Mỹ vớt vát thể diện sau khi bỏ rơi đồng minh

Các đồng minh của Mỹ từ Âu sang Á tự hỏi liệu đảm bảo an ninh mà họ tin sẽ nhận được từ Mỹ giờ đây còn giá trị nữa hay không.

Phủi tay và gỡ thể diện kiểu Mỹ

Ngày 16/10, phát biểu tại cuộc họp với Tổng thống Italy Sergio Mattarella ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bảo vệ việc rút binh sỹ Mỹ khỏi miền Bắc Syria, được coi như động thái “bật đèn xanh” cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd - đồng minh của Washington - tại khu vực này.

Ông Trump nêu rõ: "Chúng ta không phải là một đặc vụ giữ trật tự. Đã đến lúc chúng ta phải về nhà… Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria thì đó là việc giữa Ankara và Damascus. Đó không phải là việc của Mỹ".

Ông Trump cũng khẳng định người Kurd ở Syria, vốn trước kia là đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), đã không còn là "những thiên thần". Ông nói: "Chúng ta trả rất nhiều tiền cho họ để chiến đấu cùng với chúng ta. Họ đã không làm tốt khi mà họ đã không chiến đấu cùng với chúng ta".

Tổng thống Trump khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria không phải việc của Mỹ

Ông chủ Nhà Trắng đồng thời bảo vệ cái mà hàng chục nghị sỹ đã gọi là sự phản bội của Mỹ đối với các đồng minh người Kurd bằng việc khẳng định rằng Mỹ phải tự mình rút ra khỏi các cuộc chiến tranh không có hồi kết.

Bên cạnh việc phủ nhận trách nhiệm trong việc để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd, ông Trump cũng cố “vớt vát” thể diện khi cho biết đang cố gắng đàm phán với Ankara, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể tàn phá nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu như các cuộc thảo luận giữa Washington và Ankara không thành công.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thảo luận với giới chức nước chủ nhà về chiến dịch quân sự của Ankara tại Syria. Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng sẽ có cuộc hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan để trao đổi quan điểm về vấn đề này trong ngày 17/10.

Tổng thống Trump cho biết: “Tôi nghĩ họ sẽ có một cuộc họp thành công. Nếu không, các biện pháp trừng phạt, thuế quan và những thứ khác mà chúng tôi đang áp dụng và sẽ áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phá hủy nền kinh tế của quốc gia này”.

Xe bọc thép cùng lính Mỹ tại thị trấn Ras al-Ain thuộc tỉnh Hasakeh của Syria giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, một ngày trước khi Tổng thống Trump ra lệnh rút quân

Trước đó cùng ngày, với 354 phiếu thuận và 60 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết chính thức lên án quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân đội khỏi miền Bắc Syria. Nghị quyết do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel và nhà lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa tại ủy ban này là Michael McCaul đề xuất.

Nghị quyết trên cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt hành động quân sự tại Đông Bắc Syria, đồng thời đề nghị Nhà Trắng đưa ra một kế hoạch rõ ràng và cụ thể đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cùng với việc bỏ phiếu, một số nghị sĩ Mỹ đã trình dự luật áp đặt trừng phạt Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các thực thể nước ngoài hợp tác quốc phòng với nước này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stenven Mnuchin tuyên bố Washington sẽ tăng sức ép kinh tế lên Ankara nếu các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận ngừng bắn tại miền Bắc Syria.

Các đồng minh Mỹ liệu có đặt câu hỏi nghi ngờ?

Ngày 8/10, Tổng thống Trump ra lệnh rút hết binh sĩ Mỹ tại khu vực miền Bắc Syria khi tuyên bố ông không muốn Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến vô nghĩa kéo dài nhiều năm và không đem lại lợi ích cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, quyết định trên của ông đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nhà lập pháp cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bởi họ cho rằng đây là động thái "mở đường" cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với lợi ích quốc gia chiến lược của Mỹ, tạo ra mối đe dọa đối với an ninh và ổn định trong khu vực và làm giảm khả năng của Mỹ trong việc xây dựng các liên minh chiến lược trong tương lai.

