Nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống cháy rừng

Hiện đang là cao điểm mùa hanh khô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng, vì vậy công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân cần được các cấp, các ngành khẩn trương triển khai.

Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng là do ý thức chủ quan, sự bất cẩn của người dân trong việc sử dụng lửa, nhất là người dân ở các xã vùng cao, vùng sâu sống gần rừng chưa chấp hành nghiêm các quy định về đốt thực bì.

Sau thời gian dài nắng hanh, lớp thực bì (gồm cây tế, guột, cỏ tranh...) tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, thị xã Sa Pa đã chết khô. Chỉ cần sơ suất nhỏ khi sử dụng lửa trong rừng cũng có thể bùng phát, hậu quả khôn lường. Những ngày này, cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân và cộng đồng.

Ông Vũ Đức Quyền, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: Để bảo vệ rừng hiệu quả, chúng tôi duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại 4 trạm kiểm lâm địa bàn, 14 chốt tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để kịp thời phát hiện, ứng phó khi có cháy rừng xảy ra; chủ động tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vào rừng khai thác lâm sản.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên xác định 13 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trên địa bàn 5 xã, diện tích hơn 10.000 ha, tăng hơn 4.000 ha so với năm 2023. Đơn vị đã xây dựng bản đồ phòng cháy, chữa cháy rừng cho từng vùng trọng điểm cháy, từng thôn, bản trên địa bàn quản lý. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng, đơn vị cũng tiến hành lắp đặt bổ sung thêm hàng trăm biển cảnh báo ở những nơi xung yếu; xây dựng phương án, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị để phát hiện sớm, xử lý nhanh, kịp thời khi không may xảy ra cháy rừng. Từ đầu năm 2024 đến nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã tổ chức trên 500 buổi tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, với hơn 10.000 lượt người tham gia.

Tổ bảo vệ rừng thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa nhận khoán bảo vệ hơn 700 ha rừng đặc dụng. Để giữ rừng hiệu quả, từ nhiều năm nay, ông Hầu A Pâu, Tổ trưởng cùng các thành viên trong tổ thường xuyên tuần tra, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại và nguy cơ gây cháy rừng. Đối với những tháng mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất cao nên các thành viên trong tổ bảo vệ thường xuyên tuần rừng, ngăn chặn người dân sử dụng lửa và có hành vi xâm hại đến rừng.

Ông Hầu A Pâu cũng tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm rà soát, theo dõi các điểm có nguy cơ cháy cao, chuẩn bị các phương án ứng phó nếu xảy ra cháy rừng.

Huyện Bảo Yên có hơn 51.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 21.400 ha, có hơn 5.500 ha rừng có nguy cháy cao. Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; bổ sung, hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho các tổ bảo vệ rừng, cộng đồng dân cư sống gần rừng; đẩy mạnh công tác cảnh báo nguy cơ cháy rừng nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, khiến 36,35 ha rừng bị thiệt hại. Xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cháy rừng là do người dân thiếu kiến thức sử dụng lửa an toàn, ngay từ đầu mùa khô năm 2024 - 2025, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở cử cán bộ xuống từng thôn, tổ dân phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, ký cam kết bảo vệ rừng.

Theo bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng, trên địa bàn tỉnh đã xác định có hơn 120.000 ha rừng nguy cơ xảy ra cháy cao. Cùng với đó, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, nhiều diện tích rừng bị sạt, trượt, gãy, đổ làm gia tăng vật liệu cháy, nguy cơ cháy rừng cao khi thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, do vậy công tác phòng chống cháy rừng càng phải được siết chặt.

Năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức 21 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức kiểm lâm, cán bộ các đơn vị cấp huyện, các tổ, đội bảo vệ rừng, cộng đồng dân cư được giao rừng, bảo vệ rừng; 18 hội nghị tuyên truyền nghiệp vụ về các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức tuyên truyền tại thôn, bản hơn 700 buổi với gần 39.000 lượt người tham gia, tuyên truyền lưu động 238 cuộc tại các thôn, khu vực dân cư sống gần rừng.

Theo cảnh báo, diện tích rừng tại một số địa phương đang ở nguy cơ cháy rừng cao do nắng, khô hanh kéo dài. Do vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên tuyên truyền đến người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị đầy đủ phương án, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-y-thuc-nguoi-dan-trong-phong-chong-chay-rung-post394516.html