Ngăn dịch sốt xuất huyết từ tuyến dưới

Tháng 7 được xem là thời điểm khởi phát dịch sốt xuất huyết (SXH) khi những đợt mưa xuất hiện nhiều hơn. Cùng với việc điều trị ca bệnh, các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Điều trị bệnh nhân SXH tại TTYT Quảng Điền

Chị Văn T.L. (27 tuổi, ở Quảng Điền) sau khi mệt, sốt..., vội từ tỉnh Pakse (Lào) về Trung tâm Y tế (TTYT) Quảng Điền. Nơi chị làm việc tại Pakse, một số người đã bị SXH, bản thân đang mang thai 22 tuần nên chị khá lo sợ. Mẹ chị L. cho hay, bà bàn bạc với con gái nên về trung tâm y tế ở quê điều trị và theo dõi cho an toàn. Sau ba ngày nhập viện, đến nay sức khỏe đã ổn định, chị L. đã ăn uống, sinh hoạt bình thường trở lại.

Cùng phòng điều trị với chị L., cháu Hoàng T.L.M., 14 tuổi ở Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền được phát hiện mắc SXH sau nhiều ngày sốt cao không thuyên giảm. Ông H.V.H., cha của cháu M. kể: “Ban đầu gia đình cứ nghĩ cháu bị viêm amidan, sau khi xét nghiệm mới xác định bị SXH. Khu vực nơi tui ở trước đó đã xuất hiện một số ca bệnh SXH”.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã cử cán bộ giám sát công tác xử lý ca bệnh sốt xuất huyết tại Vĩnh Tu, Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền. Kết quả cho thấy, chỉ số bọ gậy còn cao. Người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc diệt loăng quăng/bọ gậy, việc tự giác thau vét bọ gậy thực hiện tại hộ gia đình chưa đồng đều. Tình hình vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực các hộ buôn bán dọc hai bên đường liên xã.

Đoàn kiểm tra đề nghị triển khai các biện pháp can thiệp kịp thời và vận động cộng đồng tham gia nhằm làm giảm quần thể muỗi để phòng bệnh SXH có thể xảy ra tại địa phương. Đồng thời khuyến cáo việc thành lập tổ phòng, chống dịch SXH tại các thôn và tiến hành huy động người dân, học sinh trên địa bàn tổng vệ sinh môi trường, thau vét bọ gậy. Tuyên truyền phòng, chống SXH, hướng dẫn học sinh về thau vét, diệt bọ gậy/loăng quăng, lật úp các vật chứa nước để giảm các nguy cơ lây lan dịch bệnh và nhằm kiểm soát bệnh sốt xuất huyết hiệu quả hơn.

Hai ca bệnh đã đề cập nói trên là một trong 22 bệnh nhân bị mắc bệnh SXH được phát hiện và điều trị trên địa bàn huyện Quảng Điền từ đầu năm đến nay. Đây là những ca mắc bệnh trong chu kỳ tháng bùng phát SXH trên địa bàn tỉnh.

BSCKI. Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc TTYT huyện Quảng Điền nhận xét: “Theo đánh giá chung, phần lớn các bệnh nhân được điều trị hiệu quả, nhanh bình phục hơn so với năm ngoái và chưa có tình trạng chuyển tuyến, tai biến ở mặt bệnh này”.

Quảng Điền là vùng trũng, hàng năm đều có các ca bệnh SXH. Từ đầu năm, TTYT đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND huyện, các xã triển khai ký cam kết và tăng cường truyền thông dưới nhiều hình thức để người dân nâng cao nhận thức phòng, chống SXH. Mỗi năm, đơn vị này triển khai 3 đợt chiến dịch thau vét bọ gậy. Trong những tháng cao điểm, đội ngũ y tế tăng cường công tác giám sát, xử lý kịp thời ca bệnh trước 24h đồng hồ nhằm ngăn chặn, không để dịch lây lan diện rộng.

Tại TTYT Hương Thủy, 7 tháng đầu năm ghi nhận hơn 10 ca bệnh. BSCKI. Dương Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc TTYT TX. Hương Thủy cho hay hai tuần trở lại đây, dịch SXH tạm lắng. Tuy nhiên, ngành y tế huyện khẳng định phòng, chống SXH là công việc thường xuyên, nên lực lượng phụ trách lĩnh vực này tổ chức tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức. Đây mới là giải pháp căn cơ góp phần chặn dịch từ cơ sở.

Báo cáo Sở Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 120 ca SXH; trong đó, TP. Huế có hơn 40 ca, huyện Quảng Điền gần 30 ca, huyện Phú Vang 21 ca và huyện Phú Lộc 15 ca… Ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai chặt chẽ việc giám sát bệnh nhân; hướng dẫn các hoạt động phòng, chống dịch trong cộng đồng.

Theo chu kỳ hàng năm, SXH sẽ gia tăng vào tháng 7, nhất là vào thời điểm có nhiều mưa, tạo thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Dự báo trong thời gian đến, số ca mắc SXH toàn tỉnh sẽ có xu hướng gia tăng do bắt đầu vào cao điểm mùa dịch; nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Hiện, nhiều nơi còn xả rác thải chưa đúng nơi quy định, phế liệu đọng nước chưa được thu gom… Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể chứa, xô chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng và bọ gậy phát triển.

BS. Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng CDC tỉnh cho biết, đơn vị đã tổ chức chiến dịch thau vét loăng quăng, bọ gậy; vệ sinh môi trường ngay từ đầu năm. 99 máy phun hóa chất tại 9 TTYT cũng được sửa chữa phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Tại nơi phát hiện các ca bệnh, lực lượng y tế đều có mặt xử lý môi trường triệt để. CDC đã tổ chức các đoàn kiểm tra về cơ sở rà soát, kiện toàn, củng cố các đội chống dịch cơ động; cấp phát tài liệu tuyên truyền tại hộ gia đình, phát thanh tuyên truyền trên đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn, đồng thời phát loa di động tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến từng thôn, xóm.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cảnh báo: Những năm gần đây, SXH không còn quy luật cứ 4-5 năm lại xuất hiện một đợt đỉnh dịch. Thay vào đó, dịch căng thẳng hàng năm do thời tiết có mưa - nắng thất thường. Đặc biệt, năm 2023, hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến SXH sẽ gia tăng.

Bài, ảnh: LINH TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/ngan-dich-sot-xuat-huyet-tu-tuyen-duoi-130449.html