Năm 2024 hộ chiếu (passport) Việt Nam có sự thay đổi bất ngờ về vị trí xếp hạng

Năm 2024, hộ chiếu (passport) Việt Nam đứng thứ bao nhiêu trên bảng xếp hạng thế giới? Cập nhật thông tin mới nhất trong bài viết dưới đây.

Hộ chiếu (passport) Việt Nam đứng thứ 92/109

Henley Passport Index 2024 mới đây đã công bố xếp hạng hộ chiếu trên khắp thế giới dựa theo số điểm đến mà những người mang hộ chiếu này được miễn xin thị thực trước. Bảng xếp hạng năm nay đánh giá hộ chiếu của 199 quốc gia/vùng lãnh thổ, với thị thực từ 227 điểm đến.

Theo đó, trong số này, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 92/109, cùng hạng với hộ chiếu Bhutan, CH Trung Phi, Chad, Quần đảo Comoro, Ai Cập và Haiti (được miễn thị thực ở 55 điểm đến). Hộ chiếu yếu nhất là Afghanistan (hạng 109), chỉ được miễn thị thực ở 28 điểm đến.

Việt Nam nằm trong nhóm hộ chiếu yếu nhất thế giới khi chỉ được miễn thị thực vào 55 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2023, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 88/109, với số điểm đến được miễn thị thực là 55. Một số quốc gia khác nằm ở những vị trí cuối bảng xếp hạng là Syria (hạng 108), Iraq (hạng 107), Pakistan (hạng 106) và Yemen (hạng 105).

Ngoài Việt Nam, hộ chiếu một số quốc gia Đông Nam Á cũng thuộc nhóm dưới của bảng xếp hạng như Campuchia (hạng 91) Lào (hạng 95), Myanmar (hạng 97). Bên cạnh đó hộ chiếu Philippines xếp hạng 78 và hộ chiếu Thái Lan hạng 66. Trong khi đó hộ chiếu Malaysia đứng ở vị trí khá cao là hạng 12, được miễn thị thực ở 184 điểm đến.

Tại châu Á, một số quốc gia như Trung Quốc xếp hạng 64, (được miễn thị thực ở 86 điểm đến); Triều Tiên xếp hạng 102 (42 điểm đến).

Nhóm hộ chiếu nào quyền lực nhất thế giới?

Cũng theo dữ liệu từ báo cáo thường niên Henley & Partners Passport Index năm 2024, 6 hộ chiếu giữ vị trí dẫn đầu gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Singapore và Tây Ban Nha, với 194 quốc gia/vùng lãnh thổ miễn thị thực nhập cảnh. Trong đó, Nhật Bản và Singapore giữ vị trí này trong suốt 5 năm qua. Còn 4 nước châu Âu vươn lên vị trí này trong năm nay.

Trung Quốc gần đây đã miễn thị thực cho 4 quốc gia này cùng 50 nước Châu Âu khác nhằm hồi sinh ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có động thái tương tự nhằm thúc đẩy du lịch và kích thích hoạt động kinh tế. Trong 8 năm qua, người mang hộ chiếu Đức và Singapore được nhập cảnh miễn thị thực vào 35 quốc gia mới.

Cùng giữ vị trí thứ 2 với 193 nơi miễn thị thực là Phần Lan, Thụy Điển và Hàn Quốc. Mỹ đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng này – một trong những vị trí thấp nhất của quốc gia này từ trước đến nay. Trong thập kỷ qua, hộ chiếu Mỹ tụt hạng do căng thẳng ngoại giao cũng như chính sách ít cởi mở với du khách nước ngoài. Đơn cử, Brazil gần đây bãi bỏ chính sách miễn thị thực cho công dân Mỹ sau khi Washington có động thái tương tự.

6 hộ chiếu quyền lực nhất nhất thế giới thuộc về 4 quốc gia châu Âu và 2 quốc gia châu Á.

Xét theo khu vực, 23/30 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới nằm ở châu Âu, 3 ở châu Á. Châu Đại Dương và Bắc Mỹ mỗi nơi có 2 đại diện.

Trên thế giới, một số nơi đang siết chặt chính sách miễn thị thực. Trong đó, từ năm 2025, công dân Mỹ sẽ phải xin thị thực để nhập cảnh vào châu Âu, thay vì được miễn như hiện tại. Ngoài công dân Mỹ, công dân Canada, Mexico và khu vực Nam Mỹ cũng sẽ phải điền vào đơn xin thị thực trước khi nhập cảnh vào châu Âu. Trong hầu hết các trường hợp, việc xin thị thực được xử lý chỉ trong vài phút, nhưng một số nơi khác có thể kéo dài tới vài tuần.

Ngược lại, ở châu Á, Indonesia đang thảo luận về việc miễn thị thực cho công dân 20 quốc gia trên thế giới để thúc đẩy du lịch và đầu tư vào nước này. Singapore cũng đang cân nhắc miễn thị thực cho công dân Trung Quốc. Gần đây, Thái Lan và Malaysia đã miễn thị thực cho công dân Trung Quốc bởi du khách từ đất nước tỷ dân đóng vai trò quan trọng đối với ngành du lịch ở các nước này.

Dữ liệu của Bảng xếp hạng hộ chiếu Henley được thu thập trong 18 năm, dựa trên dữ liệu của Cơ quan Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp và được bổ sung bằng cách sử dụng nghiên cứu nội bộ và dữ liệu trực tuyến nguồn mở, được cập nhật hàng tháng.

Đối với mỗi điểm đến du lịch, nếu người mang hộ chiếu từ một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không cần thị thực thì điểm có giá trị = 1 sẽ được cộng cho hộ chiếu đó. Điểm có giá trị = 1 cũng được áp dụng nếu người mang hộ chiếu có thể xin được thị thực tại cửa khẩu, giấy phép du khách hoặc cơ quan du lịch điện tử (ETA) khi vào điểm đến. Những loại thị thực này không yêu cầu sự chấp thuận của chính phủ trước khi khởi hành vì có các chương trình miễn thị thực cụ thể.

Các hộ chiếu được tính đến là hộ chiếu bình thường, không phải hộ chiếu ngoại giao, khẩn cấp hoặc tạm thời. Người mang hộ chiếu là công dân trưởng thành của quốc gia cấp hộ chiếu, đi một mình chứ không đi theo nhóm du lịch.

Diễm Hằng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nam-2024-ho-chieu-passport-viet-nam-co-su-thay-doi-bat-ngo-ve-vi-tri-xep-hang-172240223123937422.htm