Nếp nhà - sợi dây gắn kết linh thiêng các thế hệ ở nhà sàn cổ 9 gian
Đến tham quan Điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian tại xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An), chúng tôi ấn tượng với kiến trúc nhà sàn độc đáo phản ánh tri thức, kinh nghiệm dân gian của người Tày trong việc chọn vị trí, vật liệu hòa hợp với thiên nhiên và ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Đặc biệt nhất là những giá trị gia đình cao đẹp của 'nếp nhà' được 6 thế hệ gia tộc họ Nông gìn giữ, phát huy dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn bền bỉ như những mạch nguồn, khẳng định giá trị truyền thống gia đình, vừa nhắc nhở các thế hệ con cháu hôm nay biết hướng về nguồn cội, tiếp nối dòng chảy văn hóa, viết tiếp tương lai.
Vừa bước những bậc thang đầu tiên để lên nhà sàn, cháu trai mới hơn 4 tuổi của ông Nông Hải Dương, chủ sở hữu và là đời thứ 4 trong gia tộc họ Nông của ngôi nhà sàn cổ 9 gian đang đi xe đạp đồ chơi ở hiên nhà vừa cất tiếng chào vừa dừng xe chạy vào nhà cất tiếng gọi líu lo “Ông nội ơi nhà có khách ạ”. Khi chúng tôi bước lên sàn trước hiên nhà thì ông Dương hồ hởi bước ra mời chúng tôi vào nhà. Chúng tôi xin phép ông được tham quan toàn bộ ngôi nhà sàn cổ có kiến trúc độc đáo của gia đình, ông vui vẻ đưa chúng tôi đi tham quan. Qua 3 gian nhà chính - nhà tổ của ông Dương, chúng tôi đều nhận được sự đón tiếp của 2 gia đình cháu trai ông Dương đang sống ở 6 gian liền kề khiến chúng tôi cảm nhận sự ấm áp, thân tình,̀ những gian nhà không ngăn cách bởi các vách được nối dài tạo cảm giác khá rộng lớn bao trùm.
Trở lại phòng khách của nhà ông Dương để tiếp tục câu chuyện, trên bàn có bình trà mới pha của con dâu thứ - chị Nông Thị Thơ, chị rót nước mời chúng tôi rồi nhẹ nhàng lui xuống gian bếp phía sau nhà. Bên chén chè xanh thanh nhẹ, ông Dương không giấu được niềm tự hào khi kể về ngôi nhà sàn cổ của gia đình và cách các thế hệ trao truyền gìn giữ nếp nhà truyền thống đến nay.
Theo ông Dương, cụ tổ gia tộc là Nông Văn Sồm sinh được 3 con trai là Nông Văn Nhạy, Nông Văn Ngậy và Nông Văn Hè. Đến đời con của ông Nông Văn Nhạy là ông Nông Văn Lẹ (bố đẻ ông Nông Hải Dương) khi lập gia đình xin phép ông nội và bố xây dựng ngôi nhà sàn mới. Khởi công từ năm 1898 đến năm 1903 ngôi nhà sàn gỗ quý mới được dựng xong. Đến những năm 1930 của thế kỷ XX, thực dân Pháp áp dụng chính sách chia để trị và bè lũ tay sai đàn áp, bóc lột nhân dân với bắt phu, bắt lính, thu thuế điền…, trước cảnh loạn lạc, ông Lẹ ngỏ lời với gia đình 2 người anh em họ là con trai của ông Nông Văn Ngậy và Nông Văn Hè về dựng nhà sống gần nhau để cùng lao động sản xuất, bảo vệ nhau an toàn hơn. Vì muốn con cháu quây quần trong một nhà nên ba anh em thống nhất sẽ không dựng vách nhà ngăn cách mà để các gian nhà thông nhau. Ròng rã 4 năm trời, mấy anh em nắm cơm với muối vào rừng sâu kiếm cây gỗ to, dùng cưa tay xẻ rồi đục, đẽo để có được những cột nhà chắc chắn; mời công thợ nhờ họ hàng, làng xóm dựng nhà. Từ 3 gian ban đầu, sau bao vất vả, mồ hôi nhưng luôn tràn đầy niềm mong đợi, 6 gian nhà sàn đã được nối dài tạo nên ngôi nhà sàn 9 gian như hiện nay.
Trải qua hơn 100 năm và 6 thế hệ gia tộc, đến nay, ngôi nhà sàn có 4 thế hệ/17 nhân khẩu của 3 hộ trong nội tộc họ Nông cùng chung sống. Ông Dương là đời thứ 4, cả cuộc đời ông gắn với căn nhà sàn đến nay đã 81 năm cũng là từng ấy thời gian ông được nhìn các con, cháu sinh ra, trưởng thành trong nếp nhà sàn thân thuộc. Những chuẩn mực quy tắc đạo đức truyền thống luôn được gia đình coi trọng, đó là con cháu hiếu thảo với ông bà, vợ chồng chung thủy, anh chị em đoàn kết, trên thuận dưới. Trong đó, đạo hiếu là giá trị cao nhất thể hiện bản sắc người Tày truyền thống bao đời luôn trân trọng cội nguồn, gốc rễ của mình. Gốc rễ của gia đình nằm ở các thế hệ thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thể hiện qua lòng hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, thờ cúng tổ tiên. Những nghi lễ, tập tục của gia đình kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày được thể hiện qua cách đi đứng, ăn nói, đối nhân xử thế, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, yêu thương, tôn trọng; quan tâm, chia sẻ cùng vun đắp tổ ấm riêng và góp sức vì ngôi nhà chung của gia tộc. Dù trải qua bao thế hệ cùng chung sống, các con cháu luôn tâm niệm “Ké cón ón lăng” (già trước trẻ sau), “Lục tỉnh pỏ mẻ đảy kin/Cần tỉnh bân tỉnh đin đảy dú” (Con nghe lời bố mẹ được ăn/Người nghe lời trời nghe đất được ở).
