Nga - Mỹ tiếp tục căng thẳng về 'hạn ngạch' số nhân viên ngoại giao
Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Matxcơva có thể bị 'tê liệt' trong năm 2022 vì không đủ nhân viên ngoại giao để thực hiện các chức năng thông thường. Tình trạng này diễn ra khi căng thẳng giữa Nga và Mỹ về mặt hạn chế số người làm việc ở đại sứ quán vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang.
“Chúng tôi sẽ đối mặt với tình huống khó khăn không phải tháng sau, mà là vào năm sau, khi chúng tôi khó có thể tiếp tục làm gì khác ngoài trông nom đại sứ quán”, một quan chức Mỹ cho biết. Cụ thể, Đại sứ quán Mỹ đang thiếu nhân viên cho các công việc cơ bản như đóng, mở cổng đại sứ quán, bảo đảm an ninh cho các cuộc điện thoại và vận hành thang máy. Hệ quả là từ đầu tháng 10, Mỹ đã phải dừng xử lý hồ sơ xin thị thực tại Matxcơva khiến những công dân Nga có nhu cầu phải sang Đại sứ quán Mỹ tại Ba Lan nộp hồ sơ.
Trước đó, ngày 1-8, Nga đã cấm Đại sứ quán các nước tại Matxcơva thuê người Nga hoặc người nước thứ ba, buộc Mỹ phải cho nghỉ hơn 200 nhân viên địa phương tại các cơ quan đại diện của Washington trên lãnh thổ Nga. Mỹ cáo buộc Nga không tôn trọng nguyên tắc có đi có lại trong ngoại giao khi tính cả số nhân viên địa phương vào danh sách các nhà ngoại giao Mỹ, trong khi Washington chỉ tính số công dân Nga trong danh sách hạn chế. Hiện Mỹ có khoảng 120 nhân viên ngoại giao tại các cơ quan đại diện ở Nga, giảm mạnh so với con số 1.200 người vào năm 2017. Trong khi đó, Nga có khoảng 230 người tại Mỹ, không bao gồm phái bộ Nga tại Liên hợp quốc ở New York.
Hôm 5-10, 7 thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi một bức thư cho Tổng thống Joe Biden thúc giục ông đe dọa trục xuất 300 nhà ngoại giao Nga nhằm gây áp lực buộc Matxcơva cho phép tăng thêm các nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Nga. Trong thư, các nhà lập pháp cho rằng có sự “không cân xứng về đại diện ngoại giao” giữa Mỹ và Nga. Các thượng nghị sĩ Mỹ chỉ ra rằng, Nga đưa ra chính sách mới cấm công dân Nga làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva vô hình trung “gây nguy hiểm” cho hoạt động của đại sứ quán và làm suy yếu khả năng của đại sứ trong việc bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Matxcơva. Như đề xuất của nhóm thượng nghị sĩ Mỹ này, Nga phải cấp 300 thị thực cho các nhà ngoại giao Mỹ hoặc Mỹ sẽ yêu cầu 300 nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước họ.
Được biết, chính phủ Mỹ cũng đã hạn chế bớt sự hiện diện ngoại giao của Nga tại nước này. Vào đầu tháng 8-2021, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho hay, khoảng 130 nhân viên ngoại giao Nga và các thành viên gia đình của họ đều không được gia hạn khi thị thực đã hết hạn. Hầu hết họ phải rời đi mà không có người thay thế vì Washington đã thắt chặt đột ngột các thủ tục cấp thị thực.
Quan hệ giữa Nga và Mỹ leo thang căng thẳng gần đây do hàng loạt vấn đề như đường ống khí đốt gây tranh cãi Nord Stream 2. Hai bên đã trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao của nhau sau khi Mỹ cáo buộc Nga tấn công mạng và can thiệp vào bầu cử - cáo buộc mà Matxcơva nhiều lần bác bỏ. Đỉnh điểm căng thẳng hồi tháng 4-2021, hai bên rút đại sứ về nước sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden trừng phạt Matxcơva và trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga. Đại sứ 2 nước đã trở lại vào tháng 6-2021 nhưng tranh cãi về số lượng nhân viên ngoại giao 2 bên vẫn chưa có tiến triển. Cùng ngày 27-10, Phó đại diện thường trực của Nga tại Geneva - Thụy Sĩ Andrey Belousov cho biết, Nga và Mỹ hiểu rằng cần phải có một vòng tham vấn mới về ổn định chiến lược để các quan điểm của hai nước xích lại gần nhau.