Năng lượng mặt trời: Để mỗi mái nhà là một 'nhà máy' điện
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nhu cầu năng lượng không ngừng gia tăng, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch, bền vững đang trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Một trong những hướng đi được đánh giá cao là khuyến khích người dân lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời áp mái. Đây không chỉ là giải pháp giảm áp lực lên lưới điện quốc gia, mà còn là cơ hội để mỗi gia đình tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí lâu dài.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến năm 2024, Việt Nam đã có hơn 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt, đóng góp hàng nghìn MW công suất cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng khai thác bức xạ mặt trời ở nước ta, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Tỷ lệ điện năng lượng tái tạo vẫn còn khiêm tốn
Việc mở rộng quy mô sử dụng năng lượng Mặt Trời tại hộ gia đình, trường học, bệnh viện và doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, từng bước hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và nhất quán. Trước hết, Nhà nước cần ban hành cơ chế giá mua điện mặt trời rõ ràng, ổn định và mang tính khuyến khích. Trong thời gian qua, chính sách giá FIT (giá mua điện cố định) từng tạo ra “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ vào điện mặt trời. Tuy nhiên, sự gián đoạn về cơ chế sau khi giá FIT kết thúc cũng khiến thị trường chững lại. Do đó, một cơ chế giá mới minh bạch, linh hoạt và bền vững sẽ là cú hích quan trọng để thị trường điện mặt trời áp mái sôi động trở lại.
Để giải quyết những vướng mắc trong việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch, ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1710/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8 điều chỉnh).

Cần có cơ chế giá mua điện mặt trời rõ ràng, ổn định và mang tính khuyến khích
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) chia sẻ, Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã đưa quy mô công suất các nguồn điện mặt trời và điện gió lên cao hơn rất nhiều, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư. Giá mua điện sẽ được áp dụng khác nhau theo miền, có nghĩa là đã xem xét đến tín hiệu đầu tư, giá thành sản xuất. Những nguồn điện ở gần nơi phụ tải hơn sẽ được có giá cao hơn để khuyến khích giảm truyền tải. Thời gian xây dựng các nguồn điện gió và điện mặt trời chắc chắn sẽ nhanh hơn các nguồn điện khác, do đó sẽ có khả năng đáp ứng một phần nhu cầu điện tăng thêm trong ngắn hạn...

Nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các khu sản xuất và đem lại hiệu quả cao
Ông Đỗ Văn Năm, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết, điện mặt trời mái nhà giúp các hộ gia đình giảm chi phí hóa đơn điện, đặc biệt vào ban ngày khi nhu cầu tiêu thụ điện cao. Các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng như điều hòa, bơm nước có thể vận hành bằng nguồn điện mặt trời sẽ giúp tiết kiệm và giảm tải cho hệ thống điện quốc gia.
Ngoài việc tiết kiệm, điện mặt trời mái nhà còn giúp các hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập. Đối với các hộ gia đình có hệ thống điện nối với lưới điện quốc gia, nếu lượng điện sản xuất không được tiêu thụ hết, họ có thể bán lại cho hệ thống điện quốc gia, nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Chính phủ hiện cũng đưa ra mức giá mua lại điện mặt trời hấp dẫn, tạo động lực cho nhiều gia đình đầu tư vào mô hình này, nhanh chóng thu hồi chi phí ban đầu và có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Điện mặt trời mái nhà giúp các hộ gia đình tiết kiệm tiền điện hàng tháng và có thêm nguồn thu nhập
Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép, kết nối điện mặt trời với lưới điện, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các gói vay tín dụng ưu đãi, giảm chi phí đầu tư ban đầu vốn là rào cản lớn đối với nhiều hộ gia đình.
Một yếu tố quan trọng không kém chính là nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của điện mặt trời. Thực tế, nhiều hộ dân vẫn chưa quan tâm hoặc chưa hiểu rõ hiệu quả lâu dài mà hệ thống điện mặt trời mang lại. Do đó, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, từ chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội đến việc xây dựng các mô hình điểm tại địa phương.
Việc giới thiệu các mô hình thành công như hộ dân giảm hơn 50% hóa đơn tiền điện nhờ điện mặt trời, hay trường học sử dụng điện sạch để vận hành thiết bị dạy học sẽ là minh chứng rõ ràng, tạo hiệu ứng lan tỏa và niềm tin cho người dân.
Song hành với chính sách và truyền thông, vai trò của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, giải pháp kỹ thuật cũng vô cùng quan trọng. Thị trường cần có những doanh nghiệp uy tín cung cấp dịch vụ lắp đặt trọn gói, từ tư vấn, thi công đến bảo trì với chi phí hợp lý và chế độ bảo hành rõ ràng.
Đồng thời, nên hình thành các sàn giao dịch, nền tảng số để người dân dễ dàng tìm kiếm thông tin, so sánh giá cả, đánh giá chất lượng dịch vụ, từ đó lựa chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Điện mặt trời áp mái hoàn toàn có thể trở thành tiêu chí đánh giá trong các chương trình xây dựng đô thị xanh, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các địa phương có thể chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ riêng, khuyến khích hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương cùng tham gia.
Đặc biệt, với các khu vực vùng sâu, vùng xa là nơi hạ tầng điện lưới chưa ổn định thì việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời có thể trở thành giải pháp quan trọng giúp người dân tiếp cận nguồn điện sạch, ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất, ông Đỗ Văn Năm cho biết thêm.
Thêm một lợi thế trong thời điểm hiện tại, giá thành để lắp đặt 1 hệ thống năng lượng mặt trời rất hợp lý với khả năng tài chính của các hộ dân, đồng thời các công ty lắp đặt cũng đang có nhiều chương trình khuyến mại và bảo hành lâu dài. Đây là những điều kiện lý tưởng khi các hộ dân có nhu cầu lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà.
Phát triển năng lượng mặt trời không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ hay các doanh nghiệp lớn. Đó là hành động thiết thực có thể bắt đầu từ mỗi người dân, mỗi mái nhà. Với chính sách phù hợp, sự đồng hành của doanh nghiệp và tinh thần chủ động của cộng đồng, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một nền năng lượng xanh - sạch - bền vững từ những điều giản dị và gần gũi nhất.