Nam Định: Gỡ khó công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực Cồn Xanh
Tổ hợp 3 dự án thép xanh tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định là một trong những dự án lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định, góp phần quan trọng trong định hướng phát triển công nghiệp sạch của tỉnh cũng như tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Thế nhưng, dự án này đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động
Tổ hợp dự án thép xanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định được UBND tỉnh Nam Định ban hành các Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10-2021; tháng 3-2022, UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng tăng vốn, tăng công suất đối với tổ hợp 3 dự án thép xanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện với tổng vốn đầu tư lên tới 98.900 tỷ đồng tại khu vực bãi bồi ven biển Cồn Xanh, thuộc huyện Nghĩa Hưng.
Tổ hợp các dự án gồm các dự án thành phần: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê-tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định và Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng trên địa bàn các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm và Nam Điền.
Việc thu hút đầu tư các dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh là đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn. Việc triển khai các dự án đã được xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng; quyết định triển khai các bước của dự án theo đúng quy hoạch, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, trong đó có việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Nhằm đáp ứng với yêu cầu khi thu hút đầu tư vào tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đặc biệt là yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhà đầu tư các dự án cam kết sử dụng các công nghệ có xuất xứ từ các nước G7/Châu Âu, thiết bị mới 100% đảm bảo các chỉ tiêu về khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo đó, áp dụng công nghệ luyện thép xanh (luyện thép phi cốc) hiện đại, thân thiện với môi trường để sản xuất thép xanh; đầu tư chế biến sâu từ quặng với quy trình sản xuất khép kín, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm của khâu trước là đầu vào của khâu sau, tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng…
Dự kiến, khi tổ hợp 3 dự án đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 16.200 lao động với tiến độ tuyển dụng từ 2023-2025, chủ yếu là các lao động kỹ thuật và được đào tạo chuyên ngành, theo các ngành và dây chuyền sản xuất cụ thể; lao động phổ thông khoảng 2.000 người; đồng thời sẽ thu hút nhiều lao động gián tiếp từ các ngành nghề dịch vụ, công nghiệp phụ trợ. UBND huyện Nghĩa Hưng đang tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động thuộc diện thu hồi đất tại khu vực Cồn Xanh để có kế hoạch đào tạo nghề.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu hỗ trợ chính đáng của người dân
Để triển khai dự án, tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định chủ trương thu hồi 425ha đất bãi bồi ven biển. Về nguồn gốc đất đai thực hiện các dự án, UBND tỉnh Nam Định cho biết, diện tích đất Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng là vùng đất công, UBND tỉnh đã tạm giao quyền quản lý hành chính cho các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm và Nam Điền theo Quyết định số 1917/2001/QĐ-UBND ngày 14-9-2001 của UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND các xã đã ký hợp đồng cho các hộ gia đình thuê để sản xuất nông nghiệp có thời hạn (không phải là đất giao ổn định, lâu dài cho nhân dân). Từ năm 2022, tất cả các hợp đồng thuê đất đã hết hiệu lực, nhưng còn một số hộ không di dời tài sản, tiếp tục kiến nghị, thắc mắc, chủ yếu liên quan đến quyền lợi kinh tế, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Nhằm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, cũng như tiến độ dự án, từ năm 2023 đến nay, tỉnh Nam Định đã tổ chức 6 buổi đối thoại với đại diện các hộ dân khu vực Cồn Xanh. Việc giải quyết đơn thư kiến nghị của các hộ nuôi trồng thủy sản đã được các cấp chính quyền thực hiện văn bản trả lời theo quy định. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh giao các sở, ngành, UBND huyện Nghĩa Hưng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu hỗ trợ chính đáng của người dân để sớm giải quyết theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền tạo điều kiện hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống; bảo đảm an sinh xã hội, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất.
Bằng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay công tác thu hồi đất khu vực Cồn Xanh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đa số người dân Cồn Xanh đã nắm bắt rõ chủ trương của cả hệ thống chính trị với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực này. Nhiều hộ dân đã ký biên bản xác nhận với UBND các xã về việc đồng thuận thu dọn tài sản hiện tại, trả lại đất cho chính quyền quản lý.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khẳng định: Tỉnh thống nhất quyết tâm chính trị phải thực hiện thành công các dự án tại khu vực Cồn Xanh. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội của tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để một số hộ dân Cồn Xanh khẩn trương thu hoạch thủy sản còn lại, bàn giao đất cho chính quyền để triển khai các dự án.
Các cơ quan chức năng, nhất là Công an tỉnh, Công an huyện Nghĩa Hưng phải chủ động nắm sát diễn biến tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, không để hình thành điểm nóng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh và các ngành chức năng sẵn sàng tiếp tục đối thoại với các hộ dân nuôi trồng thủy sản nếu các hộ dân có nội dung kiến nghị mới trên cơ sở bảo đảm lợi ích cho người dân trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Đồng chí mong muốn người dân khu vực Cồn Xanh đồng thuận, ủng hộ chủ trương, định hướng của tỉnh về công tác thu hồi đất để sớm triển khai các dự án trên địa bàn, vì sự phát triển chung của tỉnh.