NÂNG TẦM KỊCH BẢN PHIM TRUYỆN

Những năm gần đây, phim Việt Nam đa dạng về đề tài, phương pháp sáng tác được mở rộng, tạo nên bức tranh phong phú. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm phản ánh sinh động, sâu sắc, xứng tầm với những thành tựu to lớn của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Vào những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, khó chọn được phim thực sự có ý nghĩa, giá trị nghệ thuật để trình chiếu phục vụ công chúng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa giao Cục Điện ảnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”, nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đồng thời khuyến khích việc sáng tác kịch bản điện ảnh của các nhà văn, đạo diễn, người viết kịch bản chuyên và không chuyên, đặc biệt là đội ngũ tác giả trẻ. Qua đó tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch sản xuất phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong giai đoạn 2021-2025.

Một cảnh trong phim “Đồng quê”. Ảnh: htv.com.vn

Một cảnh trong phim “Đồng quê”. Ảnh: htv.com.vn

Tin vui này không chỉ làm nức lòng những người làm điện ảnh mà cả giới văn chương, nghệ thuật, bởi cuộc thi mở rộng “đất” cho nhiều đối tượng sáng tác. “Có bột mới gột nên hồ”, có kịch bản tốt mới mong có bộ phim hay. Thực tế khoảng trống kịch bản trong nhiều năm qua đã được những người tâm huyết với điện ảnh Việt Nam cố gắng lấp đầy bằng những cuộc tìm kiếm gương mặt mới trong làng biên kịch. Những chương trình thường niên “Gặp gỡ mùa thu”-nơi các nhà biên kịch giới thiệu “đứa con tinh thần” và thuyết trình tìm nhà sản xuất cho dự án; Cuộc thi “Nhà biên kịch trẻ tài năng” của một hãng sản xuất lớn tổ chức và các hoạt động do Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam) tổ chức nhiều chương trình đào tạo biên kịch diễn ra hằng năm. Song, những nỗ lực của giới điện ảnh trong hành trình tìm kiếm các biên kịch cũng chưa thể lấp đầy khoảng trống kịch bản trong điện ảnh.

Một đạo diễn nổi tiếng từng trăn trở rằng, có nhiều bộ phim Việt Nam được đầu tư kinh phí khá lớn, mời mọc được không ít “ngôi sao” đẹp lộng lẫy xuất hiện trên màn ảnh, nhưng cũng khó thuyết phục, thu hút được công chúng, bởi nguyên nhân sâu xa là không quan tâm đến yếu tố hàng đầu: Phải có một kịch bản hay, nội dung sâu sắc, kịch tính, hấp dẫn.

Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam suốt mấy chục năm qua cho thấy, một trong những yếu tố giúp bộ phim lấy được thiện cảm của công chúng chính là tính nhân văn, tính dân tộc của tác phẩm, mà ngọn nguồn bắt đầu từ chính kịch bản hay. Điện ảnh Việt Nam từng gặt hái thành công với những bộ phim kinh điển, như: “Chị Tư Hậu”, “Nổi gió”, “Em bé Hà Nội”, “Chim vành khuyên”, “Cánh đồng hoang”... Đây là những bộ phim đến nay nhắc lại, công chúng vẫn luôn dành những tình cảm tốt đẹp.

Thời gian gần đây, vấn đề kịch bản đang được quan tâm trở lại, được đặt đúng vị trí của nó để góp phần làm nên sự bứt phá cho điện ảnh Việt. Đó có lẽ cũng là mong muốn của các cấp quản lý đối với những người làm điện ảnh nước nhà thông qua Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”. Đây không chỉ là dịp để tìm kiếm, tuyển chọn các kịch bản phim truyện mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao mà còn nhằm đánh thức, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với sự phát triển lớn mạnh của điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/nang-tam-kich-ban-phim-truyen-634937