'Ngành Công an ai cũng thích, nhưng khoe tôi là lính cứu hỏa chắc không nhiều'
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, thời của ông không nhiều người dám khoe là lính cứu hỏa vì nghề quá vất vả nhưng họ sẵn sàng hy sinh vì Nhân dân.
“Thế hệ chúng tôi, có người khi được hỏi còn không dám giới thiệu học Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đâu. Ngành Công an ai cũng thích, dám khoe, nhưng khoe tôi là anh lính cứu hỏa thì chắc không nhiều vì nghề quá vất vả”.
Đó là lời chia sẻ của Đại tá, TS Phạm Văn Năm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy - khi nói về nghề cứu hỏa mà ông và đồng đội đang theo đuổi.
Công việc của người lính cứu hỏa là "cứu cái còn trong cái mất, là lao vào nguy hiểm khi mọi người đều muốn thoát ra". Những người lính cứu hỏa không làm nghề để được vinh danh, càng không chờ mong rằng mọi người sẽ mang ơn. Sứ mệnh của họ đơn giản là dốc hết lòng mình bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ sự an toàn và bình yên cho mỗi người dân, ngôi nhà, con phố.
Theo Đại tá Năm, có gắn bó mới hiểu thấu được vất vả, khó khăn mà những chiến sĩ chống "giặc lửa” đã và đang trải qua. Những ngày lễ tết, mọi người quây quần, sum vầy bên gia đình, họ lại phải trực chiến để đảm bảo lực lượng tốt nhất nếu có sự cố xảy ra.
Khi mọi người đang say trong giấc ngủ, họ thức đêm để đảm bảo yên bình cho những ngôi nhà, từng con phố. Chính sự vất vả, sứ mệnh nhân văn và vinh quang đó mà người chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy càng thêm yêu nghề, sẵn sàng dấn thân, hy sinh tính mạng vì bình yên cuộc sống.
Sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khi đang làm nhiệm vụ chiều 1/8 là minh chứng rõ nét nhất.
Yêu cuộc sống nhưng sẵn sàng hy sinh
Chia sẻ về sự ra đi của 3 đồng đội, Đại tá Phạm Văn Năm cho rằng, đây là tổn thất rất lớn với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nói riêng, cũng như lực lượng Công an Nhân dân nói chung.
“Chưa bao giờ trong thời bình mà lực lượng Phòng cháy chữa cháy mất đi một lúc 3 cán bộ, chiến sĩ. Khi nghe tin, tôi thật sự hụt hẫng, cảm giác mất đi những người thân quen. Hai trong số 3 đồng chí đã và đang là học viên của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy”, Đại tá Năm trầm ngâm.
Ông kể rằng, Thượng tá, liệt sĩ Đặng Anh Quân theo học trung cấp khóa 24 Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Là người có chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, anh Quân thường xuyên được nhà trường mời tham gia các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho học viên mới của trường.
Nhiều sinh viên của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cũng được Thượng tá liệt sĩ Đặng Anh Quân hướng dẫn thực tập.
“Đồng chí Quân đã có 22 năm học tập và trực tiếp chiến đấu. Người lính cứu hỏa mà trụ được 22 năm không phải dễ dàng vì ngoài kiến thức chuyên môn, chiến thuật thì thể chất và tinh thần cũng rất quan trọng. Rất ít người có thể chịu được sức ép dài giống như cậu ấy”, TS Năm bộc bạch.
Còn Thượng úy, liệt sĩ Đỗ Đức Việt có thời gian liên tục gắn bó với nhà trường, từng là học viên trung cấp khóa 41 và đến năm 2021 trúng tuyển lớp LT12E - liên thông đại học vừa học vừa làm.
“Suốt quá trình theo học, đồng chí Việt là học viên gương mẫu, có kết quả học tập tốt. Ông Đỗ Văn Tư, bố của Việt, cũng là học viên khóa 9 hệ cao đẳng của trường. Có thể là do truyền thống gia đình, ảnh hưởng từ nghề nghiệp của bố nên bạn ấy cũng có một sự bình thản khi bước vào vai trò người lính chữa cháy”, ông Năm nói.
Qua những dòng nhật ký trên Facebook, Đại tá Năm nhận định, Việt là thanh niên tốt tính, vô tư. Chàng thanh niên giúp đỡ hai bà cụ bán hàng rong qua đường giữa trưa hè nóng bức năm 2018 hay cứu chú chó đang mang bầu trong đám cháy năm 2021 là những việc làm theo bản năng chứ không phải Việt đang tự vẽ hình ảnh cho mình.