Ông Dương chia sẻ: Không có bí quyết hay điều gì khác biệt so với các gia đình khác mà chính là sự tôn trọng những tục lệ quan hệ tôn ti trong nhà, dòng họ được các thế hệ gia tộc họ Nông trong gia đình gìn giữ, kế thừa và phát huy. Tôi luôn nhắc nhở con cháu phải dung hòa mọi việc, không được phép sao nhãng việc gia đình, bố mẹ phải là trụ cột quan tâm dạy bảo các con. Trong gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, các thành viên sẽ có những quan điểm sống và suy nghĩ khác nhau, vì vậy để chung sống hòa thuận dưới một mái nhà, vợ chồng tôi khuyên con, cháu trong cuộc sống đạo đức lúc nào cũng phải đặt lên hàng đầu. Trong gia đình con cháu phải biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, yêu thương anh chị em như chân với tay. Con cái sinh ra phải răn dạy từ nhỏ, cha mẹ phải là tấm gương cho các con noi theo. Anh em bảo ban nhau làm ăn, không được ghen ghét, đố kỵ, có như thế gia đình mới đoàn kết, êm ấm, hạnh phúc.
Trong một năm, các gia đình tuần tự tổ chức Tết Nguyên đán, Tết rằm tháng Giêng, Tết rằm tháng Bảy, Tết mừng lúa mới… Vào những dịp tết như vậy, các gia đình cùng nhau chuẩn bị mọi thứ đón tết, vừa là tổ chức đón tết đầm ấm, vừa là dạy bảo và truyền lại cho lớp trẻ những phong tục của người Tày nơi đây. Những cái tết trong năm chính là những lần các thành viên đã và đang sống trong nhà sàn cổ sum vầy, đoàn tụ và cùng nhau vun đắp để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống gia đình.
Chị La Thị Hội, con dâu ông Nông Văn Táy (bác họ ông Dương) đang sinh sống tại 3 gian phía trái ngôi nhà sàn cổ 9 gian cho biết: Trong năm, có 1 ngày lễ tổ chức chung của nội tộc họ Nông duy trì bao đời nay chính là tụ họp vào ngày tảo mộ mùng 3/3 âm lịch. Để chuẩn bị cho phần cúng tại mộ và cúng gia tiên tại nhà, cả 3 gia đình họp cùng nhau chuẩn bị xôi, gà, thịt lợn, cá, bánh kẹo… Đến ngày lễ, từ sáng sớm các con cháu dù đi làm ăn xa cũng trở về cùng nhau lên mộ thắp hương xin phép thần thổ địa phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ, bày cỗ, dâng hương, dâng rượu khấn mời tổ tiên, sau đó hạ lễ mang về chung vui cùng nhau tại nhà sàn cổ. Mỗi dịp như vậy đại gia đình rất nhộn nhịp bởi có đến hơn 100 con, cháu quây quần bên 10 - 12 mâm cơm, đây là ngày giỗ tổ chung để con cháu có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp ơn sinh thành và giáo dục con cháu gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống gia đình và dân tộc Tày.
Một thoáng ấm chè xanh đã cạn, nhưng câu chuyện về ngôi nhà sàn cổ vẫn chưa vơi bởi đặt trong bối cảnh sự phát triển của xã hội đương đại. Những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình hiện nay cũng đang có những thay đổi và tác động đến cuộc sống của các thế hệ gia tộc hộ Nông trong ngôi nhà sàn cổ. Mặt tiêu cực ảnh hưởng đến nếp nhà là sự thay đổi giá trị và lối sống của mỗi người, sự khác biệt thế hệ, quan điểm về giáo dục và sự thay đổi một số giá trị đạo đức. Xã hội hiện đại coi trọng sự độc lập và cá nhân hóa nên thế hệ trẻ không quá coi trọng giá trị của gia đình và truyền thống, ít quan tâm đến nếp nhà dẫn đến việc nếp nhà không được giữ gìn và có thể gây ra xung đột giữa các thế hệ. Do đó, để duy trì nếp nhà truyền thống, cần có sự cân bằng giữa việc tôn trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống cùng với việc hiểu và chấp nhận những thay đổi trong xã hội hiện đại.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch An Nông Hải Hùng cho biết: Những năm qua, các gia đình của ngôi nhà sàn cổ 9 gian luôn là gia đình văn hóa và gia đình văn hóa tiêu biểu của xã, huyện, là một “hạt nhân” để lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Tày. Đồng thời, tiếp thu những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị gia đình, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng xóm, xã, hướng tới cuộc sống văn minh, hiện đại.
Rời ngôi nhà sàn cổ 9 gian khi hoàng hôn bắt đầu buông, tuy diện mạo ngôi nhà, xóm làng nơi đây đã có nhiều đổi thay nhưng xóm Tục Ngã không mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Tày từ lâu đời. Có được điều đó là nhờ một phần vào mạch nguồn chảy mãi của gia đình tại nhà sàn cổ 9 gian - chứng nhân đã và đang lưu giữ được nếp nhà xưa để các thế hệ tìm về cội nguồn văn hóa cũng như giá trị gia đình cao đẹp, nhắc nhở đời sau giữ lấy đạo lý ngàn đời, sống lương thiện và không quên gia phong, truyền thống.