Năm 2024 và những cuộc bầu cử lịch sử

Từ Âu sang Á, năm 2024 chứng kiến số lượng cuộc bầu cử kỷ lục, những cuộc đua kịch tính, định hình trật tự thế giới trong nhiều năm tiếp theo.

Trong năm 2024, hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, chiếm hơn 40% dân số thế giới, đã bỏ phiếu để chọn ra những lãnh đạo. Đây là số cuộc bầu cử kỷ lục mà lịch sử thế giới từng ghi nhận.

Cùng điểm lại một số cuộc bầu cử đáng chú ý trong năm qua.

Mỹ: Kỳ bầu cử lịch sử

Cuộc bầu cử được cả thế giới quan tâm trong năm qua chính là bầu cử tổng thống Mỹ. Và không phụ kỳ vọng của những người theo dõi, nước Mỹ đã có một cuộc bầu cử kịch tính, hấp dẫn và xứng đáng ghi vào lịch sử.

Cuộc bầu cử ban đầu là cuộc chạy đua giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa - vị cựu tổng thống đầu tiên bị kết tội hình sự.

Những tưởng cuộc đua năm nay sẽ là màn tái đấu giữa hai ứng viên tổng thống lớn tuổi nhất lịch sử Mỹ với ông Biden (81 tuổi) và ông Trump (78 tuổi), thì Tổng thống Biden ngày 21-7 bất ngờ thông báo rút khỏi cuộc đua và nhường ngọn đuốc cho Phó Tổng thống Kamala Harris. Diễn biến này được cho là do những thất vọng của cử tri và đảng viên Dân chủ sau màn thể hiện kém thuyết phục của ông Biden trong phiên tranh luận với ông Trump trước đó không lâu.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phiên tranh luận đầu tiên tối 27-6. Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phiên tranh luận đầu tiên tối 27-6. Ảnh: CNN

Việc ông Biden rời bỏ cuộc đua đánh dấu lần đầu tiên sau 56 năm một tổng thống đương nhiệm ở Mỹ không tái tranh cử. Tiếp ngọn đuốc của ông Biden, bà Harris có chưa đầy 4 tháng để chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Hầu hết các cuộc khảo sát trước bầu cử đều chỉ ra cuộc đua năm nay sẽ có kết quả rất sít sao. Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Trump đã giành chiến thắng thuyết phục, chiến thắng tất cả 7 bang chiến trường, và trở thành tổng thống thứ hai ở Mỹ đắc cử hai nhiệm kỳ không liên tiếp.

 Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước đông đảo người ủng hộ tại TP West Palm Beach (Florida) ngày 6-11 sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước đông đảo người ủng hộ tại TP West Palm Beach (Florida) ngày 6-11 sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Giờ đây, cả thế giới đang hồi hộp chờ đợi Tổng thống đắc cử Trump sẽ làm gì trong nhiệm kỳ thứ hai của ông sau khi nhà lãnh đạo này trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 tới.

Iran: Cuộc bầu cử ngoài dự liệu

Iran đã buộc phải tổ chức bầu cử trong năm 2024 sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi đột ngột qua đời vào tháng 5 trong tai nạn trực thăng.

 Lễ tang Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: WANA

Lễ tang Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: WANA

Ở Iran, việc bỏ phiếu được một hội đồng giáo sĩ và luật gia kiểm soát chặt chẽ và tất cả đều nằm dưới sự giám sát của lãnh đạo tối cao Iran.

Theo hãng thông tấn IRNA, ngày 28-6, hàng chục triệu cử tri Iran đã tham gia bỏ phiếu với 8.640 điểm bỏ phiếu được mở ở Iran và 344 điểm bỏ phiếu được mở ở nước ngoài.

Các ứng viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Iran gồm cựu Bộ trưởng Y tế Iran - ông Masoud Pezeshkian, cựu sĩ quan Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran - ông Saeed Jalili, Chủ tịch quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf; cựu Bộ trưởng Tư pháp đồng thời là cựu Bộ trưởng Nội vụ Iran - ông Mostafa Pourmohammadi.

Cuộc bỏ phiếu phải bước vào vòng hai sau khi kết quả kiểm phiếu cho thấy không ứng viên nào trong số 4 ứng viên đạt đủ 50% phiếu bầu để giành chiến thắng.

Ngày 5-7, cuộc bỏ phiếu vòng hai diễn ra và chiến thắng thuộc về cựu Bộ trưởng Y tế Pezeshkian. Theo tờ Sky News, ông Pezeshkian một người khá ôn hòa và được coi là tổng thống Iran theo chủ nghĩa cải cách đầu tiên sau 20 năm.

Mexico có nữ tổng thống đầu tiên

Cho đến năm 1953, Mexico không cho phép phụ nữ có quyền bỏ phiếu và hơn 75% người Mexico than thở rằng đất nước của họ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa trọng nam khinh nữ.

Tuy nhiên, ngày 2-6, bà Claudia Sheinbaum, nhà khoa học môi trường và cựu thị trưởng TP Mexico đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mexico với khoảng 60% số phiếu bầu.

 Bà Claudia Sheinbaum ăn mừng sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Mexico ngày 3-6. Ảnh: AFP

Bà Claudia Sheinbaum ăn mừng sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Mexico ngày 3-6. Ảnh: AFP

Bà Sheinbaum trở thành nữ tổng thống đầu tiên của đất nước và cũng là người giành chiến thắng với tỉ lệ phiếu bầu cao nhất trong lịch sử Mexico.

