Mức độ Ukraine phụ thuộc viện trợ quân sự - kinh tế của Mỹ

Bài viết dưới đây sẽ nhìn lại viện trợ mà Mỹ dành cho quốc phòng Ukraine và cuộc tranh cãi chính trị tại Mỹ về việc có nên tiếp tục viện trợ cho Ukraine hay không. Qua đây, độc giả cũng sẽ thấy thêm sự phụ thuộc hiện nay của Ukraine vào Mỹ về mặt quân sự và kinh tế.

Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine vào tháng 2/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã cung cấp viện trợ hơn 75 tỷ USD dưới dạng tài chính hoặc trang thiết bị cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.

Đa phần số viện trợ này được dùng cho các chiến dịch quân sự của Ukraine cũng như để duy trì hoạt động của chính phủ Ukraine và giải quyết các nhu cầu về nhân đạo của nước này.

Pháo binh Ukraine. Ảnh: Nytimes.

Chuyên gia dự báo, nếu thiếu nguồn viện trợ trên, Ukraine sẽ phải chật vật đối đầu với quân đội Nga và có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, tương lai viện trợ của Mỹ cho Ukraine đang trở nên mờ mịt.

Tổng thống Biden nói rằng Ukraine cần một dòng tiền và thiết bị mới mà chỉ Quốc hội Mỹ mới có thể phê chuẩn. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Cộng hòa phản đối đổ thêm tiền thuế của người dân Mỹ vào một cuộc xung đột nằm ở nơi cách rất xa nước Mỹ và yêu cầu ông Biden nhượng bộ trong vấn đề an ninh biên giới của nước Mỹ (điều không liên quan trực tiếp) để đổi lấy sự ủng hộ của họ.

Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều đến mức nào?

Mỹ đã cung cấp hơn 44 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhiều hơn cả mức đóng góp của 4 nước là Đức, Anh, Na Uy và Đan Mạch cộng lại, theo Viện Kinh tế thế giới Kiel.

Trong suốt cuộc xung đột, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã cảnh giác trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev, lo ngại điều này sẽ làm leo thang xung đột với nước Nga.

Thế nhưng dần dần nhiều loại vũ khí đã được Mỹ xuất sang Ukraine, như tên lửa phòng không vác vai Stinger, hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, rồi các tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot, tên lửa tầm xa ATACMS.

Nhà Trắng cũng đồng ý gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams cho Ukraine và cho phép các đồng minh phương Tây gửi cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.

Mỹ còn viện trợ cho Ukraine những gì khác?

Gần 40% viện trợ của Mỹ cho Ukraine là dành cho các mục đích phi quân sự, bao gồm chi cho nhu cầu nhân đạo như cung cấp chỗ ở cho người tị nạn, ủng hộ kinh tế trực tiếp để duy trì hoạt động của chính quyền Ukraine.

Kể từ tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 26,4 tỷ USD viện trợ tài chính, bao gồm hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho chính phủ Ukraine. Trong bối cảnh nền kinh tế bị suy sụp do xung đột vũ trang với Nga, Ukraine phụ thuộc vào các nước hậu thuẫn cho họ để duy trì các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế và phòng cháy chữa cháy.

Mỹ cũng cung cấp 2,7 tỷ USD viện trợ lương thực khẩn cấp, chăm sóc y tế, hỗ trợ người tị nạn và các viện trợ nhân đạo khác, theo Hội đồng Đối ngoại (Mỹ).

Nếu xét từng nước riêng lẻ thì Mỹ là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Tuy nhiên, hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine lên tới 79,1 tỷ USD, vượt xa mức đóng góp tài chính của Mỹ, vẫn theo Viện Kiel. Riêng Đức (thành viên của EU) góp tới 2,6 tỷ USD cho Ukraine.

Liệu Mỹ sẽ viện trợ thêm cho Ukraine?

Một số nghị sĩ Cộng hòa lập luận rằng Mỹ không nên chi hàng tỷ USD cho một xung đột xa xôi trong khi các nhu cầu trong nước chưa được đáp ứng. Nhiều vị chỉ vào số lượng lớn những người di cư vượt biên giới từ Mexico sang Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chỉ trích viện trợ của Mỹ cho Ukraine, ông nói hồi tháng 7 rằng Tổng thống Biden đang “xao lãng các lợi ích sống còn của nước Mỹ” trong lúc “đẩy Mỹ một cách nguy hiểm và không cần thiết vào Thế chiến III” với Nga.

Phát biểu trên kênh CNN, thượng nghị sĩ J.D. Vance cho rằng có viện trợ cho Ukraine nhiều bao nhiêu chăng nữa cũng không đảo ngược được tình thế trong xung đột giữa nước này và Nga. Ông nói: “Đến 100 tỷ USD còn không làm được gì, huống hồ là 61 tỷ USD”.

Và Chủ tịch Hạ viện Mỹ (do phe Cộng hòa nắm giữ) nhất quyết gắn việc viện trợ cho Ukraine với điều kiện phải bảo đảm thắt chặt an ninh biên giới mà nhiều nghị sĩ Dân chủ phản đối.

Phản ứng của Tổng thống Biden là gì?

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Biden xác định viện trợ của Mỹ cho Ukraine là điều bắt buộc khẩn cấp về an ninh quốc gia.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden nói: “Không thể đợi”. Ông còn nói rằng người Mỹ nên tự hào về việc giúp đỡ Ukraine trong gần 2 năm nhằm làm chặn đà tiến của quân đội Nga.

Tổng thống Biden cũng tố phe Cộng hòa trong Quốc hội đã “sẵn lòng trao cho Putin món quà lớn nhất mà ông ấy có thể hy vọng có”.

Dòng vũ khí của Mỹ đã ngưng lại?

Giới chức chính quyền Mỹ cảnh báo rằng Washington sẽ hết tiền ủng hộ Ukraine vào cuối năm 2023 nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn thêm.

Tuy nhiên viện trợ của Lầu Năm Góc cho Ukraine ít khả năng sẽ cạn kiệt hoàn toàn ngay. Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn đang phân phối cho Ukraine 100 - 175 triệu USD viện trợ vũ khí đạn dược và khí tài từ kho của họ trong mỗi tuần. Mặc dù vậy, các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo rằng chỉ còn 1,1 tỷ USD để bổ sung cho các kho vũ khí đạn dược vào bị hao đi.

Ngoài ra, trong vài tháng tới, Ukraine sẽ nhận thêm hàng tỷ USD vũ khí khí tài đến đợt bàn giao theo các đơn đặt hàng với các nhà sản xuất.

Thế nhưng sự bất định vẫn vây quanh viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Giới chỉ huy Ukraine đang phải sử dụng dè xẻn từng viên đạn pháo.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/muc-do-ukraine-phu-thuoc-vien-tro-quan-su-kinh-te-cua-my-post1065765.vov