Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh

Trước nhiều khó khăn về điều kiện học tập, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã thực hiện những giải pháp riêng để hướng tới mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Hội thảo nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các trường tiểu học huyện Ba Vì.

Hội thảo nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các trường tiểu học huyện Ba Vì.

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, huyện có nhiều trường nằm trên địa bàn khó khăn về kinh tế, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện học tập và giao lưu còn hạn chế, cho nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, nhất là môn tiếng Anh. Từ đó dẫn đến thực trạng là chất lượng môn học này của các trường trong các năm qua rất thấp. Thực tế cũng cho thấy, tiếng Anh là một môn học khó đối với tất cả học sinh, nhất là học sinh vùng nông thôn, bởi ngoài trường học thì các em hầu như không có môi trường để rèn luyện.

Một khó khăn lớn nữa là về giáo viên dạy tiếng Anh trong các trường học của Ba Vì. “Hiện nay, tuổi trung bình của giáo viên dạy tiếng Anh trong huyện khá cao (44,2 tuổi), một số giáo viên tuổi cao ít quan tâm tìm tòi những phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với từng đối tượng học sinh, cho nên chất lượng và hiệu quả dạy học của bộ môn chưa đạt được như mong muốn. Nhiều hoạt động dạy học tích cực chỉ mới được sử dụng chủ yếu mang tính hình thức, chưa được đầu tư, chuẩn bị đúng mức và triển khai đúng quy trình cho nên chưa đạt hiệu quả cao”, ông Phùng Ngọc Oanh cho biết. Bên cạnh đó, khó khăn về cơ sở vật chất cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy học môn tiếng Anh của huyện này. Năm học 2024-2025, huyện có 54 điểm trường tiểu học, trong đó bảy điểm trường chưa có phòng học ngoại ngữ. Toàn huyện có 62 phòng học ngoại ngữ, trong đó có 49 phòng đã đủ thiết bị, 13 phòng thiếu thiết bị dạy học.

Để thực hiện mục tiêu tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo Kết luận số 91-KT/TW của Bộ Chính trị, thì việc dạy tiếng Anh cần được quan tâm ngay từ bậc tiểu học. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì đã ban hành Đề án số 374/ĐA-UBND ngày 26/9/2024 về việc hỗ trợ dạy học ngoại ngữ cho các trường tiểu học huyện Ba Vì năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh nhấn mạnh: Những năm gần đây, chất lượng giáo dục của huyện Ba Vì có bước tiến đáng kể với vị trí 15/30 quận, huyện của thành phố Hà Nội trong năm học 2023-2024. Thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ từ sự hợp tác với Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

2024-2025 là năm học thứ sáu Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì triển khai Đề án “Hỗ trợ dạy học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường trung học cơ sở huyện Ba Vì”. Sau sáu năm triển khai, chất lượng dạy học ngoại ngữ của các trường trên địa bàn huyện tiến bộ rõ rệt. Tiếp theo thành công này, huyện tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ dạy học ngoại ngữ với bậc tiểu học từ năm học 2024-2025.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Nguyễn Mạnh Thước nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ chính quyền địa phương trong hỗ trợ các nhà trường về cơ sở vật chất, môi trường học tập. Thầy Nguyễn Chí Sang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Châu, huyện Ba Vì khẳng định, cán bộ quản lý đóng vai trò định hướng, triển khai kế hoạch giảng dạy và tạo động lực cho đội ngũ giáo viên để đạt mục tiêu chung... Thực tế cho thấy, thông qua đề án phối hợp với Trường đại học Ngoại ngữ, giáo viên tiếng Anh của huyện Ba Vì ngày càng được tiếp cận với phương pháp dạy học khác nhau để cùng phân tích phương pháp, cách thức dạy và truyền đạt kiến thức của các giảng viên hỗ trợ để từ đó rút ra kinh nghiệm cho các tiết học của mình thêm hấp dẫn.

Là một giảng viên trẻ được tham gia Đề án, cô giáo Nguyễn Thị Thu, giảng viên hỗ trợ Trường trung học cơ sở Yên Sơn và Hợp Nhất cho biết: “Tôi thấy đề án có ý nghĩa rất lớn đối với giảng viên, giáo sinh và các trường ở Ba Vì. Về phía giảng viên, đây là cơ hội nâng cao chuyên môn, nhất là phương pháp giảng dạy, vì vậy việc thay đổi cách thức giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh là một câu hỏi lớn tôi đặt ra trong đợt hỗ trợ đầu tiên này. Về phía nhà trường, thông qua chia sẻ của các cô và các bạn học sinh, tôi thấy rất vui vì đã phần nào hỗ trợ công tác giảng dạy và ôn tập tại các trường”.

Trước hiệu quả của đề án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng khẳng định vai trò quan trọng của sự phối hợp giữa huyện và Trường đại học Ngoại ngữ và cho biết, huyện sẽ triển khai thí điểm giảng dạy tiếng Anh tại Trường tiểu học Vạn Thắng, sau đó nhân rộng trên toàn huyện ■

Bài và ảnh: THẾ HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-tieng-anh-post849487.html