NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Vượt lên số phận
Không may mất một chân do tai nạn giao thông, song Lê Văn Đông đã vượt lên số phận và tích cực đóng góp cho xã hội
Về thăm xóm 1, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An hỏi thăm Bí thư Chi đoàn xóm 1 Lê Văn Đông (SN 1993) ai cũng biết. Bởi anh là tấm gương sáng vượt lên số phận ở địa phương. Hiện Đông mở một văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động (XKLĐ) uy tín.
Nỗ lực không ngừng
Sau khi học xong THPT, Đông đi nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ năm 2019, khi đi học ngoại ngữ ở TP Hà Nội để chuẩn bị XKLĐ thì không may bị tai nạn giao thông.
"Tỉnh dậy, thấy bị mất một chân, tôi suy sụp hoàn toàn và có ý định tìm đến cái chết để không làm gánh nặng cho gia đình. Song được mẹ và em trai động viên, tôi dặn lòng phải cố gắng, lạc quan để sống tiếp" - Đông tâm sự. Bị cắt chân đến tận bẹn nhưng nhờ nỗ lực tập luyện, chỉ sau 1 tháng, Đông đã có thể phụ giúp mẹ làm đồng, chăn nuôi gia súc...
Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố bị ung thư, là anh cả nên Đông đã biết giúp đỡ mẹ và kiếm tiền từ khi còn nhỏ. Từ năm học lớp 10, hằng ngày Đông đã dậy từ 3 - 4 giờ, đi cày thuê, chặt mía thuê để có tiền lo thuốc thang cho bố. Trở lại với cuộc sống khi chỉ còn một chân, Đông phải đeo chân giả để có thể tự đi lại, cho dù chưa quen sẽ rất đau.
Không chấp nhận số phận, Đông quyết định vay ngân hàng 100 triệu đồng mở quán ăn chủ yếu phục vụ các món "độc" lạ, sản vật địa phương nên thu hút nhiều thực khách. Mỗi tháng quán ăn đem về lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Đến nay, Đông đã đóng cửa quán ăn để chuyển sang công việc khác.
Do trước lúc bị tai nạn đang chuẩn bị đi XKLĐ nên Đông có quen một số anh chị trong lĩnh vực này. Được họ hỗ trợ, anh đã mở văn phòng tư vấn XKLĐ tại xã Nghĩa Thuận. "Ở quê tôi nhiều người đi XKLĐ về đã có cuộc sống khấm khá hơn, nhiều người còn có thêm kiến thức để làm giàu trên quê hương" - Đông cho biết.
Thời gian rảnh với Đông gần như không có, ngoài tư vấn XKLĐ, anh còn nhận viết thư pháp, làm tranh đính đá. Với Đông, thư pháp là đam mê giúp anh chữa lành tâm hồn mỗi ngày, xua tan đi mệt mỏi, nóng giận. Đông cho rằng viết thư pháp giúp rèn ý chí, tính nhẫn nại. Với số tiền kiếm được từ công việc này, anh giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn xã.
Có những đơn hàng gấp, Đông phải làm ngày làm đêm. Với Đông, hăng say lao động chân chính chính là cách khẳng định bản thân tốt nhất. "Bản lĩnh tài năng nên sự nghiệp, nhân hòa đức độ nên thành công" - là câu anh yêu thích nhất.
Bạn đồng hành của người khuyết tật
Bận bịu là thế nhưng Đông còn nhận nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn xóm 1. Anh thường xuyên phát động đoàn viên thanh niên ra quân dọn rác, trồng cây xanh, tổ chức sinh hoạt hè, vẽ tranh cổ động nông thôn mới, làm mới lại điểm vui chơi cho trẻ em, ủng hộ người dân khắc phục thiên tai...
Ngoài ra, Đông còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên những mảnh đời bất hạnh, người khuyết tật là thành viên của CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi xã Nghĩa Thuận. Tuy chỉ còn một chân nhưng Đông luôn lạc quan, hướng về phía trước và giúp đỡ người khác. Đông nói: "Tôi biết mình là người khuyết tật nhưng vẫn thấy rất may mắn vì có thể lao động và được mọi người yêu quý".
Ông Tạ Quang Tùng, một người khuyết tật trong xã Nghĩa Thuận, cho biết Đông thường xuyên qua thăm hỏi, giúp đỡ nhiều việc khiến ông có thêm động lực và yêu cuộc sống. Dù đi lại khó khăn nhưng Đông luôn hết mình với mọi người.
Đông còn trực tiếp đứng ra kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ một số trường hợp khó khăn như gia đình cháu Hoàng Mỹ Duyên (5 tuổi; xóm Trung Yên, xã Nghĩa Mỹ) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2020 cháu Duyên không may bị tai nạn giao thông và bị cắt bỏ chân phải. Với vai trò Bí thư Chi đoàn xóm 1, Đông đã cùng đoàn viên kêu gọi trên mạng xã hội để kết nối hỗ trợ cháu Duyên rất nhiều.
Chị Vũ Thị Huyền, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Thuận, cho biết: "Anh Đông luôn tiên phong trong các hoạt động thanh niên tại địa phương. Anh dẫn dắt đưa phong trào đi lên, một tấm gương cho tuổi trẻ xã nhà noi theo, là minh chứng cho câu nói tàn nhưng không phế, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ".
Thành công trên nhiều lĩnh vực nhưng Đông chưa bao giờ hài lòng với những gì đạt được. Hiện anh đang học thêm công nghệ thông tin để viết chữ lên quả bầu hồ lô và làm rượu hồ lô đặc sản. Đông mong muốn sẽ mở một phòng tranh và đi sâu hơn vào con đường nghệ thuật.
Anh Phan Huy Chung, Phó Bí thư phụ trách Thị Đoàn Thái Hòa, đánh giá cao sự nỗ lực cống hiến của anh Đông. "Anh đã hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên xã Nghĩa Thuận làm kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Tôi tin rằng trong tương lai Đông sẽ làm được nhiều việc tốt hơn nữa". Với nỗ lực cá nhân, thời gian qua Đông được nhận nhiều giấy khen của các cấp, trong đó có Giải thưởng Tỏa sáng nghị lực Việt 2022 do Hội LHTN Việt Nam trao tặng.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-buoc-nguoi-lao-dong-vuot-len-so-phan-196240607202636408.htm