Nga đang hồi sinh chương trình tiêm kích MiG-35?
Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn Máy bay Thống nhất Nga (UAC) được cho là đang tái đầu tư vào chương trình tiêm kích MiG-35, vốn bị đình trệ từ năm 2019.
Trong năm 2019, Không quân Vũ trụ Nga đã tiếp nhận 6 chiếc MiG-35, nhưng các hợp đồng đặt mua hàng chục chiếc khác như từng công bố sau đó đã không trở thành hiện thực. MiG-35 vốn được phát triển từ mẫu MiG-29 – loại tiêm kích hạng nhẹ được thiết kế song song với Su-27 và đưa vào biên chế từ năm 1982.

Tiêm kích Su-27 và MiG-29. (Nguồn: MW)
Phiên bản MiG-35 hiện nay chủ yếu dựa trên nền tảng MiG-29M, một biến thể hiện đại hóa sâu đã bắt đầu được sản xuất từ năm 2015.
Trong khi Bộ Quốc phòng Nga thể hiện sự quan tâm hạn chế đến cả MiG-35 và MiG-29M, dòng máy bay chủ yếu dành cho xuất khẩu và đã được bán cho Ai Cập cùng Algeria với tổng cộng 60 chiếc, lý do chính là hiệu quả chi phí không cao so với các biến thể hiện đại hơn và lớn hơn của Su-27 như Su-30, Su-34 và Su-35.
Những mẫu Su này sở hữu radar có kích thước gấp đôi, tầm chiến đấu xa gấp đôi và khả năng mang vũ khí vượt trội, các yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát không phận rộng lớn của Nga.
Tuy nhiên, hai yếu tố mới đang khiến Moscow cân nhắc lại hướng đi của MiG-35.
Chiến sự và áp lực quân sự thúc đẩy sản xuất
Thứ nhất là tác động từ chiến sự tại Ukraine và căng thẳng leo thang với NATO, đặc biệt khi các nước thành viên khối này mở rộng hoạt động quân sự gần biên giới Nga.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cường lực lượng, Nga đã mở rộng sản xuất các tiêm kích Su-34, Su-35 và Su-57. Trong bối cảnh nhà máy sản xuất Sokol,nơi chế tạo MiG-29M và MiG-35, hiện chưa đóng góp nhiều cho năng lực quân sự, việc khôi phục sản xuất MiG-35 có thể là giải pháp nhanh chóng để bổ sung phi đội.
Với công suất ước tính 14 chiếc mỗi năm, nhà máy có thể trang bị cho một trung đoàn mới sau mỗi 21 tháng. Nếu các máy bay này được triển khai trên chiến sự Ukraine và thể hiện hiệu quả, điều đó có thể tạo ra động lực thúc đẩy xuất khẩu và sự quan tâm từ các khách hàng nước ngoài.
Cơ hội từ các đối tác chiến lược và thị trường quốc tế
Một yếu tố khác thúc đẩy khả năng khôi phục chương trình là mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Triều Tiên. Do Trung Quốc tránh vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc, Nga hiện gần như là quốc gia duy nhất có thể cung cấp tiêm kích hiện đại cho Bình Nhưỡng.
Với chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn nhiều so với MiG-29 cũ thời Liên Xô, đồng thời có nền tảng hậu cần tương thích, MiG-35 được xem là lựa chọn phù hợp để hiện đại hóa lực lượng không quân Triều Tiên. Dù Bình Nhưỡng có thể quan tâm đến dòng Su-57 thế hệ thứ năm, nhưng MiG-35 có lợi thế là sẵn sàng được chuyển giao sớm hơn và dễ mua với số lượng lớn hơn.
Bên cạnh đó, MiG-35 cũng có thể là lựa chọn phù hợp cho Belarus, quốc gia đang cần thay thế phi đội MiG-29 cũ đã hết hạn sử dụng.
Ấn Độ, quốc gia đang đối mặt với thách thức từ tiêm kích J-10C tiên tiến của Pakistan, cũng được đánh giá là một khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, các quốc gia từng mua MiG-29 như Sudan hay Yemen, hiện là đối tác chiến lược mới nổi của Nga, cũng có thể được xem xét trong chiến lược tiếp thị máy bay.
Sức hấp dẫn của MiG-35 còn được tăng cường bởi việc tích hợp các công nghệ hiện đại như radar mảng pha điện tử chủ động (AESA), tên lửa hành trình, tên lửa không đối không thế hệ mới và hệ thống ngắm bắn tích hợp trên mũ phi công, nhiều trong số đó được phát triển từ công nghệ của Su-57M1.
Mặc dù chương trình MiG-35 từng bị đình trệ trong thời gian dài, hoàn cảnh chiến sự cùng những thay đổi trong môi trường địa chính trị có thể tạo cơ hội để khôi phục dây chuyền sản xuất. Kể từ sau khi hoàn thành đơn hàng MiG-29M cho Algeria vào năm 2020, dây chuyền sản xuất tại Sokol gần như không hoạt động. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang mở ra khả năng hoạt động trở lại với tần suất cao hơn trong thời gian tới.
Dù sản lượng MiG-35 được dự báo sẽ vẫn thấp hơn đáng kể so với các dòng tiêm kích như J-10C của Trung Quốc, nhưng chương trình này có tiềm năng đạt được số lượng vượt trội so với những phiên bản MiG-29M hay MiG-29K trước đây.