Nam bộ kháng chiến - Mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc

'Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền'. Cách đây 76 năm, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Quân - dân Sài Gòn - Gia Định dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ.

Chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân Nam Bộ với vũ khí thô sơ như tầm vông, giáo mác, nhất tề đứng lên đánh đuổi quân xâm lược để rồi sau đó cùng quân dân cả nước tiếp tục thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước sau này.

Thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư tiệu

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Tiêu biểu cho tinh thần “độc lập hay là chết” là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng ngày 23-9-1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập bốn mặt trận ở ngoại thành Sài Gòn. Chúng ta vừa bố trí lực lượng chốt giữ các cầu chính để vây địch trong nội thành, vừa triển khai lực lượng tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của chúng rồi nhanh chóng rút lui. Mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực tham gia cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngã đường. Nhân dân Sài Gòn còn triệt để thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ đóng cửa, xe điện ngưng chạy… Với ý chí “Độc lập hay là chết”, đồng bào Nam Bộ đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện để quân và dân ta bước vào giai đoạn thực hiện toàn quốc kháng chiến.

Tinh thần đại đoàn kết, kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc là truyền thống quý báu của nhân dân ta, được hun đúc và ngời sáng trong Nam Bộ kháng chiến, được tiếp tục gìn giữ, vun bồi trong những năm đấu tranh gian khổ tiếp theo và cả trong thời bình xây dựng đất nước. Tinh thần Ngày Nam Bộ kháng chiến 23-9 lịch sử mãi mãi không phai mờ trong lòng mỗi người dân và các thế hệ mai sau.

Tiếp nối truyền thống yêu nước, kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hào khí Nam Bộ; chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Sóc Trăng đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển hạ tầng đạt nhiều kết quả tích cực; văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục… tiếp tục phát triển; chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao…

Phát huy khí phách anh hùng của Ngày Nam Bộ kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo; đặc biệt cùng cả nước thực hiện tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đem lại cuộc sống, sức khỏe bình an cho nhân dân.

NHẤT HUY

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/nam-bo-khang-chien-moc-son-lich-su-hao-hung-cua-dan-toc-51771.html