Ngân hàng chạy đua hạ lãi suất cho vay
Sau các yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhiều gói lãi suất vay ưu đãi đã được các ngân hàng cấp tập triển khai, tăng thêm cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp đã trải qua nhiều “phép thử” trong bối cảnh những thách thức từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như những tác động của nền kinh tế Việt Nam hậu Covid-19. Để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai kế hoạch kinh doanh, ngay từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi về tín dụng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, chủ động trong việc quản lý dòng tiền.
Các gói cho vay lãi suất thấp giúp doanh nghiệp giảm giá vốn, chủ động hơn về dòng tiền
Tại ABBANK, ngân hàng đang triển khai gói giải pháp “Am hiểu ngành nghề - Giải pháp ưu việt” xuyên suốt về giải pháp tài chính dựa trên am hiểu ngành nghề đã và sẽ tiếp tục được triển khai cho 8 nhóm ngành nghề được ABBANK xác định đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự ổn định an sinh xã hội.
Cụ thể, với các doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong ngành Dược & trang thiết bị y tế, ABBANK giới thiệu gói giải pháp tài chính tổng thể dựa trên đặc thù của ngành dược. Về mặt tín dụng, được cấp hạn mức tín dụng không yêu cầu tài sản bảo đảm, được tài trợ lên đến 90% giá trị hợp đồng kinh tế, tỷ lệ cho vay đối với tài sản là quyền đòi nợ lên đến 85%. Về mặt giao dịch, doanh nghiệp được hỗ trợ tới 50% phí thanh toán quốc tế, phí bảo lãnh trong nước /cam kết thu xếp tài chính cùng với ưu đãi tỷ giá.
Đối với doanh nghiệp là nhà thầu thi công xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị, cung ứng nguyên vật liệu, máy móc, trang thiết bị cho các gói thầu/dự án có sử dụng nguồn vốn Ngân sách nhà nước/vốn ODA …, ABBANK nhận tài trợ đảm bảo tối đa 100% bằng Quyền đòi nợ, tỷ lệ cho vay đối với TSBĐ khác lên đến 99% giá trị tài sản, tỷ lệ ký quỹ phát hành L/C, bảo lãnh ưu đãi, không yêu cầu ký quỹ đối với bảo lãnh bảo hành và bảo lãnh dự thầu.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi về tín dụng, các chính sách về phí dịch vụ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy giao thương cũng được ABBANK chú trọng triển khai cho năm 2024. Có thể kể tới chương trình đồng hành về phí xuyên suốt năm 2024 “Tài khoản 0 phí – Giao dịch như ý” được các doanh nghiệp đón nhận tích cực. Theo đó, các doanh nghiệp khi lựa chọn giao dịch tại ABBANK được miễn/ giảm các loại phí giao dịch tài khoản như: Phí chuyển tiền Internet Banking, phí thanh toán thuế điện tử/ thuế Hải quan 24/7, phí duy trì/ quản lý tài khoản, phí chi trả lương qua tài khoản tại ABBANK, Phí phát hành thẻ doanh nghiệp, Tài khoản số đẹp, phí cam kết cấp tín dụng, phí SMS Banking... Các đầu phí ưu đãi được áp dụng theo từng nhóm doanh nghiệp SME được phân loại thông qua mức độ giao dịch thường xuyên hoặc số dư bình quân tài khoản.
Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBANK cho biết: “Khi sản phẩm tài chính của các ngân hàng đã phát triển ở mức gần như tương đồng thì sự am hiểu sâu sắc của ngân hàng về ngành nghề và đặc thù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chính là sự khác biệt để doanh nghiệp lựa chọn gắn bó. Do vậy, ABBANK chọn cách thức tiếp cận theo chiều sâu thay vì chỉ hướng đến mở rộng quy mô tiếp cận các doanh nghiệp.”
Mới đây, ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi xuống chỉ còn từ 5,79%/năm.
Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, lãi suất vay được điều chỉnh giảm chỉ từ 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung dài hạn. Đồng thời, với gói vay ưu đãi mua nhà, khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi giải ngân tới 90% giá trị bất động sản mua, thời gian vay lên tới 25 năm, thời gian ưu đãi lãi suất và ân hạn gốc kéo dài tới 24 tháng. Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng có thể được giảm thêm tối đa 1%/năm.
Ngoài ra, SHB cũng bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng vào gói vay dành cho khách hàng lên 23.000 tỷ đồng. Đây là gói tín dụng nằm trong chương trình “Vay ưu đãi – Rồng phát tài” đã được SHB triển khai từ cuối tháng 01/2024 với tổng ngân sách ban đầu là 18.000 tỷ đồng nhằm giúp người dân bổ sung vốn dự trữ hàng hóa, sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường cũng như chuẩn bị tiền để mua sắm, thanh toán, chi tiêu….
Với khách hàng doanh nghiệp, SHB triển khai chương trình tín dụng với quy mô 10.000 tỷ đồng cho khách hàng sản xuất kinh doanh với lãi suất giảm chỉ còn từ 5,8%/năm và gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi cũng chỉ từ 6,5%/năm.
Những mức lãi suất ưu đãi này này áp dụng với các khoản vay mới của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong năm 2024 và kéo dài đến hết ngày 31/12/2024.
“Với việc giảm đồng loạt lãi suất các gói vay ưu đãi cũng như bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng tín dụng cho khách hàng cá nhân trong giai đoạn này, SHB kỳ vọng khách hàng sẽ tiếp tục được tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ, thủ tục đơn giản để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay”, đại diện SHB nhấn mạnh.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 13,8 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Nếu không cho vay được, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Vì thế, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, động lực cạnh tranh của các ngân hàng càng nhiều hơn. Để kích cầu cho vay, thời gian gần đây, cùng với việc công khai thông tin lãi vay bình quân, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói vay ưu đãi.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát định hướng chỉ đạo, điều hành với ngành Ngân hàng năm nay bằng ba cụm từ: "5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc, bứt phá", trong đó có mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đồng thời yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.