Ấn Độ: Cuộc bầu cử với những con số khủng

Cuộc bỏ phiếu Hạ viện vừa qua ở Ấn Độ có hơn 750 chính đảng tranh cử, diễn ra trong 6 tuần (từ ngày 19-4 đến ngày 1-6) và được chia thành 7 giai đoạn khác nhau. Đây là cuộc bầu cử dài thứ hai kể từ cuộc bầu cử đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1951-1952.

Theo Ủy ban Bầu cử Ấn Độ, con số kỷ lục là 642 triệu người đã đi bỏ phiếu.

 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ăn mừng chiến thắng tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4-6. Ảnh: NIKKEI ASIA

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ăn mừng chiến thắng tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4-6. Ảnh: NIKKEI ASIA

Với việc giành được 292/543 ghế, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Xáo động chính trường Anh, Pháp

Ngày 22-5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak bất ngờ thông báo đẩy ngày tổng tuyển cử lên tháng 7, sớm nhiều tháng so với thời hạn.

Thủ tướng Anh cho biết yếu tố kinh tế là nguyên nhân chính thúc đẩy ông kêu gọi tổng tuyển cử sớm hơn so với dự kiến, đồng thời nói rằng “mọi việc không hề dễ dàng” đối với nhiều người Anh.

Thông thường, thủ tướng sẽ chọn thời điểm tổng tuyển có lợi cho đảng của mình. Theo tính toán thì thời điểm thích hợp là vào mùa thu khi kinh tế Anh được dự đoán sẽ khởi sắc.

Quyết định của ông Sunak được đưa ra trong bối cảnh sự ủng hộ của người dân Anh với đảng Bảo thủ cầm quyền giảm dần sau một loạt cuộc khủng hoảng bao gồm suy thoái kinh tế, các vụ bê bối và sự thay đổi lãnh đạo liên tục trong hai năm qua.

Trong khi đó, Công đảng được nhiều người cho là đang ở thế mạnh nhất.

Và kết quả là Công đảng đã giành được 412 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện. Trong khi đó, đảng Bảo thủ chỉ giành được 121 ghế - mức thấp nhất trong lịch sử của đảng này.

Thủ tướng Sunak sau đó tuyên bố từ chức.

 Ông Keir Starmer - lãnh đạo Công đảng - vận động tranh cử tại hạt Hertfordshire (Anh) hồi tháng 7. Ảnh: PA IMAGES

Ông Keir Starmer - lãnh đạo Công đảng - vận động tranh cử tại hạt Hertfordshire (Anh) hồi tháng 7. Ảnh: PA IMAGES

Ngày 5-7, ông Keir Starmer - lãnh đạo Công đảng - tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Anh - chấm dứt 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ tại Anh.

Tương tự, tại Pháp, ngày 9-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo giải tán quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử sớm, sau khi kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu cho thấy đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của phe đối lập đang giành ưu thế trước đảng Phục hưng của ông Macron, theo đài CNN.

Khác với những đồn đoán rằng RN sẽ giành chiến thắng dễ dàng, kết quả cho thấy cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) giành được 182 ghế, kế đến là liên minh trung dung của Tổng thống Macron với 163 ghế và đảng RN với 143 ghế.

Kết quả bầu cử trên khiến chính trường Pháp rơi vào tình trạng bất ổn vì không đảng nào giành đa số tuyệt đối.

Bầu cử Đài Loan: Cuộc đua định hình quan hệ xuyên eo biển

Tối 13-1, ứng viên đảng Dân tiến (đảng cầm quyền Đài Loan) Lại Thanh Đức đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm nay.

Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử Trung ương Đài Loan (CEC), với 99% số phiếu được kiểm, ông Lại Thanh Đức chiến thắng với 5.543.447 phiếu bầu, chiếm tỉ lệ 40,1%. Trong khi đó, ông Hầu Hữu Nghi (ứng viên Quốc dân đảng) giành được 33,46% và ông Kha Văn Triết (ứng viên đảng Dân chúng) giành được 26,44%.

Với chiến thắng của ông Lại Thanh Đức, đảng Dân tiến thành công đắc cử nhiệm kỳ 3 cầm quyền.

 Ứng viên đảng Dân tiến Lại Thanh Đức và cấp phó Tiêu Mỹ Cầm họp báo sau khi đắc cử vị trí lãnh đạo và phó lãnh đạo Đài Loan ngày 13-1. Ảnh: AFP

Ứng viên đảng Dân tiến Lại Thanh Đức và cấp phó Tiêu Mỹ Cầm họp báo sau khi đắc cử vị trí lãnh đạo và phó lãnh đạo Đài Loan ngày 13-1. Ảnh: AFP

Trung Quốc coi đảng Dân tiến là “những kẻ ly khai” chính trị và nói với cử tri rằng việc bỏ phiếu cho đảng này cũng giống như một cuộc bỏ phiếu cho “chiến tranh” ở eo biển Đài Loan.

Ngày 20-5, ngay sau khi ông Lại tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Đài Loan , Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích bài phát biểu nhậm chức của ông Lại, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Cụ thể, người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc của chính phủ Trung Quốc - ông Trần Bân Hoa nói rằng ông Lại gửi “tín hiệu nguy hiểm” về việc tìm kiếm “độc lập của Đài Loan” và đưa ra những hành động khiêu khích nhằm phá hoại hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nam-2024-va-nhung-cuoc-bau-cu-lich-su-post827406.html