“Việt thường xuyên chia sẻ những hình ảnh trong bộ đồ lính cứu hỏa để mọi người biết công việc như thế, Việt có ngại gì đâu. Bạn ấy dám làm những điều đó thể hiện sự yêu nghề thực sự chứ không phải đánh bóng hình ảnh. Qua tấm gương của Việt, chúng ta thấy được một cuộc đời tuy ngắn thôi nhưng bình thản, vui vẻ. Yêu cuộc sống nhưng dám hy sinh”, Đại tá Năm chia sẻ dưới góc nhìn là một người đồng đội của các liệt sĩ.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sĩ là mất mát to lớn nhưng rất đỗi tự hào. Các liệt sĩ đã góp phần tô thắm thêm truyền thống lực lượng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.
“Phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân là mệnh lệnh mà tất cả cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy tâm niệm trong mình”, Đại tá Năm nhấn mạnh.
Đối diện lằn ranh sinh tử
Dù là đám cháy dữ dội hay nơi hiện trường sập đổ, dòng nước chảy xiết, những chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cũng không sờn lòng.
“Người lính cứu hỏa biết khi vào trong trận chiến, ranh giới giữa sinh và tử rất mong manh, nhưng chúng tôi được đào tạo để nhận nhiệm vụ, cố gắng thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất”, ông Năm khẳng định.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn ý thức được rằng sẽ đối mặt những nguy hiểm, bao gồm nhiệt, khói, khí độc và nguy cơ sụp đổ công trình xây dựng, đe dọa tính mạng... nhưng họ không nề hà, sẵn sàng xả thân chiến đấu với “giặc lửa” khi nghe thông tin trong đám cháy.
Người lính cứu hỏa phải hiểu biết, chủ động nắm bắt tình hình, đưa ra quyết định và xử lý kịp thời, tình huống thực tế để đem lại hiệu quả cao nhất trong công tác chữa cháy, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại của Nhân dân và Nhà nước.
Ngoài việc đảm bảo về kiến thức chuyên môn, sức khỏe thể chất, phẩm chất chính trị, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy trước khi bước vào cuộc chiến với “giặc lửa” phải được rèn luyện bản lĩnh.
“Bản lĩnh ở đây là dám chấp nhận hy sinh. Tài sản lớn nhất của chiến sĩ cảnh sát là niềm tin của Nhân dân, để giữ vững niềm tin đó, họ sẵn sàng lao vào biển lửa để cứu tính mạng và tài sản của Nhân dân”, Đại tá Năm chia sẻ.
Để có bản lĩnh, các học viên của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy được tôi luyện trong môi trường nguy hiểm như đám cháy thật với điều kiện khác nhau như không có ánh sáng, không gian hẹp, làm việc trên cao, dưới sâu, môi trường nhiều khói và khí độc…
Qua quá trình đào tạo, mỗi chiến sĩ hiểu được rằng khi vào đám cháy thì phải thực hiện kỹ năng gì, kỹ năng đó sẽ làm giảm nguy cơ nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của bản thân, đảm bảo an toàn cho mình thì mới có thể tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả cao.
“Phải hiểu, khắc chế được và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, chứ không phải là bản năng lao vào biển lửa. Quá trình học tập tại nhà trường cũng như kinh nghiệm thực tế chiến đấu tích lũy dần sẽ giúp cho người chiến sĩ có đủ bản lĩnh, dám hy sinh”, Đại tá Năm nói.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cũng nhận định, những tấm gương tham gia công tác phòng cháy chữa cháy dũng cảm sẽ tạo nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau thêm yêu cái hình ảnh của người lính cứu hỏa.
“Sự hy sinh của 3 liệt sĩ Đặng Anh Quân, Đỗ Đức Việt và Nguyễn Đình Phúc là lời khẳng định rằng các đồng chí đã được đào tạo bài bản và trong thực tế được tôi luyện để dám nghĩ, dám làm và dám hy sinh vì cuộc sống bình yên của người dân”, Đại tá Phạm Văn Năm chia sẻ.
Video: Sinh viên Cảnh sát PCCC đu dây, trèo tường học cứu hộ, cứu nạn