Nét hấp dẫn riêng của đội bóng đá nữ trên đỉnh Pò Hèn

4 năm qua, mỗi khi diễn ra trận thi đấu bóng đá nữ dân tộc trên đỉnh Pò Hèn, giữa dân tộc Sán Chỉ và dân tộc Dao Thanh Y vào các dịp lễ hội tại xã biên giới Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh lại thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới xem, bởi sự độc đáo và sức hấp dẫn riêng biệt.

 Tình yêu thể thao của những cô gái vấn khăn, mặc váy đá bóng ở xã Hải Sơn thu hút nhiều du khách đến xem

Tình yêu thể thao của những cô gái vấn khăn, mặc váy đá bóng ở xã Hải Sơn thu hút nhiều du khách đến xem

Thu hút phụ nữ vào Hội theo nét văn hóa riêng

Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm thành phố Móng Cái 34km về phía Tây Bắc có nhiều lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cùng sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Sơn, cho biết: Xã Hải Sơn có 281 hội viên, tỉ lệ hội viên đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Chị em chủ yếu đi làm nương rẫy cả ngày. Hội LHPN xã tổ chức thu hút chị em vào phong trào Hội theo nét văn hóa riêng của địa phương. Vì vậy, chúng tôi thành lập các mô hình đội bóng đá nữ, đội đánh quay và câu lạc bộ liên thế hệ. Mỗi mô hình, câu lạc bộ có từ 20 đến 30 hội viên tham gia.

"Từ phong trào, mô hình này, chúng tôi bình chọn được gia đình tiêu biểu của xã, của thôn để động viên tinh thần hội viên mỗi năm, giúp các chị em tự tin giao tiếp, nâng cao nhận thức, tích cực tham gia phong trào Hội" - chị Nguyễn Thị Thùy Dương khẳng định.

Cáccô gái vấn khăn, mặc váy đá bóng

Từ khi thành lập các mô hình, nhất là đội bóng đá nữ luyện tập, thi dấu giao hữu ngày càng sôi nổi, đã tạo nên nét văn hóa đặc biệt tại địa phương. Mỗi trận thi đấu bóng đá theo thể thức sân có 7 người, mỗi trận đấu kéo dài 30 phút. Không có số áo trên lưng, trang phục dân tộc truyền thống của người Sán Chỉ ở xã Hải Sơn là áo màu xanh da trời (xanh dương) cùng váy đen xòe, tóc vấn khăn xanh có đính thêm dải len hồng.

Bên cạnh đó, với sự tinh tế trong cách ăn mặc, cách bài trí trang phục và sự sáng tạo trong việc thêu thùa các họa tiết nên phụ nữ Dao Thanh Y ở xã Hải Sơn luôn rực rỡ giữa không gian của núi rừng Pò Hèn. Các cô gái bước vào trận thi đấu với tinh thần quyết tâm cao độ giành phần thắng cho đội nhà.

Tình yêu thể thao của những cô gái vấn khăn, mặc váy đá bóng ở xã Hải Sơn thu hút nhiều du khách đến xem

Khi bước vào trận đấu, các cô gái diện trên người bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình với tinh thần thi đấu vô cùng quyết liệt và kịch tính. Nhiều kỹ thuật điêu luyện được các cầu thủ thể hiện cùng những pha rê, dắt bóng như các cầu thủ chuyên nghiệp của những cô gái dân tộc thực sự khiến người xem vô cùng thích thú. Tuy trang phục truyền thống có phần vướng víu, nhưng các cô gái vẫn rất nhanh nhẹn và dũng mãnh trong những pha tranh bóng, vô cùng lôi cuốn khán giả cổ vũ nồng nhiệt cho các cô gái.

Trận thi đấu bóng đá nữ của các cô gái dân tộc Sán Chỉ và Dao Thanh Y không chỉ đem đến cho nhân dân và du khách những trải nghiệm đặc sắc trong phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống nơi đây mà còn là hoạt động sáng tạo trong việc gìn giữ văn hóa, thể thao của địa phương. Du khách không chỉ thấy được vẻ đẹp duyên dáng của những thiếu nữ miền sơn cước xã Hải Sơn mà còn được chiêm ngưỡng cá tính mạnh mẽ và tình yêu thể thao của những cô gái vấn khăn, mặc váy đá bóng.

Chồng đi cổ vũ, động viên vợ nhiệt tình mỗi dịp thi đấu

"Từ hiệu quả của các mô hình, chúng tôi vận động được người chồng đi cổ vũ, động viên vợ mỗi dịp thi đấu tại địa phương. Nhiều ông chồng trước đây rất bảo thủ, nay nhiệt tình dạy vợ đánh quay, đá bóng phải sút thế này, phải chạy ra sao cho bền sức, phải bắt bóng như thế nào cho chắc, giúp đội của vợ không bị thủng lưới… Từ đó, giảm thiểu được tình trạng bạo lực gia đình, tạo không gian văn hóa gia đình thêm lành mạnh, bổ ích" - Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Sơn vui vẻ nói.

Đại úy Nguyễn Việt Thắng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Pò Hèn, cho biết thêm: Với hơn 90% người dân địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí còn hạn chế, ngoài việc động viên, khích lệ người dân bảo tồn văn hóa dân tộc địa phương, đây cũng là điểm nhấn mang phong cách rất riêng mỗi khi du khách đến thăm quan khu du lịch tâm linh lịch sử Pò Hèn.

Du khách có thể kết hợp thưởng thức các lễ hội dân gian, nhất là xem các trận bóng đá, đánh quay đầy kịch tính, hấp dẫn do phụ nữ dân tộc trên địa bàn biên giới thi đấu. Điều này tạo đà khích lệ tinh thần và các dịch vụ thương mại nhỏ lẻ, phần nào giúp bà con vừa có cơ hội mở rộng giao lưu với du khách, vừa góp phần xây dựng kinh tế, xã hội ở địa bàn biên giới Pò Hèn".

Bảo Vy, Ảnh: TPMC, PNHS

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/net-hap-dan-rieng-biet-cua-doi-bong-da-nu-tren-dinh-po-hen-20250522170554834.htm