Ngân hàng khó xoay xở với quy định cung cấp thông tin tài khoản
Nhiều doanh nghiệp lo ngại các quy định mới về thuế theo Nghị định 126/2020, bao gồm việc phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12 được Chính phủ ban hành mới đây nhận được nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan hôm nay (24/11), ông Lê Hoàng Tùng, Kế toán trưởng Vietcombank, cho biết Nghị định 126 mới ban hành có nhiều điểm liên quan tới hoạt động ngân hàng thương mại nhưng còn một số vướng mắc.
Cụ thể, Nghị định 126 quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Thời hạn cung cấp lần đầu tiên là 90 ngày kể từ khi nghị định có hiệu lực và thời gian cung cấp các kỳ tiếp theo là 10 ngày đầu mỗi tháng.
Khó phân biệt các nguồn thu nhập của người nộp thuế
Tuy nhiên, theo ông Tùng, đặc thù của các ngân hàng thương mại là khối lượng khách hàng, số lượng tài khoản rất lớn. Riêng tại Vietcombank hiện quản lý trên 8 triệu tài khoản của khách hàng cả nước. Trong khi đó, quy định trên không có hướng dẫn cụ thể về cách thức cung cấp thông tin, đầu mối cung cấp thông tin để thực hiện.
Cũng tại nghị định mới, ngân hàng thương mại được yêu cầu có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn với các giao dịch điện tử, phát sinh của người nộp thuế liên quan các nhà cung cấp ở nước ngoài như Facebook, Google, YouTube…
Tuy nhiên, bản chất của các ngân hàng và trung gian thanh toán chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán nên thực tế cũng thiếu thông tin để xác định rằng khoản tiền nào là liên quan tới thu nhập của người nộp thuế phải xác định nghĩa vụ thuế. Điều này dẫn tới việc ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện quy định của Nghị định 126.
Không chỉ gặp khó trong việc phối hợp với cơ quan thuế để quản lý thuế, ngân hàng hiện nay cũng gặp vướng mắc về nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân liên quan chuyển quyền sở hữu bất động sản khi xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng cá nhân.
Theo quy định của pháp luật về thuế, chủ sở hữu bất động sản là tài sản đảm bảo bị ngân hàng xử lý thu hồi nợ xấu cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời thực hiện nghĩa vụ nợ với ngân hàng. Điều này cũng dẫn tới tình trạng xử lý nợ theo Nghị quyết 42 chưa đạt hiệu quả như mong muốn khi hầu hết khách hàng đã phải xử lý tài sản đảm bảo thì cũng không còn nguồn tài chính khác để thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông Tùng đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có hướng dẫn cụ thể cũng như cơ chế đặc thù với ngành ngân hàng để vừa thực hiện tốt việc quản lý thuế vừa đảm bảo hoạt động ngân hàng hiệu quả.
Doanh nghiệp nhỏ khó tính thuế thu nhập tạm nộp
Chia sẻ về việc tính thuế thu nhập tạm nộp theo quy định mới, bà Nguyễn Thị Thi, Kế toán trưởng Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc, cho biết doanh nghiệp sẽ gặp khó với quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 3 quý đầu năm phải cao hơn 75% số thuế thu nhập phải nộp cả năm tại Nghị định 126.
Cụ thể, bà Thi cho rằng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể quyết toán thuế theo quý, đặc biệt với những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hoặc phụ thuộc thị trường nước ngoài.
“Như doanh nghiệp chúng tôi chưa thể làm quyết toán theo quý nên rất khó để tạm tính thuế thu nhập nộp trong 3 quý đầu năm. Thị trường xuất khẩu cũng bấp bênh, không biết lãi lỗ hàng tháng ra sao nên đều phải đợi đến cuối năm mới có thể quyết toán”, bà Thi chia sẻ.
Kế toán trưởng Công ty May Hà Bắc cho rằng với những doanh nghiệp nhỏ, thị trường thiếu ổn định nên duy trì cơ chế quyết toán thuế như hiện nay, tức là nộp trước 80% số thuế phải nộp cả năm khi kết thúc quý IV.
Bà Thi cũng nói thêm trước đây, cơ quan thuế từng áp dụng theo cơ chế tương tự như quy định mới nhưng nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện quyết toán quý nên phải duy trì chế độ tạm tính như hiện nay. Vì vậy, bà Thi cho rằng thời gian tới khi áp dụng triển khai quy định mới, cơ quan thuế sẽ phải có biện pháp phù hợp với những doanh nghiệp của bà.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn T.T (đề nghị giấu tên), chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hà Nội, cho biết doanh nghiệp không phát sinh doanh thu đều đặn hàng tháng nên khó có thể làm quyết toán thuế theo quý.
Quy định mới yêu cầu 3 quý đầu năm phải nộp tối thiểu 75% tổng thuế thu nhập trong năm nhưng hoạt động kinh doanh chỉ phát sinh doanh thu vào cuối năm khiến việc hạch toán số thuế tạm nộp rất khó. “Như doanh nghiệp của tôi là không thể thực hiện được”, ông T khẳng định.
“Năm nay, do dịch bệnh, hai quý đầu năm doanh nghiệp chúng tôi phát sinh doanh thu rất nhỏ và chỉ mới ghi nhận doanh thu trở lại từ tháng 8. Cũng may quy định trên chưa áp dụng ngay cho kỳ tính thuế 2020, nếu không doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị phạt tiền chậm nộp”, ông T nói.
Tuy vậy, vị chủ doanh nghiệp vẫn lo ngại từ năm 2021 khi cơ quan thuế áp dụng cách tính mới theo Nghị định 126, doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng yêu cầu của cơ quan thuế và đối mặt nguy cơ bị phạt tiền chậm nộp dù không cố ý.