Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Chiều 19.8, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam tổ chức Diễn đàn: 'Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững'.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Khánh

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nêu rõ, nền kinh tế quý III chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức "ổn định" và "tích cực". Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý II, các cân đối lớn được bảo đảm, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh.

Tuy nhiên, khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng cho thấy những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, có tới 92% doanh nghiệp cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Hầu hết doanh nghiệp phải đương đầu với các vấn đề do dịch bệnh gây ra như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)… Khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch Covid-19 khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS. Trần Phương Trà, Giám đốc mạng lưới chính sách kinh tế EPNet, AVSE Global cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh. Trong đó, tăng trưởng xanh là xu hướng và ngày một cần thiết hơn. Việt Nam cũng đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là công cụ để phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có khả năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ để bảo đảm thích ứng với sự biến đổi hiện tại. Trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp cần tập trung vào việc tạo ra những giá trị khác biệt.

Đề cập việc Việt Nam được xem là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho rằng, nếu chung tay hành động ngay bây giờ, thế giới và Đông Nam Á vẫn viết ra được một tương lai tươi sáng hơn với mức phát thải ròng về không, và trong đó, vai trò của doanh nghiệp là không thể phủ nhận.

Do vậy, Hội đồng quản trị các doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra chiến lược, chính sách và đồng hành đối phó với cuộc khủng hoảng này từ việc: định hình vai trò, trách nhiệm giám sát các chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong Hội đồng quản trị; đánh giá cấu trúc quản trị ESG, tích hợp các vấn đề ESG vào chiến lược công ty tới giám sát và thực hiện công bố thông tin tới các bên liên quan một cách minh bạch và đầy đủ.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-i298318/