Ngang nhiên chiếm đất đã có chủ

Bà Trịnh Thị Thu Hà, ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) có nhận chuyển nhượng mảnh đất từ một công dân ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, năm 2016, một số hộ dân ở thôn Đông Trúc Lâm, xã Hành Nhân ngang nhiên chiếm đất để trồng keo. Vụ việc diễn ra đã lâu, nhưng các cấp, ngành ở huyện Nghĩa Hành vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Chuyển nhượng hợp pháp

Năm 2013, bà Hà mua thửa đất số 1685, tờ bản đồ số 1, diện tích 17,755 nghìn mét vuông tại xứ đồng Gò Quán, thôn Tân Lập, xã Hành Nhân của hộ ông Nguyễn Văn Long và bà Lê Thị Lý và hoàn thiện thủ tục đăng ký biến động về chủ sử dụng tại cơ quan chức năng huyện Nghĩa Hành. Trong quá trình nhận chuyển đất, trồng và thu hoạch keo, thì người dân thôn Đông Trúc Lâm đều biết và không có tranh chấp hay khiếu nại gì. Tuy nhiên, trong thời gian chờ mua keo giống về trồng vụ mới thì vào cuối năm 2016, các ông, bà: Nguyễn Văn Khiêm, Nguyễn Đăng Đức, Nguyễn Đăng Lực, Võ Duy Tuấn, Phan Văn Đoàn, Đặng Chiến, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đăng Ý, Nguyễn Thành Trung, Lê Thị Sinh, Hồ Thị Bường, Đặng Thị Mai, Huỳnh Thị Yến, ở thôn Đông Trúc Lâm, xã Hành Nhân và bà Lê Thị Năm, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) đã tự ý trồng keo trên diện tích đất thuộc sở hữu của bà Hà mà chưa được sự đồng ý của bà. "Những cá nhân nêu trên cho rằng đây là đất ông bà của họ khai hoang trước năm 1975, nên họ có quyền canh tác trên phần đất của tôi là không đúng thực tế", bà Hà nói.

Phần đất rừng của bà Trịnh Thị Thu Hà bị người dân chiếm trồng keo.

Sau khi phát hiện sự việc, bà Hà đã trình báo UBND xã Hành Nhân yêu cầu những người kể trên di dời toàn bộ số cây keo đã trồng ra khỏi diện tích đất của bà. Ngày 5/12/2016, UBND xã Hành Nhân kiểm tra và lập biên bản thực địa; đồng thời tiến hành hòa giải. Qua kiểm tra, xã Hành Nhân kết luận diện tích đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà Hà. Tuy nhiên, kể từ đó, chính quyền địa phương không có giải pháp xử lý dứt điểm vụ việc, nên các hộ dân trên vẫn tiếp tục chiếm đất của bà Hà. Năm 2021, bà Hà tiếp tục có đơn yêu cầu xã Hành Nhân xử lý dứt điểm vụ việc. Tuy nhiên, UBND xã Hành Nhân cũng chỉ tiến hành hòa giải rồi... thôi.

Xử lý chưa dứt điểm

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thửa đất số 1685, tờ bản đồ số 1, diện tích 17,755 nghìn mét vuông trước đây ở xứ đồng Gò Quán, thôn Tân Lập, xã Hành Nhân. Sau năm 1977, Nông trường khai phá trồng cây mì, đến năm 1981, thì Nông trường chuyển về Gò Dền, xã Long Sơn (Minh Long) và giao đất lại cho Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Nam Dũng. Sau đó, HTXNN Nam Dũng khoanh vùng và phân bổ cho nhân dân đội 13, 15 cũ sản xuất trồng lang, mì, có người trồng bạch đàn.

Năm 1994, HTXNN Hành Nhân triển khai dự án PAM và tiến hành trồng cây điều tại xứ đồng Gò Quán, với diện tích 21ha; trong đó giao cho 21 hộ dân ở thôn Đông Trúc Lâm 18ha, còn 3ha không có người đăng ký nên xét giao cho 3 hộ không có đất cũ tại Gò Quán là ông Nguyễn Tấn Hương, Nguyễn Đăng Cư và Đặng Ngọc Luận. Trong 18 hộ được giao đất thì chỉ có 15 hộ sản xuất ổn định từ năm 1994 và đã được cấp lâm bạ, đến năm 2005 thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Đối với 3 hộ ở thôn Tân Lập đăng ký, nhưng sản xuất được 3 năm thì chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Long. Năm 1997, ông Long được cấp lâm bạ và đến năm 2005 thì được cấp sổ đỏ. Năm 2010, ông Long chuyển nhượng 1ha cho ông Trần Thanh Duy, còn lại 17,755 nghìn mét vuông, ông tiếp tục canh tác đến năm 2013 thì chuyển nhượng cho bà Hà. Trong quá trình ông Long canh tác cũng như khi được cấp sổ đỏ, thì không ai có ý kiến, hay khiếu nại gì.

Theo một cán bộ địa chính xã Hành Nhân, thì diện tích đất ở Gò Quán nói chung, cũng như diện tích đất của bà Hà nói riêng đã được phân bổ ổn định từ năm 1994 đến năm 2016 và đã có sổ đỏ, nên việc cấp sổ đỏ cho ông Long là hợp pháp. Do đó, các hành vi ngang nhiên chiếm đất của 17 hộ dân nói trên là trái với quy định của pháp luật.

Trình bày tại các buổi hòa giải, ông Nguyễn Đăng Thọ cho rằng, trước đây, diện tích đất trên chưa có chủ, UBND xã thu hồi đất để trồng điều. Lúc đó, gia đình tôi quá khó khăn, nếu như nhận đất trồng điều thì bị cắt đất sản xuất, trong khi trồng điều thì 6 năm mới có quả, nên tôi không nhận. Nay tôi lấy lại đất để làm. Còn ông Nguyễn Thành Trung thì lý giải, trước đây, tôi có đất tại Gò Quán, trồng lang, mì, bạch đàn. Sau đó, tôi đi làm ở TP.Hồ Chí Minh. Nay tôi lấy lại để canh tác, còn việc mua bán đất giữa các bên, tôi không biết.

Theo bà Hà, hành vi chiếm đất của 17 người dân nói trên đã xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bà được pháp luật bảo vệ. Các hộ dân đã hưởng lợi bất hợp pháp trên phần đất của bà; đồng thời gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình bà gần 250 triệu đồng.

Bài, ảnh: HƯƠNG MINH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2034/202302/ngang-nhien-chiem-dat-da-co-chu-3157830/