Nghề gốm ở Hương Canh hình thành hơn 300 năm trước, nổi tiếng với các sản phẩm chum, vại, ấm, chén,... Khắp làng Hương Canh, lớp lớp nghệ nhân đã khéo léo trang trí những bức tường bằng các sản phẩm gốm của làng để quảng bá, giữ "hồn" cho nghề của làng.
Gốm Hương Canh được làm từ đất sét xanh, khai thác tại địa phương, nung nhiệt độ cao được gọi là gốm sành. Gốm sành Hương Canh không dùng men nhưng vẫn đạt được độ sáng bóng.
Năm nay, nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang, 43 tuổi, đang trưng bày tại xưởng 3 sản phẩm tạo hình rồng mang tên "Đứa con của rồng", "Trứng rồng" và "Long mã". Các tác phẩm này được lấy cảm hứng từ rồng thời cổ xưa, chế tác theo phong cách đương đại.
Chiếc bình đựng hoa được tạo hình rồng thời Lý.
Theo anh Quang, gốm Hương Canh không dùng men nhưng nhờ chất đất sét xanh và đất sét nâu ở địa phương nên sản phẩm vẫn có các màu sắc khác nhau, bóng như men.
Gốm được nung với lửa ở nhiệt độ hơn 1200 độ C nên sản phẩm bền chắc, gõ vào còn vang tiếng lanh canh.
Ngoài các sản phẩm tạo hình rồng, gốm sành Hương Canh còn chuyên các sản phẩm đặc trung của làng như chum, vại, bình hoa, đồ trang trí...
Nghệ nhân Nguyễn Giang Anh, 47 tuổi, cho biết, hoa văn trên sản phẩm được phối từ mảng đất có màu sắc khác nhau.
Hầu hết các sản phẩm đều nhào nặn trên bàn xoay thủ công...
Các hộ làm gốm ở đây mang sản phẩm đi trưng bày tại các hội chợ, cửa hàng gốm khắp cả nước, bán buôn cho các cửa hàng gốm. Tuy nhiên, nghề gốm tại đây cũng đang dần mai một. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch thị trấn Hương Canh, cả làng hiện chỉ còn 7 hộ gia đình còn duy trì nghề gốm. Nguyên nhân vì không có quy hoạch làng nghề tập trung, nguồn đất ruộng để tạo ra sản phẩm bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa của địa phương, người trẻ cũng không mặn mà với nghề vì vất vả và thu nhập bấp bênh.
Thành Đạt