Mỹ ấp ủ kế hoạch lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Gaza thời hậu chiến

Tờ Politico hôm 23/5 đưa tin, chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể ủng hộ việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Gaza thời hậu chiến.

Cảnh đổ nát sau các vụ không kích của Israel tại Dải Gaza, ngày 7/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh đổ nát sau các vụ không kích của Israel tại Dải Gaza, ngày 7/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các nguồn thạo tin của Politico, Mỹ hy vọng sẽ đóng vai trò nổi bật trong việc xây dựng lại và phục hồi Dải Gaza sau khi xung đột Israel - Hamas kết thúc. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn đang nỗ lực để hoạch định chính xác điều này sẽ như thế nào.

Một phương án đang được cân nhắc là bổ nhiệm quan chức Mỹ làm cố vấn dân sự cho lực lượng gìn giữ hòa bình người Palestine. Theo Politico, Mỹ cũng đang nỗ lực thuyết phục Ai Cập, Maroc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham gia nếu lực lượng này được thành lập.

Các quan chức Nhà Trắng giấu tên nói với Politico rằng theo kế hoạch, cố vấn Mỹ sẽ không hiện diện tại Gaza vì chính quyền Tổng thống Biden không muốn bị coi là phía chịu trách nhiệm về hoạt động thường nhật của dải đất này. Thay vào đó, các quan chức gợi ý rằng cố vấn Mỹ có thể làm việc tại Ai Cập hoặc Jordan.

Binh sĩ Israel tuần tra dọc biên giới với Dải Gaza ngày 28/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ Israel tuần tra dọc biên giới với Dải Gaza ngày 28/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Khả năng lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Gaza đã được thảo luận trong một tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Politico có được từ tháng 3. Tài liệu này có nội dung rằng Mỹ không nên chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình bởi nguy cơ đối mặt với phản kháng quyết liệt của người dân Palestine. Thay vào đó, tài liệu đề xuất lực lượng này nên bao gồm khoảng 2.000 thành viên người Palestine và thêm 1.000 thành viên từ các nước Arab, với một “sĩ quan cấp cao phù hợp” từ Israel, Ai Cập hoặc Chính quyền Palestine (PA) đứng đầu.

Tài liệu bổ sung rằng Mỹ hiện ủng hộ Ai Cập là bên lãnh đạo lực lượng. Việc quản lý Gaza thời hậu chiến là trọng tâm trong các cuộc thảo luận chiến lược. Tuy nhiên, Israel chưa cam kết về kế hoạch rõ ràng sau xung đột, khiến các đồng minh chỉ trích Tel Aviv và phát sinh rạn nứt chính trị nội bộ.

Đặc biệt, ông Benjamin Netanyahu đã không cam kết về vấn đề này, khiến Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vào tuần trước phải công khai kêu gọi thủ tướng loại trừ khả năng Israel quản lý quân sự hoặc dân sự ở Gaza. Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã chỉ trích ông Netanyahu trong các cuộc tham vấn an ninh hồi đầu tháng này vì đã không phát triển và công bố chiến lược hậu chiến tại Gaza.

Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu cho biết Israel sẽ kiểm soát an ninh đối với Gaza nhưng giao quyền quản lý dân sự cho người Palestine địa phương không liên kết với Hamas hoặc Chính quyền Palestine (PA). Nhà lãnh đạo này đã gợi ý rằng các quốc gia Arab và nhiều nước khác có thể hỗ trợ quản lý cũng như tái thiết Gaza.

Một kế hoạch khác được đề xuất là Chính quyền Palestine quản lý Gaza với sự hỗ trợ của các quốc gia Arab và Hồi giáo, bao gồm cả Saudi Arabia.

Hamas cũng đã đề xuất một thỏa thuận theo từng giai đoạn, trong đó họ sẽ thả tất cả con tin Israel để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine và Tel Aviv rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, thực thi lệnh ngừng bắn kéo dài và tái thiết dải đất này. Tuy nhiên, điều này có thể giúp Hamas kiểm soát Gaza và xây dựng lại năng lực quân sự.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Times of Israel)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-ap-u-ke-hoach-lap-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-tai-gaza-thoi-hau-chien-20240525082059199.htm