Nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú
Sáng 11/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng thẩm định và đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, quá trình triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về tạm giữ, tạm giam (TGTG) được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, chặt chẽ trong công tác TGTG. Hệ thống tổ chức của cơ quan quản lý TGTG, cơ quan thi hành TGTG được kiện toàn từ cấp bộ, cấp tỉnh đến cấp huyện đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu công tác quản lý, thi hành TGTG.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ từ khâu tiếp nhận, phân loại, bố trí giam giữ, điều chuyển trích xuất, xử lý kỷ luật và giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, chết, phạm tội mới từng bước đi vào nền nếp, thống nhất. Công tác phối hợp giữa cơ sở giam giữ với các cơ quan có thẩm quyền tố tụng, các cơ quan có liên quan đến công tác thi hành TGTG được duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quản lý, thi hành TGTG.
Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai thi hành, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Các văn bản QPPL quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác TGTG, đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác này.
Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành quy định biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú còn phát sinh một số bất cập: chưa có trình tự, thủ tục thi hành biện pháp này kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; do chưa áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ nên các cơ quan cũng không biết đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đi đâu, làm gì để áp dụng các biện pháp theo dõi, quản lý…
Theo đại diện Bộ Công an, mục đích xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành TGTG và cấm đi khỏi nơi cư trú; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc áp dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quốc phòng, an ninh; đổi mới phương thức quản lý, giám sát đối với người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú có 3 chính sách: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; Nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành mô hình cơ sở giam giữ; Hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Phát biểu tại phiên họp Hội đồng thẩm định, một số đại biểu nhất trí quan điểm đề xuất xây dựng Luật mới thay thế Luật cũ đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc đưa vào Luật những nguyên tắc mang tính định hướng chung; nghiên cứu, xây dựng quy định về việc cho phép cơ quan đại diện nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự với người bị tạm giam, tạm giữ là người nước ngoài theo hình thức trực tuyến trong trường hợp xảy ra dịch bệnh phức tạp hoặc các trường hợp không thể thu xếp gặp trực tiếp; nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn tác động của 3 chính sách, kinh nghiệm quốc tế…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và ủng hộ sự đổi mới, cập nhật hoàn thiện pháp luật trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải có các đánh giá, giải thích cụ thể hơn về các vướng mắc, bất cập, làm rõ nội dung đánh giá tác động của từng giải pháp trong 3 chính sách.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp thêm thông tin về phạm vi áp dụng, đối tượng được áp dụng, cơ chế quản lý, vận hành, giám sát bằng biện pháp giám sát điện tử của một số quốc gia trên thế giới; cần dự toán các chi phí, đánh giá tác động xã hội, tính hiệu quả trên thực tế khi triển khai thực hiện pháp luật liên quan đến vấn đề giám sát điện tử đối với đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.../.