Những động thái đe dọa bằng lời nói như trên của Tổng thống Trump không giúp Mỹ xua tan nỗi lo sợ của các đồng minh rằng họ có thể bị phản bội ngay cả trong lúc khó khăn nhất. Giới phân tích mỉa mai rằng dựa vào Mỹ để bảo vệ mình vào thời điểm khủng hoảng là một việc làm mạo hiểm, hoàn toàn không dành cho người nhát gan.

Có thông tin cho rằng quân Mỹ rút lui như trốn chạy khỏi miền Bắc Syria

Mỹ đã gạt bỏ một cách bất ngờ và không thương tiếc người Kurd ở Syria, những người sau nhiều năm chiến đấu cùng với lính Mỹ và hi sinh tính mạng của họ phục vụ cho những mục tiêu của Washington, và để mặc số phận họ cho Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ thù truyền thống của người Kurd, định đoạt.

Ông Trump còn “nói lời cay đắng” khi cho rằng quân nổi dậy người Kurd "gần như" là một nguy cơ khủng bố lớn hơn IS. Ông Trump nêu rõ: "PKK, vốn là một bộ phận của người Kurd, như bạn biết, gần như tồi tệ như khủng bố và là nguy cơ khủng bố lớn hơn theo nhiều cách so với IS".

Saudi Arabia, nước đã chi hàng trăm tỷ USD mua các trang thiết bị quân sự cứng của Mỹ, mới đây cũng nhận được “bài học” nhớ đời. Ông Trump cho rằng cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia không cần đến phản ứng quân sự của Mỹ và nếu Saudi Arabia vẫn cảm thấy dễ bị tổn thương, thì họ có thể gia tăng chi trả cho Washington để đổi lấy việc Mỹ sẽ gửi thêm một ít quân đến nước này.

Theo giới phân tích, sau 30 năm thúc đẩy cái mà Tổng thống Mỹ George Bush ban đầu gọi là “trật tự thế giới mới”, vai trò lãnh đạo của Mỹ đang suy giảm, và các nước bạn bè của Mỹ đang phải trả một cái giá đắt. Từ châu Âu đến Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nơi khác, các nhà lãnh đạo giờ đây đang tự hỏi liệu những sự đảm bảo về an ninh mà họ tin là sẽ nhận được từ Mỹ giờ đây còn có giá trị nữa hay không.

Mỹ có còn đáng tin trong mắt đồng minh?

Ngay cả ở các nước có quan hệ thân thiết với Mỹ như Israel cũng đang nảy sinh những nghi ngờ về giá trị của liên minh này với Mỹ. Mỹ đã từ bỏ các đồng minh có ý nghĩa sống còn ở Syria. Theo quan điểm của ông Naftali, một chính trị gia cấp cao thuộc đảng cực hữu Israel, bài học cho Israel là đơn giản: Israel sẽ luôn tự mình bảo vệ mình.

Trang phân tích Á-Âu bình luận: “Việc Tổng thống Trump quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria bất chấp số phận của những người đã chiến đấu vì nước Mỹ và không có sự tham vấn chắc chắn là tùy tiện và không được lên kế hoạch từ trước, và sẽ được ghi nhớ là một trong những sự kiện nhẫn tâm nhất trong ký ức gần đây”.

Nước Mỹ hiện nay được so sánh với nước Anh cách đây khoảng 2 thế kỷ. Thủ tướng Anh Lord Palmerston khi đó từng tuyên bố các quốc gia không có bạn bè hay đồng minh vĩnh viễn mà họ chỉ có lợi ích vĩnh viễn.

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-vot-vat-the-dien-sau-khi-bo-roi-dong-minh-3389622/