Nâng tầm giá trị nông sản
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương.
Xây dựng thương hiệu, nâng sao cho sản phẩm OCOP
Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang chú trọng nâng hạng, nâng sao cho các sản phẩm OCOP. Trong đó, từ tỉnh đến các địa phương luôn quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP bằng uy tín chất lượng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Thời gian qua, các điểm giới thiệu trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp không ngừng được nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh hình thành 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom và TP. Biên Hòa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết, đến nay, huyện đã phát triển được 36 sản phẩm OCOP. Đây đều là các nông sản chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương, nổi bật nhất là nhóm sản phẩm trái cây tươi có lợi thế xuất khẩu. Gắn với mục tiêu phấn đấu về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, thời gian tới, huyện tập trung nâng sao cho các sản phẩm OCOP. Mục tiêu để xây dựng được những sản phẩm có thương hiệu, không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, mà còn đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất Nguyễn Thế Vinh cho biết, địa phương có những nông sản tươi, nông sản chế biến có lợi thế xuất khẩu như: tổ yến, mật ong, các nông sản chế biến... Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ đồng hành cùng nông dân, hợp tác xã nâng chất lượng cho các sản phẩm OCOP thế mạnh, đặc thù của địa phương với mục tiêu đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường quốc tế.
Nhiều điển hình tiêu biểu
Chương trình OCOP sau 4 năm triển khai đã khơi dậy phong trào khởi nghiệp cho nhiều hợp tác xã, nông dân trong tỉnh. Điển hình là mô hình trồng quýt siêu ngọt đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm ở huyện Vĩnh Cửu. Một trong những chủ vườn đã thành công với mô hình trồng quýt đường này là anh Hà Thắng ở ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.
Vườn quýt của gia đình đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2012, với sản lượng trung bình mỗi năm đạt 50 - 60 tấn, thu về 800 - 900 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập trung bình 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Theo chủ vườn quýt Hà Thắng, vườn quýt 10 năm tuổi được trồng theo hướng hữu cơ trên đất phù sa, ven lòng hồ Trị An, quanh năm không lo nước tưới. Người trồng chủ yếu dùng men IMO để ủ cá mua từ lòng hồ Trị An làm phân bón, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học nên cây cho trái nhiều và ít sâu bệnh. Mô hình này cũng trở thành một trong những mô hình trồng quýt đường tiêu biểu của xã Phủ Lý.
Hay có thể kể đến mô hình trồng cây sachi của anh Trần Văn Khoa (ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom). Cây sachi thuộc dạng thân leo, thân bán gỗ và có thể mọc vươn cao tới 2m, có nguồn gốc từ Nam Mỹ thường mọc nhiều tại vùng rừng rậm Amazon. Vào năm 2018, anh Khoa đã nghiên cứu và quyết định trồng thử nghiệm 5ha sachi ở xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) và trước khả năng thích nghi tốt của giống cây này, anh Khoa cùng 10 hộ dân thành lập Tổ hợp tác Sachi Thanh Bình để mở rộng diện tích. Sản phẩm từ cây sachi là dầu sachi và trà sachi được chứng nhận đạt thương hiệu OCOP 3 sao năm 2022.
Hiện nay, Tổ hợp tác đã mở rộng và có thêm khoảng 20ha sachi ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), thu từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Hạt sachi có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho phát triển trí não, sáng mắt và khả năng điều trị bệnh tim mạch nên được khách hàng ưa chuộng, mua về sử dụng.
Trên địa bàn huyện Tân Phú, tính đến nay đã có 11 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng như: nấm hương Núi Tượng, nấm sò Đak Lua, nấm rơm Tà Lài, sầu riêng tươi của xã Phú An, hạt điều rang muối Phương Hân của xã Thanh Sơn, trứng vịt Oanh Tới của xã Phú Điền, rượu nếp Kabin ở xã Phú Xuân, tinh dầu trầm hương ở xã Phú Sơn, mật ong Vương Phát ở xã Phú Lập, bưởi da xanh ở xã Tà Lài, hạt điều nhân trắng của xã Phú Thịnh. Trong đó, sản phẩm tinh dầu trầm hương đạt chuẩn OCOP 4 sao, các sản phẩm còn lại đạt OCOP 3 sao.
Bà Phạm Thị Hồng Vân, chủ cơ sở sản phẩm hạt điều rang muối Phương Hân - cơ sở đạt chuẩn OCOP 3 sao trong năm 2023 cho biết, bên cạnh việc bảo đảm, nâng cao chất lượng, cơ sở sản xuất còn nỗ lực phát triển thị trường, trong đó có mở rộng đến thị trường các địa phương lân cận như TP. Hồ Chí Minh... Việc được công nhận sản phẩm OCOP góp phần giúp cơ sở phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hữu Ký, thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP ngày càng được nhiều người biết đến. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP của địa phương. Trong đó, sẽ có thêm các hoạt động đưa sản phẩm OCOP gắn vào các chuỗi du lịch để vừa phát triển thêm kênh tiêu thụ, vừa quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần tạo sự phong phú cho hàng hóa địa phương, cũng như đa dạng các sản phẩm du lịch.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nang-tam-gia-tri-nong-san-post395217.html