Ngành công nghiệp châu Á chịu sức ép thuế quan gia tăng

Các ngành sản xuất chủ lực tại châu Á đang đối mặt với những thách thức lớn khi các biện pháp thuế quan mới từ Mỹ và căng thẳng thương mại quốc tế khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng.

Áp lực thuế quan gia tăng đang phủ bóng lên các nền kinh tế sản xuất chủ lực tại châu Á. Ảnh: SGS

Áp lực thuế quan gia tăng đang phủ bóng lên các nền kinh tế sản xuất chủ lực tại châu Á. Ảnh: SGS

Số liệu trong tháng 3/2025 cho thấy chỉ số PMI, thước đo sức khỏe ngành sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều giảm xuống dưới mốc 50. Đây là ngưỡng cho thấy hoạt động sản xuất đang chịu sự thu hẹp. Dù Trung Quốc ghi nhận mức tăng nhẹ nhờ đợt giao hàng gấp trước thời điểm áp thuế, các chuyên gia cảnh báo đây chỉ là sự phục hồi tạm thời, không phản ánh sức bật thực tế của nền sản xuất trong nước.

Tại Đài Loan, ngành công nghiệp chip điện tử đang bị ảnh hưởng nặng nề. Đề xuất của Mỹ về việc áp thuế mới đối với các sản phẩm bán dẫn và thiết bị sản xuất chip tuy nhắm vào Trung Quốc và đang gián tiếp gây khó khăn cho các nhà sản xuất từ Đài Loan. Chỉ số Taiex giảm 10% trong quý I/2025, phản ánh lo ngại về chi phí tăng cao và khả năng xuất khẩu thiếu ổn định của TSMC – nhà sản xuất chip hàng đầu tại Đài Loan.

Hàn Quốc cũng gặp nhiều áp lực. Dù tổng giá trị xuất khẩu của nước này trong tháng 3 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, một số ngành then chốt lại sụt giảm đáng kể. Ngành thép giảm tới 10,6%, mức giảm sâu nhất từ giữa năm ngoái. Nguyên nhân chính đến từ việc Mỹ áp mức thuế 25% lên thép nhập khẩu, khiến các doanh nghiệp lớn như POSCO gặp khó. Dù ngành điện tử và hóa dầu vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ, tâm lý toàn thị trường vẫn nghiêng về sự dè chừng.

Tại Nhật Bản, ngành ô tô đang đứng trước rủi ro lớn. Chính quyền Mỹ đang cân nhắc đánh thuế 25% lên xe nhập khẩu. Điều này khiến các hãng lớn như Toyota, Nissan và Honda phải xem lại chiến lược sản xuất và xuất khẩu. Cổ phiếu của các hãng này đồng loạt giảm trong tháng 3, trong khi bài toán chi phí và duy trì việc làm trong nước đang gây sức ép lên giới quản lý.

Trong khi nhiều nước châu Á đang gặp khó, Trung Quốc lại chọn cách ứng phó linh hoạt. Một mặt, các doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu sang Mỹ trước thời điểm thuế mới có hiệu lực. Mặt khác, hàng hóa Trung Quốc đang chuyển hướng sang các thị trường khác tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, điều này đang tạo ra phản ứng ngược từ nhiều nước láng giềng. Tại Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn khi đối mặt với làn sóng hàng giá rẻ tràn vào. Một số quốc gia đã bắt đầu áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm thép, nhôm và dệt may từ Trung Quốc.

Tình trạng dư thừa hàng hóa và cạnh tranh gay gắt đang khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Malaysia, Philippines và Việt Nam mất đơn hàng, giảm doanh thu. Các ý kiến trong khu vực bắt đầu đặt lại vấn đề về việc bảo vệ thị trường trong nước và tái cân bằng chính sách thương mại. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu làn sóng bảo hộ lan rộng, khối ASEAN có thể mất đi những thành quả tích cực từ quá trình hội nhập kinh tế khu vực suốt nhiều năm qua.

Một số chính phủ châu Á đang gấp rút điều chỉnh chính sách. Hàn Quốc tung ra các gói hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất thông minh và năng lượng sạch. Nhật Bản tăng cường đưa nhà máy trở lại trong nước, nhất là trong lĩnh vực xe điện và pin. Đài Loan (Trung Quốc) tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước châu Âu để mở rộng thị trường. Trung Quốc cũng đang sử dụng quỹ nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và kích thích tiêu dùng nội địa.

Việc các chính phủ và doanh nghiệp châu Á đang gấp rút điều chỉnh chiến lược cho thấy tác động của làn sóng thuế quan đã vượt xa phạm vi song phương. Những biến động mới nhất không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu, đầu tư, mà còn đặt lại bài toán ổn định sản xuất và duy trì việc làm trên quy mô toàn khu vực.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nganh-cong-nghiep-chau-a-chiu-suc-ep-thue-quan-gia-tang.658441.html