Năm 2022: thời tiết diễn biến khá thuận lợi

Năm 2022, các đợt bão lũ với 7 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới được bắt đầu muộn và kết thúc khá sớm. Điều này cũng giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của thiên tai đối với các địa phương. Bên cạnh đó, nắng nóng cũng không gay gắt, giúp mùa màng thuận lợi.

Số lượng bão thấp hơn trung bình nhiều năm

Theo Tổng cục khí tượng thủy văn, năm 2022, trên khu vực Biển Đông đã có 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (7 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới). Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới thấp hơn trung bình nhiều năm (12-13 cơn). Đồng thời, mùa bão bắt đầu muộn (28/6/2022) và kết thúc sớm (3/11/2022).

Do ảnh hưởng của bão số 4, tại Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Trên đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11-13; khu vực khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Kon Tum-Gia Lai có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.

Vị trí, đường đi và phạm vi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, ngày 14/10/2022. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Vị trí, đường đi và phạm vi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, ngày 14/10/2022. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Bắc Bộ ít lũ, lũ nhỏ

Mùa lũ năm 2022, khu vực Bắc Bộ chủ yếu là lũ lớn trên thượng lưu các sông nhỏ, riêng vùng cửa sông Hồng- Thái Bình xuất hiện lũ lớn báo động 3.

Nguồn nước các tháng lũ chính vụ thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, từ 30-80%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà.

Ngập lụt tại nhiều đô thị, thành phố lớn ở khu vực đồng bằng cũng như vùng núi như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả), Lào Cai, Lai Châu, Thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)…

Năm 2022, tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã xuất hiện 3 đợt lũ vừa và lớn trên diện rộng, tại Nghệ An, từ Nam Quảng Bình đến Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên, xảy ra vào cuối tháng 9 và tháng 10/2022.

Lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra tại các tỉnh vùng núi như: Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum...

Nắng nóng ít hơn, không gay gắt

Theo Tổng cục khí tượng thủy văn, nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Trong đó khu vực Điện Biên-Lai Châu cao hơn khoảng từ 0,5-1 độ C; riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Năm 2022, cả nước đã xảy ra 14 đợt nắng nóng trên diện rộng, ít hơn hẳn so với năm 2021. Nắng nóng xảy ra muộn hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Bộ, các khu vực còn lại nắng nóng xảy ra xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Các đợt nắng nóng năm 2022 xảy ra trong thời gian ngắn, không kéo dài.

Nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi bị ngập sâu trong đợt mưa lớn từ ngày 9-10/10/2022. Ảnh: VGP

Nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi bị ngập sâu trong đợt mưa lớn từ ngày 9-10/10/2022. Ảnh: VGP

Một trường học tại huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng bị ngập do mưa lớn từ ngày 9-10/10/2022. Ảnh: VGP

Một trường học tại huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng bị ngập do mưa lớn từ ngày 9-10/10/2022. Ảnh: VGP

Mưa lớn cục bộ, cường xuất lớn

Tổng lượng mưa khu vực Tây Bắc, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-20%, còn lại các nơi khác trên cả nước đều ở ngưỡng cao hơn từ 15-50% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mùa mưa tại Bắc Bộ kết thúc ngang với trung bình nhiều năm, trong khi đó ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ mùa mưa kết thúc muộn.

Bên cạnh đó, số ngày mưa vừa, mưa to các khu vực trên cả nước phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Năm 2022, cả nước đã xảy ra 26 đợt mưa lớn diện rộng. Tần suất xuất hiện các đợt mưa lớn tập trung nhiều nhất trong tháng 4, 9/2022. Đây cũng là hai tháng có các đợt mưa xảy ra ở nhiều khu vực trên phạm vi cả nước.

So với năm 2021, số đợt mưa lớn diện rộng trong năm 2022 ở Bắc Bộ xảy ra nhiều hơn, nhưng ngược lại ở Trung Bộ và Tây Nguyên, số đợt mưa lớn diện rộng lại ít hơn so với năm 2021. Ở Nam Bộ tương đương so với năm 2021.

Sáng 18/12/2022, băng tuyết phủ trắng đỉnh Fansipan. Hình ảnh những thân cây trong băng giá. Ảnh: Quốc Dũng

Sáng 18/12/2022, băng tuyết phủ trắng đỉnh Fansipan. Hình ảnh những thân cây trong băng giá. Ảnh: Quốc Dũng

Các đợt không khí lạnh xuất hiện ít hơn trong năm 2022

Tổng cục khí tượng thủy văn cho biết, trong năm 2022 đã có 22 đợt không khí lạnh xâm nhập xuống nước ta. Trong đó có 15 đợt gió mùa Đông Bắc và 7 đợt không khí lạnh tăng cường, ít hơn so với trung bình nhiều năm.

Số ngày rét đậm trong tháng 1/2022 đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 6-8 ngày. Trong đó, tháng 2/2022 số ngày rét đậm cao hơn từ 4-7 ngày.

Tháng 12/2022 số ngày rét đậm xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng vùng núi phía Bắc số ngày rét đậm cao hơn từ 4-7 ngày.

Nhìn chung, không khí lạnh năm 2022 tương đương trung bình nhiều năm, nhiều hơn so với năm 2021. Không khí lạnh đến sớm nhưng chính vụ lại thưa thớt.

N.Cường

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nam-2022-thoi-tiet-dien-bien-kha-thuan-loi-179230109162939507.htm