không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp, áp dụng mức chiết khấu hợp lý, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, các bên liên quan có các phương án, giải pháp thống nhất công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với các khó khăn.

Chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến và nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.

Đối với chi phí về logistics, trong Quyết định 221/2021/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đã được đặt ra nhằm từng bước phát triển logistics và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương đã và đang đồng hành tháo gỡ từng điểm nghẽn, cùng doanh nghiệp lấy lại đà sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-det-may-da-giay-va-noi-lo-chi-phi-bai-2-bo-cong-thuong-dong-hanh-go-vuong-182186.html