Mùa nhãn có ngọt?
Nhãn đã bắt đầu vào mùa thu hoạch, ước tính sản lượng năm nay tăng gấp 6 - 7 lần so với năm 2019. Nhãn được mùa nhưng nhiều nhà vườn đang lo lắng sẽ khó 'ngọt' bởi giá thấp.
Xã Thái Bình (Yên Sơn), một trong những địa phương có diện tích nhãn lớn nhất tỉnh với gần 90 ha, trong đó có 70 ha nhãn đang cho thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định, năm nay nhãn được mùa, sản lượng nhãn của xã đạt khoảng trên 700 tấn, tăng 600 tấn so với năm 2019. Nhãn được mùa nhưng ngay cả cán bộ xã và người trồng nhãn Thái Bình đều không vui, bởi chỉ mới bước vào đầu vụ nhưng giá nhãn cùi ngon mới 15 - 20 nghìn/kg, còn nhãn nước khoảng 8-10 nghìn/kg, bằng một nửa so với năm 2019. Ông Lợi chia sẻ, năm 2018, Thái Bình cũng được mùa nhãn nhưng giá xuống quá thấp nên nhiều nhà vườn buông xuôi. Lo ngại một mùa nhãn không “ngọt” nữa lại đến, xã đã kết nối với chợ đầu mối, các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh tìm thị trường tiêu thụ nhãn cho bà con, tuy nhiên năm nay nhãn được mùa chung nên sẽ khó khăn.
Thay vì chờ nhãn chín cả cây rồi tập trung nhân lực thu hoạch như những năm trước, ông Nguyễn Tiến Hưng, thôn 4, xã Thái Bình đang tranh thủ chọn chùm nào chín, được nước trước cắt trước. Ông Hưng cho biết, vào mùa nhãn mỗi ngày 1 giá, bán đầu mùa được giá nên cứ ngắm chùm nào chín là cắt tỉa để bán dần. Hy vọng được bán sớm ngày nào được thêm giá ngày đó.
Cùng tại thôn 4, gia đình ông Nguyễn Văn Tác cũng lựa chọn cách “đánh tỉa” chùm nhãn chín trước để cắt bán. Ông Tác cho rằng, sớm còn được tiền, để lúc nhãn chín rộ, tiền bán nhãn không đủ để trả tiền thuê người hái. Ông Tác chia sẻ, năm 2018, nhãn cũng được mùa, đầu vụ giá được 15 - 20 nghìn/kg, đến chính vụ giá tụt xuống còn có 8 - 10 nghìn/kg đối với nhãn ngon; nhãn nước, quả nhỏ để chế biến long chỉ còn 3 - 4 nghìn đồng/kg, trong khi tiền thuê nhân công trèo, hái 230 - 250 nghìn/ngày.
Xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) thời điểm này những năm trước các lò làm long nhãn đã đỏ lửa để sấy nhãn, làm long thì nay vẫn lạnh tanh, chủ lò vẫn nằm chờ thị trường. Ông Nguyễn Văn Đức, thôn Tân Quang, chuyên làm long nhãn xuất khẩu chia sẻ, năm nay được mùa nhãn nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, bạn hàng Trung Quốc chưa đặt hàng nên ông cũng chưa dám thu mua nhãn để làm long.
Ông Phạm Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, với trên 160 ha nhãn, trong đó 1/2 diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng ước tính khoảng trên 400 tấn. Nhãn quả Vinh Quang phần lớn được sơ chế thành long nhãn để xuất khẩu, tuy nhiên thực tế thị trường bị thu hẹp do dịch bệnh sẽ gây ra rất khó khăn cho việc tiêu thụ.
Sau cây cam, bưởi, diện tích nhãn khá lớn. Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha nhãn, trong đó đang cho sản phẩm trên 700 ha, với sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 4.300 tấn. Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, diện tích nhãn lớn, song nhiều cây nhãn già cỗi, giống nhãn tạp nhiều khiến chất lượng quả không đồng đều. Đây là điểm yếu khiến cho nhãn của tỉnh thiếu sức cạnh tranh với các giống nhãn sông Mã, nhãn Hưng Yên... Cụ thể, năm 2018, ngành kết nối với Siêu thị Bic C Hà Nội tiêu thụ nhãn cho một số địa phương nhưng do quả nhãn nhỏ nên khách hàng không mặn mà.
Theo ông Thành, trước mắt để tiêu thụ hết sản lượng nhãn năm nay, các nhà vườn thực hiện thu hoạch tỉa, nhãn chín đến đâu, thu hoạch đến đó tranh thủ tối đa thời điểm đầu vụ được giá để bán. Các tổ chức, cá nhân chủ động kết nối, tìm thị trường trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nhãn quả; thực hiện chế biến sản phẩm từ nhãn theo nhu cầu thị trường nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Song về lâu dài, các nhà vườn trồng nhãn cần áp dụng triệt để tiến bộ khoa học kỹ thuật, cắt, ghép, loại bỏ những cây nhãn già cỗi, kém chất lượng trồng thay thế các giống nhãn chín sớm, chín muộn có chất lượng để rải vụ, giảm áp lực cho thị trường. Có như vậy mới nâng cao được sức cạnh tranh của nhãn Tuyên Quang và mang đến những mùa nhãn ngọt cho chính người làm vườn.