Mưu sinh đầu mùa nước nổi
Dân miền Tây có câu 'tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ'. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
1. Giữa tháng 8/2024, tôi đến khu vực đầu nguồn sông Hậu thuộc xã Khánh Bình và Nhơn Hội huyện An Phú, tỉnh An Giang khi dòng nước cuộn đỏ phù sa vẫn ồ ạt chảy từ Campuchia sang. Trên các cánh đồng ven biên, nước ngập gần tới ngực. Dân làm nghề hạ bạc từ mấy ngày trước đã tranh thủ đặt các luồng dớn chằng chịt nhằm đón đợt cá linh đầu mùa. Cách nhau vài mươi mét trên cánh đồng là có một luồng dớn, như "thiên la địa võng" để bắt cá. Mặc dù vậy, nhiều chủ dớn vẫn than là cá chạy rất ít, không bằng các năm trước.
Ông Út Thành, quê ở ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, An Phú vừa nhổ hơn 200 mét đăng dớn để dời luồng, vừa tâm sự, mấy năm trước đầu mùa nước như thế này mỗi ngày ông đổ được hơn 100 kí cá linh, bán cho thương lái cũng được gần 2 triệu đồng. Vậy mà mấy ngày rồi dớn ông chỉ thu hoạch chừng 20 kí cá, đem bán lẻ tại các chợ được khoảng 400.000 đồng. Theo ông Thành, lượng cá năm nay ít một phần vì sụt giảm nguồn thủy sản nói chung trên lưu vực sông Mekong, và cũng có thể do nước chưa về nhiều. Ông hi vọng vài hôm nữa nước ngập đồng sâu hơn, các luồng dớn của ông sẽ trúng cá.
Cách chỗ ông Út Thành cắm dớn không xa, anh Long và vợ cũng đang soạn lại mớ lưới cước, mấy cây đài để chuẩn bị xuống mấy luồng dớn khu vực đầu nguồn. Anh Long cho biết quê anh ở xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, nhưng năm nào vào mùa nước nổi cũng dẫn theo vợ con lên miệt trên này làm nghề cá. Anh cất một cái trại nhỏ trên bờ kinh, rồi mỗi ngày chạy ghe đi đặt dớn từ sáng sớm đến tối, chỉ ban đêm mới về trại nghỉ ngơi. Anh chỉ chiếc ghe đang đậu gần cái trại vừa cất tạm, nói mọi năm vào mùa cá thì đổ một ngày là khẳm ghe, cỡ hơn 1 tấn cá là chuyện thường. Mà không phải chỉ mình anh, hàng trăm hộ làm nghề cá ở đầu nguồn này đều trúng như vậy. Anh nhẩm tính, trừ mọi chi phí, sau mùa cá gia đình anh sẽ được rủng rỉnh vài chục triệu để trang trải cuộc sống. Năm nay, cá chưa nhiều nhưng bằng kinh nghiệm của người làm nghề hạ bạc gần hai chục năm, anh Long đoán là chỉ dăm ngày nữa cá sẽ "trôi" về tha hồ mà đánh bắt.
Anh Long nói xong rồi hướng ánh nhìn ra phía cánh đồng phía xa xa. Tôi cũng hướng mắt theo anh, thấy thấp thoáng những chiếc xuồng câu lưới đang ngược xuôi tìm luồng cá. Con nước vẫn đang cuồn cuộn đổ vào đất Việt nơi thượng nguồn. Màu nước sẫm đục cho thấy lượng phù sa tích trữ bên trong vô cùng đậm đặc. Dù vậy, cả cánh đồng vẫn như một tấm kính khổng lồ soi bóng trời xanh mây trắng. Nhưng với những người làm nghề đánh bắt cá như ông Út Thành hay anh Long, có lẽ họ chẳng bận tâm mấy đến cái đẹp hào nhoáng của cảnh vật. Họ thấp thỏm mong chờ từng ngày là cá sẽ về nhiều hơn, để sớm lấy lại vốn liếng đã đầu tư vào xuồng ghe, đăng lưới.
