Nâng cao chất lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hướng chăn nuôi của TP Hà Nội là xây dựng chuỗi giá trị, kết nối phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gắn với định hướng phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm.

Chăn nuôi chiếm hơn 53% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.T

Chăn nuôi chiếm hơn 53% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.T

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp (PTNN) Hà Nội, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm, thủy sản của TP đứng thứ 2 trong cả nước, tỷ trọng chiếm hơn 53% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp. Nhu cầu thịt gia súc gia cầm, thủy sản toàn TP hàng tháng cần 5.350 tấn thịt trâu bò, 19.300 tấn thịt lợn, hơn 6.400 tấn thịt gia cầm, 129 triệu quả trứng gia cầm; 19.250 tấn thủy sản.

Tính đến tháng 11, số lượng đàn gia súc trên địa bàn TP có khoảng 29.600 con trâu (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023). Có 124.080 con bò (giảm 2,4%). Đàn lợn 1.490,000 con (tăng 1,7%). Đàn gà 28,37 triệu con (tăng 1,8%). Đàn thủy cầm vịt, ngan, ngỗng 8,1 triệu con (tăng 2,2%).

Đối với đàn bò sữa, Hà Nội tập trung phát triển ở các xã: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Châu, Ba Trại, Tòng Bạt (huyện Ba Vì); Xuân Phú (huyện Phúc Thọ); Phương Đình (huyện Đan Phượng); Phượng Cách (huyện Quốc Oai); Trung Mầu, Dương Hà, Phù Đổng, Đặng Xá (huyện Gia Lâm) và các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn toàn TP. 100% đàn bò sữa được thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò sữa cao sản.

Phó Giám đốc Trung tâm PTNN Hà Nội Nguyễn Khắc Lâm cho biết, những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân ly giới tính. Giá bán của bê sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính bán cao hơn bê khác từ 6-8 triệu đồng/con. Bò cái sữa cho sản lượng sữa lứa 1, trung bình 5.600kg/con/chu kỳ, cao hơn 600kg/con/chu kỳ so với bò sữa. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái trong diện sinh sản hiện nay đạt 80%, tỷ lệ đàn bò cái nhóm Zebu trên địa bàn TP đạt hơn 92%.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện Zebu hóa đàn bò bằng giống Brahman, Senepol; một số giống kiêm dụng như Droughmaster, Charolais, Angus; giống chuyên thịt có năng suất cao như BBB; giống có năng suất, chất lượng thịt Wagyu - được ví như Kobe Nhật Bản. Khối lượng trung bình ở giai đoạn trưởng thành (24 tháng tuổi) của bò vàng 220-300kg, sau chương trình Sind hóa khối lượng của bò Laisind đã tăng lên 350-380kg và đến nay khối lượng của các giống bò lai chất lượng cao (BBB, Wagyu) đã tăng lên 480-650kg.

TP Hà Nội có khoảng 600 lồng bè đang nuôi trồng thủy sản trên các sông, hồ; hình thành 141 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn tại 141 xã thuộc các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai… có 20 cơ sở sản xuất nhân tạo giống thủy sản (trong đó có một cơ sở Nhà nước - Trung tâm Phát triển nông nghiệp) sản lượng giống đạt 1.460 triệu cá giống các loại.

Năm 2024 diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản ước đạt 24.700ha, tổng sản lượng ước đạt 132.344 tấn (tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023). Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 130.669 tấn (tăng 3,75%). Sản lượng giống đạt 1.443 triệu cá bột các loại (tăng 0,84%). Cơ cấu thủy sản nuôi thả tại Hà Nội hiện nay: cá chép 35%, trắm cỏ 30%, cá trôi 12%, cá rô phi 9%, cá mè 5%, đối tượng khác 9% (cá lăng, trắm đen, trắm giòn, chép giòn, ếch, tôm càng xanh...). Chất lượng giống thủy sản bảo đảm an toàn dịch bệnh, được kiểm soát theo quy định.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, hướng chăn nuôi của TP Hà Nội là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sinh thái, hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Xây dựng chuỗi giá trị, kết nối phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gắn với định hướng phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đóng vai trò là nguồn cung cấp thịt, cá cho con người cũng đồng thời là nguồn cung cấp phân bón chất lượng cho canh tác hữu cơ.

Tập trung thực hiện công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật, giúp người chăn nuôi tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nang-cao-chat-luong-chan-nuoi-gia-suc-gia-cam-thuy-san-405603.html