Nâng cao hiệu quả truyền thông phòng, chống ma túy và bạo lực học đường ở Hướng Hóa

Trước nguy cơ ma túy và bạo lực xâm nhập vào học đường, trong thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Hướng Hóa tăng cường công tác truyền thông phòng, chống ma túy và bạo lực học đường bằng nhiều giải pháp với cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Qua đó, tác động tích cực đến ý thức của giáo viên và học sinh về trách nhiệm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, không có ma túy và bạo lực.

Phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy và bạo lực học đường tại Trường THCS Khe Sanh -Ảnh: PGDHH

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa vừa phối hợp với Trường Đại học Luật Huế tổ chức 2 phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy và bạo lực học đường tại các trường: PTDT bán trú - THCS Hướng Phùng và THCS Khe Sanh. Trên cơ sở các tình tiết có thật của một số vụ việc ma túy và bạo lực đã từng xảy ra ở một số trường học, giảng viên Trường Đại học Luật Huế đã dàn dựng và tái hiện lại một cách chi tiết, cụ thể, sống động thu hút đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.

Em Ngô Thị Minh Thư, học sinh lớp 7C, Trường PTDT bán trú - THCS Hướng Phùng chia sẻ: “Bấy lây nay nhà trường tuyền truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy và bạo lực chủ yếu thông qua tài liệu và lồng ghép vào các hoạt động giáo dục khác.

Được tham gia phiên tòa giả định, em thấy đây là hình thức tuyên truyền giáo dục mới mẻ và dễ hiểu. Qua đây, chúng em biết rõ hơn về tác hại của ma túy và hậu quả nó là rất lớn và có ý thức tránh xa, nói “không” với ma túy”.

Để mở rộng quy mô và hiệu quả truyền thông, các phiên tòa giả định về phòng, chống ma túy và bạo lực học đường đều được livestream trực tiếp trên các kênh do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quản lý, kết nối đến tất các trường học từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở, đồng thời phối hợp với các trường THPT trên địa bàn huyện cùng kết nối để học sinh có thể theo dõi trực tiếp cũng như xem lại nhiều lần.

Bằng hình thức sinh động và thiết thực này, các phiên tòa giả định ngoài thu hút sự tham gia trực tiếp tại điểm tổ chức còn thu hút hàng nghìn lượt người tương tác trên các kênh livestream. Hiệu trưởng Trường THCS Khe Sanh Trần Văn Hoàng cho biết: “Hoạt động truyền thông bằng hình thức phiên tòa giả định là hoạt động mang tính trực quan, phản ảnh đầy đủ hành vi phạm tội của các bị cáo và mức án được áp dụng đối với hành vi vi phạm đó.

Vì vậy, thông qua hoạt động này giúp học sinh hiểu được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật dành cho người có hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa học sinh không vi phạm pháp luật.

Hoạt động truyền thông bằng hình thức “Phiên tòa giả định” là hình thức tuyên truyền pháp luật mới, dễ hiểu, là cách làm hay mà các nhà trường cần đầu tư tổ chức nhân rộng, giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh”.

Hướng Hóa có trên 60 trường học các cấp, trong đó hơn 50% là trường học ở vùng bản, vùng biên giới.

Xác định tình hình tội phạm ma túy đang ngày càng phức tạp, chiều hướng gia tăng, làm tăng nguy cơ xâm nhập vào học đường; bên cạnh đó, tình trạng bạo lực học đường tuy chưa xảy ra nhiều nhưng vẫn còn tồn tại và có dấu hiệu manh nha, ngành giáo dục huyện Hướng Hóa triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ vào việc đổi mới các phương pháp truyền thông.

Nếu như trước đây, các hình thức truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu được tổ chức lồng ghép vào một số hoạt động như: chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp thông qua một số tài liệu đơn giản thì hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đã được coi là một trong những hoạt động trọng tâm, các đơn vị trường học bố trí thời gian phù hợp để triển khai với hình thức truyền thông đa dạng hóa, sát thực với điều kiện thực tế tại địa phương cũng như phù hợp xu thế phát triển của xã hội; phối hợp với các trường đại học luật, câu lạc bộ luật sư ở các thành phố lớn để tổ chức các phiên tòa giả định, sân khấu hóa, ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề...

Ngành giáo dục và đào tạo huyện cũng đã phối hợp với Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật huyện có định hướng sát sao trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhờ đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nên học sinh dễ dàng tiếp cận, tiếp thu cũng như liên hệ thực tiễn; giáo viên, phụ huynh và các địa phương cũng có thể theo dõi các hoạt động, đồng hành trong định hướng giáo dục pháp luật và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết: “Thời gian tới, ngành giáo dục huyện tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ vào truyền thông về phòng, chống ma túy và bạo lực học đường rộng rãi trong nhà trường, đặc biệt là tại các trường học vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng đề tài truyền thông phong phú hơn như: vấn đề an ninh mạng; phòng, chống bạo lực gia đình... nhằm làm thay đổi cách tiếp cận cũng như hiệu quả tuyên truyền về phòng, chống ma túy và bạo lực học đường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nang-cao-hieu-qua-truyen-thong-phong-chong-ma-tuy-va-bao-luc-hoc-duong-o-huong-hoa/184719.htm