2. Nhưng điều đọng lại trong mỗi người khi đến miệt thượng nguồn mùa này chính là tinh thần lạc quan, sự hào sảng của bà con, dù mùa cá vẫn chưa về theo con nước. Như ông Thành, anh Long mà tôi vừa kể, dù có than phiền cá mắm còn ít quá, nhưng trong thẳm sâu họ luôn lạc quan rằng nhất định vài hôm nữa tình hình sẽ khác, họ sẽ trúng "khẳm ghe" mấy hồi.
Chị Thà ở ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội cũng vậy, đi thăm lưới cả buổi về chỉ được chừng ba kí cá rô đồng mà chị cũng cười thật tươi. Chị nói đầu mùa thì giăng đủ ăn cũng được rồi, nước bêu hơn chút nữa chắc chắn cá sẽ dính nhiều, thế nào chị cũng đem lưới về nhà treo lên cho cả xóm tới gỡ cá tiếp giống như năm ngoái, chớ một mình gỡ ngoài đồng ba bữa chưa xong.
Chiều hôm đó, tôi ghé nhà anh Đồng Văn Lít, 40 tuổi, ở bên bờ bao Bắc Đai. Nói là nhà chứ thực ra nó chỉ bằng cái trại nhỏ, lợp lá, lót vạt tre, phía dưới có mấy cái thùng phuy để nổi trên mặt nước. Lúc chị Thà chỉ đường cho tôi, chị nói vui rằng nhà anh Lít là "nhà Sơn Tinh", bởi vì nước dâng cao tới đâu nhà sẽ nổi lên tới đó. Giờ gặp cái "nhà nổi" này, tôi thấy chị Thà nói không sai. Anh Lít chẳng cần chào hỏi gì nhiều, đã mời tôi vào "tệ xá". Tôi leo lên võng nằm, nhìn anh ngồi vót cần để cắm câu cá lóc. Anh vừa chăm chú bào thật bóng cây cần câu vừa bảo, mấy bữa rày đêm nào cũng nghe tiếng cá lóc đớp mồi dọc bờ bao, vót xong trăm câu này đem cắm chắc chắn sẽ dính nhiều lắm.
Anh còn nói cắm câu là việc phụ, chỉ làm chơi cho vui thôi. Việc chính của anh là trông giữ cái khoảng đồng trũng rộng ba héc-ta, để cá mắm theo mùa nước nổi vào đó ở tự nhiên, đến gần tết anh mới tát bắt đem bán. Năm rồi anh tát được 15 tấn cá các loại, trừ chi phí nhân công hết vẫn còn lời được 40 triệu đồng. Sở dĩ anh phải cất trại coi chừng là vì sợ người ta vào đánh bắt trong khu vực đồng nhà, khiến cá không dám ở lại. Suốt mấy tháng giữ "đồng cá" đôi khi cũng buồn chán, nên anh Lít đi cắm câu, đặt lọp, giăng lưới xung quanh đó. Chỉ là "làm chơi" thôi nhưng cá mắm ăn đâu có hết, anh đem ra chợ bán mỗi ngày cũng được vài trăm ngàn đồng.
Cơm chiều xong, tôi đi theo anh Lít cắm hết một trăm cây cần câu mồi nhái dọc các bờ mẫu, bờ kinh nước vừa chụp lên. Móc mồi đến lưỡi câu cuối cùng thì mặt trời cũng vừa khuất bóng, màn đêm phủ dần trên cánh đồng. Tiếng côn trùng vang lên, xen lẫn với tiếng ếch nhái, tiếng cá đớp mồi lao xao mặt nước. Ánh trăng thượng tuần chiếu lờ mờ hàng cây gần đó, nơi mấy đàn chim cò vừa mới đáp xuống sau một ngày dài bay lượn kiếm mồi.
