Nâng cao kiến thức để phòng ngừa tai nạn thương tích

Mùa hè đến là lúc các em học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích sau một năm học. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm khiến các bậc phụ huynh lo lắng bởi nguy cơ các vụ tai nạn thương tích (TNTT) sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu và để lại những hậu quả nặng nề. Do đó, việc nâng cao ý thức và kiến thức cho người dân để phòng ngừa TNTT cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn học sinh thực hiện kỹ thuật sơ cấp cứu tai nạn thương tích -Ảnh: T.D

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn học sinh thực hiện kỹ thuật sơ cấp cứu tai nạn thương tích -Ảnh: T.D

Cũng giống như một số địa phương khác trong cả nước, mặc dù mới bắt đầu bước vào mùa hè nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tiếp xảy ra các vụ TNTT làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần cho người dân, đặc biệt là trẻ em dưới 14 tuổi.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 3.889 vụ TNTT, khiến 3.740 người bị thương và 149 người tử vong, trong đó có 626 ca mắc TNTT là trẻ em, tử vong 16 ca.

Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 1.072 vụ TNTT, trong đó số trẻ em mắc là 178 ca và tập trung chủ yếu là tai nạn giao thông, tiếp đến là các nguyên nhân khác như đuối nước, tự tử, bạo lực, điện giật, súc vật cắn, ngộ độc và hốc dị vật...

Đuối nước là một trong những TNTT khiến các bậc phụ huynh lo lắng và đáng báo động nhất trong các ngày hè. Tai nạn này thường xảy ra đối với nhóm trẻ từ 7 đến 14 tuổi trở lên ở các vùng quê có nhiều ao hồ, sông, suối.

Trên thực tế, các vụ TNTT ở trẻ em thường xảy ra bất ngờ và nguy cơ gặp nạn bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Thậm chí môi trường gia đình cũng không an toàn cho trẻ bởi không ít vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trong chính ngôi nhà của trẻ như bị điện giật, bỏng nước sôi hay trẻ lấy đồ chơi, vật sắc nhọn, đồng xu bỏ vào miệng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự thiếu quan tâm, bất cẩn của người lớn và người chăm sóc trẻ.

Thời gian qua, ngành y tế chủ động phối hợp với các địa phương, ban, ngành, đoàn thể và các nhà trường tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT ở trẻ em.

Tổ chức các lớp tập huấn phòng chống tai nạn đuối nước và cách sơ cấp cứu ban đầu khi bị đuối nước cho các em học sinh THCS &THPT trên địa bàn huyện Gio Linh, Hướng Hóa, thị xã Quảng Trị... và các ban, ngành, đoàn thể trong cộng đồng tại các xã có nguy cơ cao.

Các biện pháp trên nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em, đặc biệt tạo lập môi trường sống an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn.

Bên cạnh đó, ngành y tế hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống TNTT, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương để xây dựng cộng đồng an toàn như: Tổ chức các cuộc thi, buổi sinh hoạt ngoại khóa nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; lồng ghép vào các hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em trong “Tháng hành động vì trẻ em” được tổ chức vào tháng 6 hằng năm. Tổ chức hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đuối nước (25/7) nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em.

Bên cạnh công tác tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích, ngành y tế khuyến cáo người dân cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu tai nạn thương tích; sơ cấp cứu tại chỗ, kỹ năng băng bó, kỹ thuật cầm máu tạm thời; kỹ thuật hồi sức tim phổi, sơ cứu các trường hợp say nắng, say nóng và sơ cấp cứu đối với các trường hợp đuối nước, cũng như phương pháp vận chuyển nạn nhân an toàn...

Bởi việc cấp cứu trước viện đối với TNTT có vai trò hết sức quan trọng, giúp nạn nhân giảm biến chứng và tử vong trước khi người bệnh tiếp cận được nhân viên y tế hoặc đến bệnh viện điều trị.

“Thực tế cho thấy, thời gian qua có không ít nạn nhân khi bị tai nạn do không được sơ cấp cứu trước viện, hoặc sơ cứu không đúng cách nên ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị, thậm chí bị tử vong. Do đó, chúng ta cần nâng cao kiến thức, tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản xử lý các tình huống TNTT thường xảy ra hằng ngày.

Trên cơ sở đó, mỗi người dân, nhất là các em học sinh có thể tự mình phòng tránh TNTT cũng như trợ giúp cho người thân, gia đình hoặc những người xung quanh khi gặp nạn”, bác sĩ Nguyễn Văn Gan, Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường, Y tế trường học, Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết.

Thái Dương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-kien-thuc-de-phong-ngua-tai-nan-thuong-tich-186079.htm