Mức sinh thay thế thấp để lại nhiều hệ lụy cho cơ cấu dân số
Tình trạng nam, nữ Việt Nam không muốn kết hôn, mô hình sinh con muộn ngày càng phổ biến, mức sinh chênh lệch giữa các vùng miền, mức sinh thay thế thấp... đang tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy.
Đây là các nội dung được các đại biểu thảo luận trong hội thảo "Tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế" sáng 11/12 do Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức.
Xuất hiện tình trạng nam, nữ không muốn kết hôn
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, trong thời gian qua, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua.
Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: Việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển; theo vùng kinh tế-xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số là 53.873.500 người, chiếm 53,7% dân số cả nước, cho thấy xu hướng tăng các tỉnh có mức sinh thấp và quy mô dân số chiếm tỷ trọng lớn hơn, hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Theo điều tra biến động dân số vào năm 2021 cảnh báo, xuất hiện tình trạng nam, nữ Việt Nam không muốn kết hôn, mô hình sinh con muộn ngày càng phổ biến, mức sinh chênh lệnh giữa các vùng miền...
Nhiều hệ lụy từ mức sinh thay thế thấp
Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Cục trưởng Lê Thanh Dũng cho biết, hội thảo tham vấn chính sách duy trì mức sinh thay thế do Cục Dân số chủ trì phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc được tổ chức trong bối cảnh Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất khung chính sách tổng thể về dân số.
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà quản lý cấp Trung ương, địa phương tham vấn và thảo luận khung chính sách tổng thể về dân số; các nội dung sức khỏe sinh sản theo ICPD và những gợi ý chính sách cho Việt Nam; tham khảo quan điểm về giới trong xây dựng chính sách duy trì mức sinh thay thế từ đó đưa ra định hướng chung trong xây dựng chính sách nhằm duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam.
Mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành đặt ra yêu cầu phải duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô 104 triệu dân; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ 15-49 tuổi đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên/thành niên có thai ngoài ý muốn.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung Khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số, trong đó tập trung vào khung chính sách để duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam, tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để có những đề xuất phù hợp, khả thi trong thời gian tới.
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Theo báo cáo gần đây của UNFPA, 2/3 dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có tỷ suất sinh dưới mức thay thế.
"Việt Nam đang ở trong thời khắc quan trọng khi chuẩn bị xây dựng Luật Dân số. Đây là cơ hội để chúng ta tái khẳng định cam kết của mình về thúc đẩy quyền và sự lựa chọn cho tất cả mọi người. UNFPA sẵn sàng hợp tác với Cục Dân số và các đối tác khác để tận dụng các cơ hội từ quá trình thay đổi nhân khẩu học, tăng cường khả năng thích ứng và xây dựng một tương lai bao trùm cho tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau", ông Matt Jackson nói.