Ngăn chặn tác hại của thuốc lá đối với trẻ em

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và việc sử dụng các sản phẩm này khá phổ biến ở nhiều lứa tuổi. Tỷ lệ sử dụng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tổ chức mít tinh Hưởng ứng Ngày thế giới không hút thuốc lá 31/5/2024 và Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá 25/5 - 31/5/2024.

Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tổ chức mít tinh Hưởng ứng Ngày thế giới không hút thuốc lá 31/5/2024 và Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá 25/5 - 31/5/2024.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên toàn cầu ước tính có khoảng 19 triệu thanh, thiếu niên từ 13 - 15 tuổi đang hút thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao. Điều đáng lo ngại là có đến 15% cho rằng hút thuốc lá là hành vi bình thường, không có gì đáng phê phán.

Tại Việt Nam, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13 - 15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa, hiện nay trên thế giới đã xuất hiện công nghệ hybrid là công nghệ lai giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Công nghệ này làm nóng dung dịch điện tử để tạo ra hóa hơi đi qua ngăn/ống đựng thuốc lá tạo ra hương vị thuốc lá đích thực, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá. Do đó, rất khó để xác định và liệt kê đầy đủ các dạng sản phẩm thuốc lá mới trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử rất phong phú và đa dạng, các sản phẩm này được thiết kế rất bắt mắt với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau như hình thỏi son, hình cây bút, hình cái kem, hình bật lửa... nên không thể biết người dùng dùng thuốc lá điện tử phối trộn với ma túy hay không.

Nói về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là đối với trẻ em, Th.s Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, cho biết: “Thuốc lá rất dễ nghiện nhưng đã nghiện lại rất khó bỏ. Các em học sinh cũng chưa hình dung hết khi đã nghiện thuốc lá không những phải mang theo suốt đời gánh nặng bệnh tật mà còn mang theo suốt đời gánh nặng kinh tế”.

“Tác hại của việc hút thuốc lá đến sức khỏe đã được biết đến từ nhiều thập kỷ trước. Ít nhất có khoảng 40 loại bệnh đã được khẳng định có liên quan với việc hút thuốc. Đặc biệt đối với đường hô hấp, bao gồm các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp dưới như: Viêm phế quản, viêm phổi...; bệnh hen phế quản; viêm tai giữa cấp và mãn tính có thể gây điếc cho trẻ dẫn đến giảm khả năng học tập; các bệnh đường hô hấp khác như viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng...; thuốc lá cũng là nguyên nhân gây tăng nhịp tim, làm tăng nguy cơ đột quỵ về sau; bệnh đường tiêu hóa như gây viêm ruột, viêm dạ dày, viêm đại tràng; đối với hệ thần kinh, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, những trẻ sống trong môi trường bị ô nhiễm khói thuốc có thể bị tổn hại tới hệ thần kinh, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển, kỹ năng lập luận và nhận thức của trẻ”, Th.s Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm.

Để bảo vệ học sinh khỏi thuốc lá, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn đẩy mạnh công tác giáo dục về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường các biện pháp giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá cho học sinh. Sở đã đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng của các đơn vị. Đồng thời, phối hợp với ngành y tế tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tác hại thuốc lá trong trường phổ thông và các cơ sở giáo dục thường xuyên...

Thầy giáo Bùi Xuân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Thành Tiến (Thạch Thành), cho biết: Nhà trường đã xây dựng nội quy trường học trong đó có nội dung nghiêm cấm hút thuốc lá, uống rượu bia trong trường học. Đây cũng là tiêu chí đánh giá xếp loại đối với cán bộ, giáo viên vào cuối năm học. Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh, nhà trường cũng phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, trong đó có nội dung về tác hại của thuốc lá, đồng thời, lồng ghép trong các môn học như: Giáo dục công dân, Sinh học, hoạt động trải nghiệm... tạo ra nhiều sân chơi để các em tránh xa thuốc lá.

Để nâng cao chất lượng sống, giảm gánh nặng bệnh tật và kinh tế do thuốc lá gây ra, mỗi người dân cần tự giác thực hiện không hút thuốc trong nhà, nơi làm việc và ở những nơi công cộng bị cấm hút thuốc lá; không hút thuốc lá nơi có trẻ em và người già; nhắc nhở người khác khi hút thuốc ở nơi công cộng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu cho những người đang hút thuốc lá, đặc biệt là các bố mẹ trẻ hút thuốc các dịch vụ tư vấn, cai nghiện thuốc lá...

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ngan-chan-tac-hai-cua-thuoc-la-doi-voi-tre-em-220222.htm