Ngành công nghiệp ô tô sẽ thay đổi ra sao dưới thời Tân Tổng thống Donald Trump
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump là người đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp ô tô, với nhiều dự đoán cho rằng các chính sách của ông sẽ khiến ngành có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Thứ 2 ngày 20/1 vừa qua, Tân Tổng thống Donald Trump đã có Buổi lễ Tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Washington DC, Mỹ đánh dấu sự trở lại Nhà Trắng của vị chính trị gia này sau nhiệm kỳ của Cựu Tổng thống Joe Biden. Dù cả 2 vị lãnh đạo đại diện cho 2 Đảng đối lập đều là những người có sự quan tâm đặc biệt đến ngành công nghiệp ô tô, tuy nhiên về quan điểm của họ lại rất khác biệt. Điều này dẫn tới nhiều dự đoán về việc ngành công nghiệp mũi nhọn của nước Mỹ này sẽ có nhiều thay đổi trong nhiệm kỳ sắp tới.
Ngành xe điện có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn sau khi ông Trump tái đắc cử
Ngay trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông Donald Trump đã tái khẳng định một lần nữa sẽ phục hồi ngành sản xuất ô tô tại Mỹ, vốn bị ảnh hưởng nhiều do Đại dịch Covid-19 và Khủng hoảng kinh tế. Ông cho biết, sẽ chấm dứt các “Thỏa thuận xanh”, thu hồi những ưu đãi dành cho xe điện để cân bằng ngành sản xuất ô tô như những gì mà ông đã hứa với tập thể công nhân trong ngành.
Hiện nay, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) sau 2 năm có hiệu lực đang cung cấp khoản tín dụng thuế trị giá 7.500 USD cho những người mua xe điện mới được sản xuất tại Bắc Mỹ (đi kèm theo một số quy định nghiêm ngặt về thành phần nguyên vật liệu chế tạo) và 3.000 USD những xe điện đã qua sử dụng. Chính sách tài trợ này vốn đã cung cấp động lực quan trọng, giúp tốc độ điện khí hóa ngành ô tô Mỹ gia tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua.
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, ông Trump khó có thể xóa bỏ Đạo luật IRA do các ưu đãi của chính phủ đã được áp dụng từ lâu, khiến cả chính phủ lẫn các nhà sản xuất đã đổ ra nhiều tỷ USD cho công cuộc chuyển đổi. Người tiêu dùng Mỹ cũng đang hình thành nên thói quen mua sắm mới, xe điện dần có chỗ đứng hơn trên thị trường. Dù vậy, việc xóa bỏ các ưu đãi xe điện được ông Trump nhắc đến ngay trong diễn văn nhậm chức của mình cho thấy vị chính trị gia đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và sẽ vô cùng quyết liệt trong hành động của mình.
Theo ông Trump, việc chuyển đổi sang xe điện nên là công việc của các hãng xe thay vì thông qua sự tác động của chính phủ. Do đó, tờ Forbes cho biết, vị Tổng thống này cũng đang cân nhắc việc cắt giảm hoặc chuyển hướng chương trình Cơ sở hạ tầng xe điện quốc gia (NEVI), một quỹ chính phủ chuyên dùng để phát triển các cơ sở phục vụ xe điện như trạm sạc công cộng hay cơ sở hạ tầng phục vụ. Việc này có thể gây ảnh hưởng tới nhiều hãng xe điện ngoài Tesla, vốn chưa hình thành nên cho riêng mình một hệ thống trạm sạc độc lập.
Trung Quốc tiếp tục là đối thủ chính của ngành ô tô Mỹ
Trong nhiệm kỳ trước của mình, ông Trump là người khởi xướng quy định đánh thuế nhập khẩu tới 25% đối với ô tô sản xuất tại Trung Quốc. Điều này là rào cản chính khiến suốt nhiều năm qua, ô tô của quốc gia này chưa thể đặt chân đến Mỹ. Người kế nhiệm Joe Biden thậm chí còn táo bạo hơn khi vào năm 2024, đã chính thức đặt mức thuế nhập khẩu lên tới 100% đối với xe điện Trung Quốc. Những chính sách này được xem là đòn đáp trả của Mỹ khi chính phủ Bắc Kinh được cho là áp dụng các chính sách phi thị trường và trợ cấp lớn góp phần tăng trưởng xuất khẩu xe điện của Trung Quốc lên 70% trong giai đoạn 2022 – 2023.
Dưới nhiệm kỳ của mình, giới quan sát tin rằng, Tổng thống Trump khả năng cao sẽ tiếp tục duy trì chính sách áp thuế nhập khẩu đối với ô tô Trung Quốc ở mức cao, thậm chí nâng mức thuế đối với xe động cơ đốt trong Trung Quốc lên đến mức 100%, ngang với mức thuế của xe điện hiện nay.
Tăng mức thuế quan đối với Mexico, Canada, các hãng xe Mỹ có thể gặp khó
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã bày tỏ rõ kế hoạch áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa từ 2 nước láng giềng là Mexico và Canada. Điều này trước đó đã được vị chính trị gia này giải thích là nhằm củng cố và cân bằng Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico – Canada (USMCA), giúp người Mỹ bớt phụ thuộc vào nhập khẩu và trừng phạt 2 quốc gia này vì đã để số lượng lớn người vượt biên trái phép vào Mỹ.
Tuy nhiên, quyết định này có thể ảnh hưởng lớn đến ngành ô tô Mỹ khi mà hiện nay, có rất nhiều các hãng xe Mỹ hoặc đang kinh doanh tại Mỹ có cơ sở sản xuất của mình ở Canada và Mexico. Cụ thể, cả Ford, GM và Honda đều có nhà máy ở cả Canada và Mexico, nơi chuyên chế tạo ô tô để phục vụ cho thị trường Mỹ. Tesla, ông lớn xe điện hàng đầu thế giới cũng có nhà máy Giga Mexico, nơi cung cấp xe điện mang thương hiệu T cho các nhà phân phối quốc nội. Ngoài ra, còn hàng loạt các nhà máy của những thương hiệu lớn như Mercedes-Benz, Toyota, Audi, BMW, Mazda, Hyundai, KIA.
Việc đánh thuế nhập khẩu 25% đồng nghĩa với việc, ô tô từ các nhà máy ở Mexico và Canada nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ có mức chịu thuế ngang với ô tô động cơ đốt trong nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong ngắn hạn, có thể gây ra tình trạng tăng giá cục bộ đối với thị trường ô tô tại Mỹ, làm khó khăn hơn đối với người tiêu dùng trong việc tiếp cận các loại ô tô mới. Tuy nhiên, về dài hạn, chính sách này sẽ buộc các nhà sản xuất sẽ phải có định hướng quay trở lại thành lập các cơ sở sản xuất tại Mỹ để tối ưu hóa sản xuất và giá thành, đồng thời tránh bị áp thuế nhập khẩu ở mức cao.
Qua đó, có thể thu hút nguồn vốn đầu tư vào công nghiệp ô tô Mỹ, có thêm việc làm cho người lao động địa phương và nguồn tiêu thụ lớn các loại nguyên vật liệu đang có sẵn.
Tổng hợp
Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!