Ngân hàng và nhà mạng thống nhất điều chỉnh mức thu phí SMS Banking phù hợp
Tại buổi làm việc mới đây, các ngân hàng và nhà mạng đã thống nhất giải pháp 'thu phí trọn gói' thay vì theo số lượng tin nhắn hiện nay cho các khách hàng là phù hợp và đảm bảo lợi ích của các bên.
Ngày 25/2, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã làm việc với đại diện của ba nhà mạng lớn tại Việt Nam (Viettel, VNPT và Mobifone) về việc điều chỉnh tính phí dịch vụ SMS.
Tại cuộc họp này, các nhà mạng viễn thông và ngân hàng đã thống nhất giải pháp "thu phí trọn gói" là khả thi, vừa đảm bảo lợi ích của khách hàng nhưng cũng vừa đảm bảo lợi ích của các ngân hàng và của chính các nhà mạng.
Cụ thể, đại diện nhà mạng Viettel gợi ý thu phí trọn gói từ 10.000 VNĐ đến 11.000 VNĐ cho một khách hàng trên mỗi tháng sử dụng dịch vụ SMS Banking và không giới hạn số lượng SMS trong tháng.
Trước đó, đại diện các ngân hàng cho rằng mặc dù ngân hàng là khách hàng lớn của các nhà mạng nhưng lại tính phí cao gấp 2 đến 3 lần so với mức phí tin nhắn của cá nhân sử dụng dịch vụ của các nhà mạng.
Điều đó dẫn đến việc ngân hàng phải bỏ ra chi phí lớn cho dịch vụ này, trong năm 2021, có ngân hàng đã phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng đối với dịch vụ thông báo biến động số dư.
Ngoài ra, tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brandname) của các ngân hàng nhằm trộm tiền tài khoản của khách hàng lại "bùng phát". Tin nhắn giả mạo hiển thị tên người gửi là ngân hàng, kèm nội dung chứa đường link giả mạo. Nếu truy cập, chủ tài khoản sẽ mất thông tin, bị chiếm đoạn tiền.
Đồng thời, các ngân hàng phải gửi tin nhắn SMS cảnh báo đến tất cả các khách hàng mà các nhà mạng lại tính phí khi đó ngân hàng lại phải chịu chi phí tăng thêm mà không thu lại được tiền từ khách hàng. Như vậy càng tạo ra gánh nặng cho các ngân hàng,…
Phản hồi thông tin từ các ngân hàng, đại diện của ba nhà mạng lớn cho rằng, việc áp dụng mức phí 700-800 đồng/tin nhắn cao hơn mức phí đối với cá nhân là do các nhà mạng phải đầu tư trang thiết bị và công nghệ, với kinh phí lớn để tăng độ bảo mật, tốc độ,… nên giá thành của tin nhắn phải cao hơn so với cá nhân sử dụng cùng loại dịch vụ.
Riêng về tin nhắn giả mạo, đây không phải do lỗi của các nhà mạng mà do thiết bị (điện thoại) của cá nhân khi kết nối với các thiết bị thu (BTS) của Hacker sẽ bị các Hacker lấy cắp thông tin. Nguyên nhân là các điện thoại tại Việt Nam hiện vẫn chấp nhận giao thức công nghệ mạng 1G, 2G,… có độ bảo mật thấp nên dễ bị lấy cắp thông tin.
Để ngăn chặn triệt để được tình trạng tin nhắn lừa đảo SMS brandname, nhà mạng viễn thông cho rằng "chỉ khi nào loại bỏ điện thoại sử dụng sóng 2G thì tình trạng lừa đảo này mới có thể chấm dứt".