Anh Lít tìm thảm cỏ chỉ dày trên bờ kinh rồi bảo tôi cùng ngồi xuống, đợi lát nữa thăm câu một đợt trước khi trở về trại ngủ. Tôi không ngồi mà nằm luôn trên vạt cỏ, nhắm mắt lại để lắng nghe những thanh âm vạn vật. Tôi kể với anh Lít 20 năm trước, mỗi năm khi nước lên tôi đều bơi xuồng lên miệt này nhấp ếch. Hồi đó ếch còn nhiều lắm, mấy anh em tôi đi nhấp một chuyến 10 ngày có thể sắm được cả chỉ vàng. Bây giờ nhiều cánh đồng bao đê, cá ếch cũng giảm đi đáng kể nên dân quê tôi bán xuồng ghe gần hết rồi. Mỗi người tìm cho mình một công việc khác để mưu sinh, chớ bám sông nước thì bấp bênh quá. Tôi cũng bỏ nghề câu lưới, nghề nhấp ếch lâu rồi, nhưng nằm trên cánh đồng này tự nhiên hồi ức lại sống dậy trong tôi rõ mồn một.
Anh Lít ngồi lặng lẽ đốt thuốc hút. Tôi không biết người đàn ông ấy nghĩ về điều gì, khi hướng ánh nhìn xa xăm về cánh đồng mờ nhạt dưới bóng trăng. Đến khi trăng lặn anh mới gọi tôi dậy. Tôi xem đồng hồ thấy đã chín giờ tối, liền quảy cái rọng theo anh đi thăm câu. Cá lóc dính câu khá nhiều. Thăm hết trăm câu là cái rọng tôi quảy đã thấy hơi nặng. Anh Lít nói chắc cũng cỡ mười kí cá. Có mấy cần dính ếch nhưng anh gỡ ra rồi thả đi, bảo là còn hơi nhỏ, để lớn hơn mới bắt.
Chúng tôi trở về trại rọng cá vô một cái túi lớn làm bằng lưới cước, sau đó tắm rửa xong thì đi ngủ. Cũng như lúc trên bờ kinh, tôi ngủ một giấc ngon lành vì gió đồng mát rượi. Khi thức dậy, tôi bắt gặp hình ảnh mặt trời rực lên một mảng màu hồng khổng lồ in bóng xuống cánh đồng nước bao la. Xa xa là bóng anh Lít đang nhổ câu. Có lẽ lúc nãy anh thấy tôi còn ngủ mê quá nên không gọi dậy đi cùng. Tôi cũng không ra chỗ anh, mà đứng ngắm nhìn những chuyển động đầu tiên của một ngày mới. Ghe câu lưới, ghe đổ dớn chạy nườm nượp về phía chợ. Tôi nhìn thấy ghe của ông Út Thành, của vợ chồng anh Long và cả ghe của chị Thà nữa.
Nhổ câu xong, tôi và anh Lít cũng đem cá ra chợ bán. Dù đầu mùa nước cá chưa nhiều, nhưng chợ vẫn họp sôi động. Những người dân quần áo còn ướt sũng vì trầm lâu trong nước, đem những thau cá, rọng cá lên bán cho thương lái. Nụ cười hào sảng lại nở trên môi, trước khi họ trở lại cánh đồng với niềm mong mỏi hôm sau cá sẽ nhiều hơn.
Tôi tạm biệt anh Lít và bà con để trở về thành phố. Trước khi quay đi, anh Lít còn dặn tôi nhớ tháng sau lên nữa. Khi ấy, nước trên đồng ngập sâu chừng hai mét rưỡi, cá mắm về nhiều chứ không phải ít như lúc này. Tôi bắt tay anh Lít thật chặt và hứa nhất định sẽ trở lên đúng thời điểm mà anh nói. Tôi muốn được sống lại hồi ức về mùa nước nổi miền Tây, nơi tôi đã ngụp lặn suốt tuổi thơ và thấy bà con miệt đầu nguồn này được một mùa cá bội thu.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/muu-sinh-dau-mua-nuoc-noi-i742013/